Không dùng nước sạch vẫn phải nộp tiền

Thứ tư - 02/05/2018 13:00
Từ nhiều năm qua, gần 90 hộ dân xóm Đồng Cần, xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ ( Hà Tĩnh) phải đóng tiền gấp đôi, gấp ba so với số tiền nước sử dụng, thậm chí không sử dụng cũng phải đóng tiền do việc thất thoát nước…Tạo ra nhiều hệ lụy và gây bức xúc rất lớn đối với người dân.

Nộp tiền thất thoát … không nộp thì cắt

Năm 2006, đại diện chính quyền xã Đức Thịnh cùng với đại diện thôn Đồng Cần ký hợp đồng mua nước sạch với Công Ty Cổ Phần cấp nước Hà Tĩnh- chi nhánh cấp nước Hồng Lĩnh. Công ty quản lý khối lượng nước thông qua đồng hồ tổng đặt ở cầu Đồng Cần, với  đơn giá 5.200đ/1m3.

Người dân bất bình vì tháng nào cũng phải nộp tiền thất thoát mà không hiểu lí do


Khi nước về đến từng hộ dân, đại diện chính quyền xã và thôn thu lên với đơn giá 6.000đ/m3. Lý giải việc tăng giá, đại diện chính quyền cho biết là để tính tiền công cho người thu hộ tiền nước.

Theo phản ánh của người dân, hiện xã  Đức Thịnh có 88 đồng hồ nước cá nhân và 2 đồng hồ nước của tập thể. Do xã Đức Thịnh nằm gần Thị xã Hồng Lĩnh nên nhiều năm nay người dân nơi đây nhờ chính quyền đứng ra làm trung gian để mua nước sạch. Việc duy tu, bảo dưỡng không tốt nên hệ thống ống nước kém, gây thất thoát nước nhiều. Đặc biệt là đồng hồ tổng đã hơn 10 năm không thay, trong khi đó niên hạn chỉ không quá 5 năm.

Chị Nguyễn Thị H đến nộp tiền nước cho biết : “Từ ngày có nước sạch gia đình chúng tôi phải nộp thêm khoản tiền phát sinh do thất thoát nước, số tiền lúc đầu có 3.000đ, nhưng ngày càng tăng cao điểm là 43.000đ, trung bình khoảng 30.000đ phải đóng mỗi tháng mà không hiểu lý do tại sao ? ’’.

Cùng thời điểm đó một người dân bức xúc nói : “Cái này chúng tôi phản ánh nhiều, kiến nghị nhiều qua các cuộc họp xóm mà chẳng thấy có cách gì xư lý, tháng nào cũng nộp tiền thất thoát, tôi dùng có hai khối nước  hết 12.000đ, mà phải nộp những 30.000đ  tiền thất thoát. Tháng trước, cả nhà tôi vào Sài gòn với con cháu, không sử dụng nước mà về vẫn phải nộp tiền thất thoát”.

Số tiền phải thu được ghi trong cuốn nháp học sinh


Tìm hiểu về vấn đề trên, nhóm phóng viên có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Phương là thôn trưởng xóm Đồng Cần, người đại diện thôn thu tiền nước của người dân trong xóm hai tháng gần đây. Bà Phương cho biết : “Tôi đã có viết tờ trình lên nhà máy nước để sáp nhập với nhà máy nước Hồng Lĩnh để họ quản lý. Tuy nhiên họ trả lời đây là địa phận thuộc huyện Đức Thọ nên phải quản lý qua đồng hồ tổng riêng. Năm 2006 đến giờ đồng hồ tổng chưa thay lần nào, nhưng theo quy định 5 năm phải thay đồng hồ một lần để đảm bảo chất lượng không thất thoát nước, nhưng do điều kiện chưa thay được.Đến tháng  họ gọi xuống báo tổng số nước, sau đó tôi đi đo nước từng hộ, rồi tính toán thu tiền từng hộ cả tiền nước và tiền thất thoát, tới nhà máy nước nộp tiền thì họ mới đưa hóa đơn.”

Công ty Nước thiếu trách nhiệm, không thương dân?

Có mặt tại nhà văn hóa xóm Đồng Cần, xã Đức Thịnh trong một buổi thu tiền nước của thôn, nhóm PV chúng tôi nghe được rất nhiều phản ánh, bức xúc của người dân khi phải mất tiền … oan.

“Theo lý thuyết, hộ nào sử dụng bao nhiêu nước thì trả tiền bấy nhiêu. Thế nhưng, tiền sử dụng nước thì ít mà tiền nộp thất thoát thì gấp nhiều lần. Tháng nào cũng thất thoát, năm nào cũng thất thoát mà dân chúng tôi không thấy ai sửa chữa và khắc phục. Đáng ra, việc này công ty cấp nước phải chịu” – Một người dân phản ánh thêm.

Trao đổi việc này với PV, ông Trần Lê Thông – Phó giám đốc công ty cổ phần cấp nước Hồng Lĩnh cho biết: “ Tình trạng thất thoát nước tại xã Đức Thịnh thì chúng tôi có biết, tuy nhiên chúng tôi chỉ có trách nhiệm tư vấn và hỗ trợ sữa chữa. Chúng tôi quản lý nước thông qua đồng hồ tổng tại thôn, còn việc thu tiền thất thoát, hao hụt nước là việc của thôn; thu có thêm bao nhiêu tiền thì chúng tôi cũng không cần biết ”.

Không một hóa đơn thu tiền

Khi nghe câu trả lời của đại diện nhà máy nước, nhiều người cho rằng nhà máy nước không thương dân, thiếu trách nhiêm trong công việc và thiếu xúc cảm trong cuộc sống.

Xét về vấn đề cung – cầu thì sử dụng nước  sạch là nhu cầu tất yếu của người dân để phục vụ cuộc sống. Nước sạch là mặt hàng độc quyền, không có đơn vị cạnh tranh, nên ngoài thỏa thuận mua – bán, thì công ty cấp nước, chính quyền địa phương còn phải có trách nhiệm cấp nước sạch cho người dân. Nếu có thất thoát trong vận hành cấp nước thì, công ty nước phải đứng vào cương vị của một người dân và tìm biện pháp khắc phục, giảm thiểu tối đa nhất của việc thất thoát, tránh lãng phí.

Sử dụng hay không thì tiền thất thoát đều phải đóng

Người dân xã Đức Thịnh không thể sử dụng nước từ Công ty cấp nước Đức Thọ mà phải đầu tư chi phí lắp đặt đường ống để mua nước của Công ty cấp nước Hồng Lĩnh với giá cao hơn. Việc công ty Cấp nước Hồng Lĩnh tính tiền trên đồng hồ tổng rồi bỏ mặc việc vận hành nước, kiểm tra đường ống, không có biện pháp khắc phục thất thoát nước là không thể chấp nhận. Công ty cấp nước Hồng Lĩnh không coi khách hàng là thượng đế mà coi mặt hàng nước sạch là độc quyền nên thích thì bán, không thích thì thôi là thiếu lương tâm.

Đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền, sớm có phương án xử lý tốt nhất, giảm thiếu tình trạng thất thoát nước  không lý do, ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây

 
Theo Bảo Trung - Quốc Khánh Làng mới

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây