Không thu trẻ sơ sinh, người tàn tật thì không đủ tiền làm đường!

Thứ ba - 06/06/2017 20:35
Trong khi dân nghèo đang phải è cổ đóng nạp nhiều khoản thu vô lí thì lãnh đạo xã Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh) lại cho rằng thôn tự làm, dân tự nguyện còn xã không có chủ trương, mà không thu như thế thì lấy tiền đâu mà làm đường.

Những gia đình có điều kiện tí nộp như vậy có thể là bình thường, nhưng dân nhà nông, bòn từng bó rau đi bán…hay như trẻ sơ sinh, những người không đủ sức lao động, mỗi tháng được hỗ trợ mấy đồng tiền chính sách… mà phải nộp như vậy là quá nhiều, cứ đè đầu đè cổ người ta mà bắt nộp như thế thực sự không phù hợp” – một người dân thôn Bắc Hải  bức xúc.

Đó là một trong nhiều những ý kiến của người dân xã Kỳ Hải khi nói về việc dân trong xã đang phải nộp số tiền làm đường giao thông nông thôn quá cao, có thôn lên tới 500 nghìn/ người như báo Tầm nhìn đã có bài phản ánh.

“Luật nước” thua “luật làng”

Điều đáng nói, tất cả người dân thuộc hộ nghèo, người tàn tật, những gia đình thuộc diện chính sách, đặc biệt là cả trẻ sơ sinh mới 6 tháng tuổi cũng bị thu cào bằng.

Trước sự bức xúc của bà con, chúng tôi đã tìm gặp một số cán bộ thôn của xã Kỳ Hải để tìm hiểu kỹ hơn về sự việc này.

Bí thư của thôn Nam Hải thừa nhận: Trong năm 2014, xóm đã tiến hành thu với số tiền 500 nghìn đồng/khẩu, người già trên 80 tuổi được miễn, còn từ 70 đến 75 tuổi được giảm một phần. 

  
 Để có tiền làm giao thông nông thôn xã Kỳ Hải đã thu cào bằng, trong đó trẻ sơ sinh, người tàn tật, hộ khó khăn.. cũng phải nộp ngang bằng với các đối tượng khác. Ảnh: Mai Nguyễn  

Một cán bộ ở xóm khác thì cho biết: các xóm trưởng bàn với nhau, sau đó đưa ra lấy ý kiến trước dân và được nhân dân đồng ý.

Một người dân thôn Nam Hải, trước đây cũng từng là một cán bộ thôn khi tâm sự với chúng tôi về chuyện nộp tiền nong trong xóm mình, về vấn đề “bàn bạc trước dân” mà các vị cán bộ thôn nói, ông cho rằng: thu cả, kể cả đứa con của tôi đang bị chất độc màu da cam và nhiều gia đình chính sách, gia đình thuộc hộ nghèo, người tàn tật…cũng nộp cào bằng 500 nghìn/khẩu, số tiền này rất lớn đối với những hoàn cảnh khó khăn như họ. Đáng lẽ ra, ít nhất họ đã không được miễn thì cũng phải được giảm phần nào đó. Dân họ có nói, thậm chí nói nhiều về việc này lắm”.

Rồi với phong thái của một người cũng từng làm cán bộ , ông trầm ngâm: “nhưng cô ạ, người ta vẫn hay nói là có “luật nước” và “luật làng”, theo ý kiến của tôi thì vấn đề này, về “luật nước” là không đúng, nhưng theo “luật làng” thì… dân phải nộp thôi.

Không đúng chính sách, nhưng không còn cách nào khác 

Để rộng đường dư luận về những bức xúc của nhiều người dân xã Kỳ Hải trong việc bị thu cào bằng như trên, PV đã có cuộc làm việc với ông Võ Sỹ Duyệt (Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hải) và ông Dương Đức Hạnh (Chủ tịch UBND xã Kỳ Hải).

Cả ông Duyệt và ông Hạnh đều thừa nhận khoản thu tiền làm đường giao thông  mà báo phản ánh là có.

Ông Duyệt cho biết: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Kỳ Hải đã đạt 9 tiêu chí. Riêng tiêu chí về làm đường giao thông nông thôn, nếu như không có sự đóng góp của dân thì không thể làm được. Còn việc này được thực hiện theo quy chế dân chủ: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

  
 Ông Võ Sỹ Duyệt  - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hải thừa nhận những thông tin mà báo cung cấp là có 

Ông Hạnh nói rằng: Chủ trương xây dựng đường giao thông nông thôn trong xã bắt đầu từ năm 2006 và được thực hiện cho đến nay. Huyện cho xi măng còn vật liệu, vật tư và GPMB là do dân. 

Các thôn lên dự toán, một km sẽ hết bao nhiêu tiền, sau đó sẽ chia ra là một khẩu sẽ nộp bao nhiêu tiền. Xã không có nghị quyết, không có hướng dẫn thực hiện, tất cả là do dân tự bàn và thực hiện, xã không ép dân. 

Về việc trẻ sơ sinh cũng phải nộp ông nói rằng, cái này do cha mẹ tự nguyện, còn các diện gia đình chính sách, hộ nghèo…thì theo ông, các hộ thuộc các diện này nhiều, nếu không thu thì những người dân còn lại phải nộp cao.

Khi PV hỏi, liệu mức thu nửa triệu đồng/ khẩu đối với người dân là có cao quá không, ông Hạnh cho rằng: mức đóng góp này vẫn quá sức, là cao, về chính sách thì không đúng, nhưng không còn cách nào khác (!!).

Về vấn đề “xã im lặng” như dân phản ánh, ông Hạnh nói: “nói được cái gì, mình được công trình, dân tự làm, mình không ngăn cản được”.

Khi PV đặt vấn đề: về khoản thu, nhất là về việc trẻ sơ sinh cũng nộp , có một vị cán bộ thôn nói rằng: “các xóm trưởng thống nhất với nhau” rồi mới đưa ra trước dân bàn, vậy liệu họ có ý kiến chỉ đạo nào từ xã không, thì ông Hạnh phủ nhận việc xã chỉ đạo, đồng thời cũng phủ nhận  cả việc các xóm trưởng tự thống nhất với nhau và nói rằng: không phải các xóm trưởng bàn và thống nhất với nhau đâu, mà việc này là cán bộ từng thôn hạch toán và bàn trước dân, được dân đồng ý. 

Một xóm làm, các xóm khác hỏi han rồi mới làm vậy. Sau khi được dân thống nhất, họ mới đưa ra hỏi ý kiến xã, xã thấy vì dân đồng ý rồi nên để các xóm thu.

Trước sự bất nhất trong ý kiến trên giữa cán bộ thôn và cán bộ xã, người dân đang đặt câu hỏi, việc thu tiền làm đường này, nhất là việc trẻ sơ sinh ở cả xã cũng phải nộp liệu đã được thống nhất từ trước rồi các thôn mới đem ra bàn bạc với dân hay không? Và liệu chính quyền xã có “cố tình làm ngơ” để cán bộ các thôn đưa ra thực hiện việc này? 

PV cũng đặt câu hỏi: nếu như  người dân các thôn đều đồng ý về việc nộp khoản tiền lên đến nửa triệu đồng, thì tại vì sao lại có những sự bức xúc trong dân như vậy, ông nói: đưa ra dân họp bàn thì thiểu số phục tùng đa số. Nhưng ông cũng thừa nhận, tất nhiên cũng có một số người dân khi họp thì họ không nói, mà khi ra ngoài mới nói… (?)

Khi PV nói thêm rằng, nếu như đặt mình vào hoàn cảnh của nhân dân, chỉ một gia đình thuần nông nghiệp, phải “bòn từng bó rau đi bán ”… mà có khoảng 5 đến 6 người, trong đó có con đang đi học thì tổng số tiền phải nộp là rất lớn đối với họ, chưa kể đối với những gia đình chính sách, hộ nghèo, người bị chất độc màu da cam, người tàn tật mà cũng thu đến nửa triệu đồng/ khẩu thì đây thực sự là một gánh nặng…ông Hạnh thừa nhận điều này.

Việc các mức thu nhận được nhiều ý kiến bức xúc từ dân chứng tỏ trong vấn đề thu tiền làm đường không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người dân trong xã. Việc chính quyền xã Kỳ Hải cho các thôn thu với mức tiền như vậy đã tạo nên nhiều dư luận không tốt, làm mất niềm tin về sự gần gũi và quan tâm đến đời sống nhân dân, về trách nhiệm của những người đứng đầu chính quyền. Còn nếu chỉ vì thành tích để đạt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, nhưng vì không có đủ tiền làm đường, vì “không còn cách nào khác”, nên dù biết không đúng chính sách, biết sẽ là gánh nặng cho dân, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn, cả những đứa trẻ mới sinh, còn bú sữa mẹ… nhưng vẫn cho thu với mức cao như vậy thì liệu có nên hay không? 

  
 

Ông Dương Đức Hạnh - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hải: “Nói được cái gì, mình được công trình, dân tự làm, mình không ngăn cản được”.

 

Khi PV cung cấp thông tin sự việc đang xảy tại xã Kỳ Hải , ông Nguyễn Tiến Hùng – Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân Huyện Kỳ Anh tỏ ra hết sức bất ngờ. Ông Hùng cho biết:  Tôi chưa nắm được thông tin này, việc thu này không có chủ trương của huyện, và mức thu như vậy ở Kỳ Hải là cao quá. 

“Huyện sẽ cho người kiểm tra sự việc để có hướng xử lý phù  hợp”, ông Hùng nói.


Thời gian qua, Báo Tầm nhìn đã có loạt bài phản ánh về việc Chính quyền xã Cẩm Bình (Huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã “tận thu” nặng nề các khoản tiền của nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. 

Sau khi báo đăng tải, ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nói rằng: “Tiền xây dựng Nông thôn mới là máu thịt của dân, ai sai là phải xử lý ngay, bất kể người đó là ai...Nếu sai phạm lớn, cần thiết sẽ cho khởi tố”. 

Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền huyện Kỳ Anh nên vào cuộc kiểm tra vụ việc nhằm giảm bớt gánh nặng cho dân, đồng thời để lấy lại niềm tin của người dân.

Ngày 13/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo về việc huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nội dung sau:

“...Xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến công tác giảm nghèo, gắn với phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; tuyệt đối không để tình trạng xây dựng nông thôn mới làm tăng gánh nặng, tăng nghèo cho người dân …

Nơi nào, cấp nào để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, gây khó khăn trong việc xác nhận và giải quyết quyền lợi chính đáng của nhân dân theo chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước... thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, kiểm điểm để xử lý kỷ luật nghiêm khắc...”.

Tầm nhìn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.


Theo Mai Nguyễn - Đặng Sơn Tầm nhìn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây