Sau khi lệ phí trước bạ áp dụng với ôtô loại mới dưới 10 chỗ ngồi tại Hà Nội và Tp.HCM tăng mạnh lên các mức 15% và 20% kèm theo đó là phí cấp biển số tại Hà Nội vọt lên gấp 10 lần, thị trường ôtô đã bắt đầu chững lại và có dấu hiệu suy giảm.
Nhận thấy nguy cơ này, trong khoảng thời gian từ nửa sau tháng 1 đến hết tháng 2, nhiều hãng xe đã bắt đầu áp dụng các chương trình “trợ phí” cho khách hàng.
Lý do khiến thị trường ôtô khó khăn, theo nhiều ý kiến, thì không chỉ xuất phát từ việc tăng lệ phí trước bạ tại hai thành phố lớn mà còn ở một nguyên nhân cơ bản khác, là sự khó khăn của nền kinh tế nói chung |
Mở màn cho chiến dịch kích cầu là hai cái tên Kia (Trường Hải) và GM với các mức hỗ trợ được xem là khá nhỏ giọt, từ 10 triệu đồng đến dưới 40 triệu đồng/xe.
Càng về sau, các mức giảm giá hay khuyến mại được các hãng xe áp dụng càng tăng lên, và gần như tỷ lệ nghịch với xu hướng thị trường. Ngay như trường hợp Kia, nếu như đợt giảm giá đầu tiên vào tháng đầu năm chốt ở mức 10-15 triệu đồng thì sau đó hai tháng, mức giảm giá đó đã có giá trị cộng thêm là các sản phẩm khuyến mại.
Dù tham gia muộn hơn nhưng BMW Euro Auto cũng đã có đến hai lần tiến hành giảm giá ở mức cao đến hàng trăm triệu đồng và lần sau vượt hẳn lên lần trước. Đồng hành là những động thái kích cầu đến từ một số hãng xe khác như Mercedes-Benz với mức hỗ trợ lệ phí trước bạ 3%, VinaMazda giảm giá dưới 45 triệu đồng.
Mới đây nhất, đã có hai hãng xe áp dụng chương trình giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu là Audi và Hyundai Thành Công. Trong khi Audi đưa ra mức giảm giá từ 40-300 triệu đồng tùy xe thì Hyundai Thành Công “nhẹ nhàng” với chiêu hỗ trợ phí bảo hiểm, tặng nhiên liệu...
Ban đầu, những nỗ lực của các doanh nghiệp ôtô cũng đã cho thấy kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), sau tháng đầu năm tụt dốc không phanh (từ 10.937 chiếc của tháng cuối năm ngoái) xuống còn 4.274 chiếc, sản lượng bán hàng của các hãng xe thành viên hai tháng liên tiếp sau đó đã hồi sinh mạnh mẽ. Cụ thể, sản lượng bán hàng của VAMA tháng 2 đã tăng lên mức 6.116 chiếc và tháng 3 đạt 7.525 chiếc.
Giữa tháng 3, Nghị định 18 về việc thu phí sử dụng đường bộ dùng cho quỹ bảo trì đường bộ đã gợi lại đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân của Bộ Giao thông Vận tải từ cuối năm ngoái, tạo nên một “cơn bão” tâm lý lo ngại của người tiêu dùng ôtô về việc bị thu các loại phí ở mức cao.
Sau đó, thị trường ôtô bắt đầu sụt giảm mạnh mẽ. Mặc dù hàng loạt các hãng xe khác, dù là lắp ráp trong nước (thuộc VAMA) hay các nhà nhập khẩu, như Toyota, Honda, Mercedes-Benz (lần tiếp theo) hay Porsche... nối tiếp nhau tung “đòn” kích cầu nhưng thị trường vẫn cứ tụt dốc.
Mới đây nhất, VAMA đã công bố mấy con số mà theo cơ quan này là rất đáng lo ngại: tổng lượng ôtô tiêu thụ trên toàn thị trường bao gồm cả xe lắp ráp trong nước (CKD) và nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) do 18 hãng xe thành viên bán ra đã sụt giảm đến 21.331 xe so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến nguồn thu thuế từ ôtô bị thiệt hại đến 6.000 tỷ đồng.
Tính riêng trong tháng 4/2012, sản lượng bán hàng của toàn thị trường chỉ đạt 6.982 xe, giảm 24% so với tháng liền trước và 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy rằng, việc cùng lúc phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như kinh tế suy giảm, lệ phí trước bạ cao và nỗi lo phải chịu thêm nhiều loại phí nữa đã khiến sức mua ôtô sụt giảm mạnh mẽ. Những sức ép “ngoại công” kể trên được khối doanh nghiệp ôtô lớn nhất Việt Nam nhận định là lớn đến mức có thể dẫn đến những sự thất thu ngân sách rất lớn và xa hơn là viễn cảnh đổ vỡ của ngành công nghiệp ôtô.
Và, những giải pháp kích cầu tiêu dùng mà các hãng xe tung ra thời gian qua xét trên ý nghĩa nào đó, vừa chỉ được xem là liệu pháp tâm lý cho thị trường, vừa tự cứu mình thoát khỏi tình trạng tồn kho quá lớn dẫn đến đình đốn sản xuất diện rộng.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn