Báo cáo không trung thực
Ngày 26/8/2015, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 21/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than, nêu rõ: Phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện từ nguồn than trong nước do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc sản xuất và chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mua than trong nước cho sản xuất điện từ hai đơn vị này.
Khuất tất trong mua bán 800.000 tấn than, Công ty Hoành Sơn có làm liều?
Tuy nhiên trước đó, ngày 22/01/2015, Tổng công ty điện lực Dầu khí PV Power gửi Tập đoàn Công văn số 186/ĐLDK-TM về Hợp đồng mua bán than phục vụ vận hành thương mại NMNĐ Vũng Áng 1 năm 2015, trong đó kiến nghị PVN về giải pháp cấp than cho vận hành thương mại khi chưa ký được hợp đồng với TKV.
Ngày 21/3/2015, PVN có Công văn số 1778/DKVN-TMTT đồng ý để Ban QLDA làm việc với Công ty Hoành Sơn về cung cấp than cám 5aHG cho NMNĐ Vũng Áng 1 cho đến khi đạt được thỏa thuận với TKV cung cấp 100% than cám 5aHG đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, kỹ thuật của Hợp đồng EPC.
Ngày 09/4/2015, PVN có Công văn số 2317/DKVN-TMTT có nội dung cho phép Ban QLDA ký kết hợp đồng với Công ty Hoành Sơn để mua bổ sung than phục vụ vận hành NMNĐ Vũng Áng 1 năm 2015 với khối lượng tối đa 300.000 tấn).
Sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng vào tháng 8/2015, hơn hai tháng sau, ngày 06/11/2015, PVN (lúc này ông Nguyễn Quốc Khánh - Tổng Giám đốc) vẫn có Công văn số 7834/DKVN-TMTT yêu cầu Ban QLDA khẩn trương đàm phán Hợp đồng mua bán than năm 2016 với TKV, đồng ý đề xuất ký Phụ lục bổ sung hợp đồng mua than với Công ty Hoành Sơn.
Ngày 19/5/2016, PVN có Công văn số 2942/DKVN-TMTT báo cáo Bộ Công Thương về tình hình thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 21/CT-TTg. Ngày 17/11/2016, PVN tiếp tục có Công văn số 7305/DKVN-TMTT gửi PV Power, yêu cầu PV Power sớm triển khai đàm phán và hoàn thành việc ký hợp đồng mua bán than năm 2017 với TKV trong tháng 12/2016, đồng thời cân đối nhu cầu, thực hiện phương án mua than phù hợp với cơ sở hạ tầng và công tác tiếp nhận than cho Nhà máy.
Liệu có thiếu trách nhiệm dẫn đến “mua hớ”?
Trong một công văn gửi báo chí ngày 11/10/2017, ông Phạm Hoành Sơn- TGĐ Cty CP Tập đoàn Hoành Sơn cho biết, việc đơn vị này ký kết hợp đồng (HĐ) mua bán than với Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 do cầu cảng của nhà máy không thể tiếp nhận tàu than từ tháng 8 năm nay đến tháng 3 năm sau do mưa bão.
Do đó, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) không thể cung cấp đủ khối lượng than bằng đường biển và không cung cấp bằng đường bộ. Về giá cả, so sánh với giá mua của TKV thì 1 tấn than của Cty Hoành Sơn là 103.410 đồng/tấn. Nếu tạm tính với khối lượng đã cung cấp thì tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 81 tỷ đồng.
Theo kết luận thanh tra, PVN, PV Power đã thiếu trách nhiệm khi ký hợp đồng với TKV mà không có chế tài trách nhiệm của TKV trong trường hợp TKV không đảm bảo được lượng than theo hợp đồng.
Giải thích của Công ty than Hoành Sơn
Trang website của Hoành Sơn còn cho biết, giá thành than nhập khẩu khi về tới Việt Nam luôn thấp hơn từ 5-10USD/tấn thì mức giá than mà Hoành Sơn bán cho Nhiệt điện Vũng Áng 1 chỉ rẻ hơn 100 nghìn đồng/tấn là quá cao so với giá thị trường. Lãnh đạo PVN liệu đã làm tròn trách nhiệm khi để mua than với mức giá “hớ” như vậy?.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chưa quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ thị 21 của Thủ tướng
Kết luận Thanh tra nêu rõ, việc đề xuất lựa chọn Công ty Hoành Sơn chưa chi tiết, cụ thể về các điều kiện, chủ yếu dựa vào các Văn bản giới thiệu của tỉnh, điều kiện thực tế cung cấp than tại NMNĐ Vũng Áng 1 và năng lực của Công ty (không có biên bản kiểm tra hiện trạng kho bãi của Công ty Hoành Sơn)...Như vậy, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng chưa quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ thị 21 của Thủ tướng.
Không dừng lại ở đó, gần đây, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh còn cho phép Hoành Sơn Group đầu tư nhà máy sản xuất phân bón tại KKT Vũng Áng. Dự án có tổng mức đầu tư 1.445 tỷ đồng, trên diện tích 10 ha, tại phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với quy mô sản xuất 1.200.000 tấn/năm (sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ). Đây là một quyết định khiến dư luận hoài nghi khi cả nước còn tới 12 đại dự án ngổn ngang thua lỗ, trong đó có hàng loạt nhà máy phân bón thì việc cho phép đầu tư thêm một nhà máy như vậy liệu liệu có phù hợp?.
Theo kết luận thanh tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Tập đoàn Dầu khí phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể và cá nhân sai phạm, có hình thức xử lý kỷ luật và báo cáo Bộ trưởng trước ngày 30/10/2017 thế nhưng đến nay đã giữa tháng 10, vẫn chưa hề thấy ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Phó bí thư Đảng ủy phụ trách, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV có chỉ đạo việc kiểm điểm, xử lý các tập thể và cá nhân liên quan.
Trang Nhi
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn