Khổ như tái định cư mỏ sắt

Thứ bảy - 10/06/2017 05:13
Đại công trường mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) được đầu tư đào xới, bươi móc nham nhở rồi để đó. Đến nay, công trường tạm dừng đã nhiều năm vì thiếu vốn như phía Công ty CP Sắt Thạch Khê "kêu gào". Hậu quả, hàng ngàn người dân đang phải sống vật vờ trên mỏ lầy này, người chết không yên, người sống lay lắt. Người dân không biết kêu ai, chính quyền sở tại cũng bất lực.
Mỏ “lầy”
 
Dân bắc miền Trung dùng từ “lầy” để chỉ sự trơ trẽn, lì lợm, bất chấp tất cả của một ai đó. Và người dân vùng 6 xã nam cửa Sót gọi chung cái mỏ sắt Thạch Khê là mỏ “lầy”. “Lầy” bởi vì từ khi quy hoạch rồi đưa vào khai thác, rồi phải ngưng lại vì thiếu vốn cho đến nay đã nhiều năm trời. Bao nhiêu hứa hẹn đổi đời, bao nhiêu cam kết, ký tá nhằm hỗ trợ đời sống cho bà con nơi đây đều chìm sâu dưới biển Thạch Hải.
 
Phần lớn người dân vẫn đang phải bám trụ lại trên mảnh đất đã bị phá hoại hoàn toàn. Đất đai biến dạng, mạch nước mất đi, họ sống dở chết dở trên đó. Không những vậy, mồ mả tổ tiên ông bà tiếp tục bị chôn vùi, bệnh tật bao trùm, nghèo đói ngày càng lan rộng, cha con, vợ chồng ly tán… một bức tranh không thể đau lòng hơn giữa thế kỷ 21 này và giữa một vùng mỏ đầy hứa hẹn kinh tế.

 
Ông Nguyễn Công Cảnh, tổ trưởng tổ dân cư 7: "Cuộc sống của chúng tôi khi lên đây khổ hơn chỗ cũ nhiều lắm".
 
Ông Nguyễn Công Cảnh, tổ trưởng tổ dân cư 7 (khu tái định cư thôn Trường Xuân, xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà), cho biết: “Toàn khu tái định cứ (TĐC) có khoảng 60 hộ, cuộc sống của chúng tôi khi lên đây khổ hơn chỗ cũ nhiều lắm. Ruộng nương không còn nữa, con cái thất nghiệp, điện đóm không ổn, nước không có, cực lắm”.
 
Ông Cảnh cho hay, khi dân thôn 1 của ông di dời lên khu TĐC, người ta hứa hẹn rất nhiều về cuộc sống, việc làm. Tuy nhiên, lúc lên đây dựng nhà, định cư và mòn mỏi chờ đợi gần 2 năm nay vẫn không thấy gì cả.
 
“Theo quy định, chúng tôi sẽ được hỗ trợ gạo ăn nhiều tháng sau khi di dời tùy vào diện tích thu hồi của từng hộ. Họ còn hứa sẽ có nước sạch, có điện chiếu sáng… nhưng đến nay chúng tôi không nhận được gì cả. Chỉ có suất hỗ trợ 4,5 triệu đồng/hộ, hỗ trợ xây bể chứa nước mà thôi”.
 
Đi một vòng quanh khu TĐC này, nhà nào cũng thấy người già lay lắt ở nhà. Những người khỏe mạnh thì đi làm thêm, phụ nữ thì đi lượm sắt vụn, đàn ông thì đi làm thợ "đụng" (gặp việc gì làm việc đó).
 
Ngoài đường, vợ chồng ông Nguyễn Duy Vinh (sinh năm 1939) đang còm cõi đẩy xe đi xuống khe Hao phía núi Nam Giới thuộc địa phận xã Thạch Bàn để múc nước về sinh hoạt. Chỉ vào cái vòi nước đang chảy ra một màu đục vàng tanh tưởi, ông Vinh thở hắt: “Họ hứa với chúng tôi nhiều thứ nghe hay ho lắm, nhưng mỗi cái chuyện nước sạch thôi mà cũng không có đó chú. Không có nước, chúng tôi phải khoan giếng, mà nước bị phèn như rứa nên đành phải đi chở nước hằng ngày về sinh hoạt”.

 
Nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng khiến người dân rất khổ sở.
 
 
Trong ngôi nhà nhỏ cạnh đó, vợ chồng ông Phạm Công Tí (62 tuổi) đang ngồi đuổi ruồi chờ đứa cháu đi học về dùng cơm trưa. Trưa nắng gắt, mùi tanh nước phèn ở cái bể lọc bốc ra quyện theo tiếng vo ve của lũ ruồi khiến từng ánh mắt thêm đờ đẫn.

Ông Tí cho biết: “Hai vợ chồng già tui lên ở đây ngồi không mà chờ con cái nuôi thôi. Ở chỗ cũ còn có ruộng vườn mà làm, lên đây không làm được gì hết. Đám đất trong vườn khô cứng cây hành mọc cũng không nổi. Nước thì ăn vào ngày thêm bệnh. Còn trợ cấp theo diện di dời thì họ nói “lầy” rứa thôi, không có chi cả!”.
 
“Tết vừa rồi, đoàn địa chất vùng mỏ có đến thăm dân khu tái định cư, gia đình tui được tăng 1 gói kẹo, một chai rượu đó”, ông Tí nói thêm với vẻ chua chát.

 

Quy hoạch đang bỏ hoang, công trình xuống cấp dù chưa có người ở.
 
Đi thêm một vòng sau dãy TĐC mới, chúng tôi thấy rất nhiều khu TĐC quy hoạch đang bỏ hoang và xuống cấp dù chưa có người ở, dù chưa xây nhà. Tại vị trí khu TĐC số 2 mỏ sắt Thạch Khê, hệ thống mương, cống thoát nước gần như bị hư hại hoàn toàn. Nhiều đoạn dài các tấm đan che mặt mương bị sập nát, lộ nhiều loại thép đổ bê tông không đảm bảo. Đi về phía rìa TP.Hà Tĩnh, một dãy dài các khu TĐC đang được dùng để trồng bầu, tất cả các công trình như nhà văn hóa, cống tiêu thoát đang xây dựng dở dang nằm lăn lóc và hư hại. Về tương lai, những công trình này dường như phải đập đi và làm mới lại hoàn toàn. Một sự phung phí không thể tả.
 
Công ty sắt cười trừ?
 
Tiếp nhận những vấn đề trên, 
bà Nguyễn Thị Hương, chánh văn phòng Công ty CP sắt Thạch Khê chỉ biết cười. Bà Hương cho hay: “Tất cả các phát ngôn từ phía công ty tôi không nói được, mà ngay cả giám đốc cũng không. Mọi phát ngôn đều phải thông qua từ phía tập đoàn Than - Khoáng sản. Điều này đã được quy định”.
 
Như vậy, phía Cty CP sắt Thạch Khê chỉ biết cười trừ sau cái sự “lầy” của mình. Người dân, và cả chính quyền địa phương cũng chẳng biết kêu ai và bám víu vào đâu khi đơn vị chịu trách nhiệm chính lại như vậy.
 
Còn ông Lê Văn Giáp, hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng huyện Thạch Hà phụ trách xã Thạch Đỉnh thì cho hay: “Xóm 1 xã Thạch Đỉnh đã tiến hành di dời 100% số hộ trong quy hoạch, xóm 2 thì còn 9 hộ đang vướng chưa di dời được. Tất cả những hộ đã di dời đều được tiến hành kiểm kê tài sản, mức hỗ trợ và quy ra tiền trả hết vào năm 2012 rồi”. Ông này cho rằng, trong quá trình tuyên truyền để chi trả, hỗ trợ cho người dân, cán bộ địa phương đã không nói rõ khiến người dân có sự hiểu lầm.
 
Về vấn đề việc làm, ông Nguyễn Trọng Thành, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Thạch Hà, cho hay: “Vấn đề tạo việc làm cho người dân vùng mỏ đang bị vướng. Mặc dù nói trên truyền thông là vậy (người dân được hỗ trợ đào tạo, cung ứng việc làm - PV) nhưng thực chất rất nhiều người đi học về nhưng không có việc, bởi vì mỏ đang dừng hoạt động”.

Một công trường tan hoang, dang dở, người dân đang phải sống lắt lay... là một thực tại đang hiện hữu trên vùng đất thuộc dự án mỏ sắt lớn nhất Đông dương!.   
 Theo Lê Đình Dũng (Ngaynayonline.vn)


Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây