Khó có gói bảo hiểm bão cho cây cao su

Thứ ba - 01/05/2018 10:30
Khoảng 20.000 héc ta trồng cao su ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh bị gãy đổ, trong đó, nhiều diện tích gần như mất trắng hoàn toàn sau cơn bão số 10. Một lần nữa, nhiều người lại đặt ra vấn đề cần có bảo hiểm cho cây cao su. Tuy nhiên, khó có thể có một gói bảo hiểm bão cho cao su ở những địa phương này.
Một công nhân trên đường về sau khi đã lấy mủ cao su vào buổi sáng. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo một thành viên của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), sẽ rất khó để các công ty bảo hiểm đưa ra gói bảo hiểm bão cho cây cao su tại miền Trung.

Lý do, doanh nghiệp bảo hiểm cũng là một doanh nghiệp nên thường xem lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu để đưa ra gói bảo hiểm nào đó mà họ có thể có lợi nhuận nên lĩnh vực như bảo hiểm bão cho cây trồng tại những địa phương luôn có vài cơn bão mỗi năm như ở miền Trung thì doanh nghiệp sẽ phải tính toán kỹ và thường không muốn tham gia cũng là điều dễ hiểu.

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam nếu có cầu thì có cung nhưng vấn đề ở đây làm sao để cả hai bên khi tham gia vào bảo hiểm bão cho cây cao su cảm thấy hài lòng nhất.

“Trong trường hợp cây cao su trồng ở miền Trung, nơi mỗi năm có nhiều cơn bão đổ bộ vào thì nếu có chương trình bảo hiểm bão cho cây cao su thì phí bảo hiểm sẽ cao, thậm chí có thể rất cao”, ông Lộc nói.

Ông Lộc cho rằng, muốn có gói bảo hiểm bão cho cây cao su thì tất cả các địa phương có trồng cây cao su trên cả nước phải mua gói bảo hiểm này và cây cao su các tỉnh miền Trung luôn có mức phí cao hơn các tỉnh trồng cao su ở Đông Nam bộ. Mức phí như thế nào sẽ phụ thuộc vào tính toán của các công ty bảo hiểm.

Cách đây 2 năm, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) đã triển khai gói bảo hiểm bão cho cây cao su ở mọi độ tuổi, gồm cả cây trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và cây đã cho khai thác mủ. Tuy nhiên, BIC chỉ thí điểm tại các tỉnh có sản lượng cao su lớn nhất cả nước gồm Tây Nguyên và các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước.

Vào thời điểm đó, khi trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online lý do vì sao chỉ bảo hiểm bão cho cây sao su ở những địa phương gần như không bị ảnh hưởng bởi các cơn bão chứ không phải là các tỉnh miền Trung, phía BIC cho biết, do miền Trung có nhiều cơn bão mỗi năm nên nếu đưa ra gói bảo hiểm bão cho cây cao su ở những địa phương này sẽ không sớm thì muộn cũng sẽ bị phá sản vì thua lỗ. 

Bỏ ngỏ phương án trồng lại

Theo ông Đỗ Bá Lượng ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, gia đình có 3 héc ta cao su trồng từ năm 1995, cơn bão số 10 đã khiến 500 cây (tương đương 1 héc ta) bị bật gốc và khoảng 500 cây gãy cành nên phải khoảng 1 năm sau mới có thể khai thác lại.

Ông Lượng cho biết, vẫn chưa có kế hoạch trồng lại cao su trên nền những cây cao su bật gốc do bão vì còn phụ thuộc vào khả năng tài chính của gia đình. “Hiện gia đình tôi chỉ tập trung vào việc dọn dẹp số cây bị gãy đổ, còn trồng lại hay không phụ thuộc ngân hàng có cho vay tiền hay không”, ông Lượng nói.

Theo giám đốc một công ty trồng cao su ở Hà Tĩnh, việc quyết định có trồng lại cao su trên nền diện tích cao su bị gãy đổ phần nhiều phụ thuộc vào quyết định của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG). Hiện đa phần các công ty cao su ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh đều thuộc VRG

Tuy nhiên, phía VRG cho biết, tập đoàn đang tập trung bàn cách xử lý những vườn cao su của các công ty thuộc tập đoàn, còn việc có tiếp tục trồng lại cao su hay không lại chưa muốn đề cập vào thời điểm này. Hiện tổng diện tích cao su của 7 công ty thành viên của VRG ở miền Trung là 21.400 héc ta. Dự kiến, đến năm 2020 diện tích cao su sẽ nâng lên khoảng 50.000 héc ta. Còn theo Hiệp hội cao su Việt Nam tổng diện tích cao su tại miền Trung là 127.000 héc ta (vào năm 2011), xếp thứ 3 sau Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

 Theo TBKTSG Online


Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây