Khi giáo dục trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho báo chí khai thác

Thứ tư - 02/05/2018 01:19
Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm rộng rãi của toàn thể xã hội. Giáo dục trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho báo chí khai thác, ở nhiều đề tài, nhiều cách nhìn, cách thể hiện, cách đặt vấn đề khác nhau.

Học sinh đánh nhau cũng là đề tài "hot" được các báo khai thác triệt để

Dưới đây là những ý kiến của các thầy cô khi mà  báo chí viết về giáo dục.

ThS Trịnh Việt Văn, Giáo viên Trường PTTH chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội): Tôi mong muốn rằng, hàng ngày, báo chí sẽ đề cập nhiều hơn đến nội dung đề cao những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp trong xã hội...

Sự phát triển của báo chí đã đóng góp cho xã hội nhiều điều tích cực. Tuy nhiên, ở góc độ giáo dục xã hội thì tôi thấy còn bất cập.

Cụ thể, là hiện nay báo mạng, cả báo truyền thống đều thiên về việc đăng tin giật gân, đi sâu khai thác các mặt trái của xã hội, đặc biệt là những mảng tối như cướp, hiếp, giết... chưa bao giờ tôi thấy điều nghịch lý lại lên ngôi như vậy, qua những người bán báo rong mới rõ, họ giới thiệu báo mới để thu hút sự quan tâm của độc giả thông qua những tin giật gân về tình trạng vi phạm pháp luật chứ rất ít khi giới thiệu những mặt tốt của xã hội để hút khách.

Thật là nghịch lý. Báo mạng cũng "câu view" bằng những nội dung tương tự. Qua thời gian, tôi thấy báo chí đã góp phần làm cho chúng ta cảm thấy những điều sai trái trong xã hội ngày một phổ biến, "gần gũi" với mỗi chúng ta. Đương nhiên, hệ quả là trong xã hội, người ta thấy những điều sai trái đó như "chuyện thường ngày ở huyện".
Tôi mong muốn rằng, hàng ngày, báo chí sẽ đề cập nhiều hơn đến nội dung đề cao những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp trong xã hội, những câu chuyện động đến lòng trắc ẩn của con người, để chúng ta thấy xã hội còn rất nhiều điều tốt đẹp, đáng trân trọng. Để mỗi chúng ta đều mong muốn được làm những việc tốt, góp phần xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (giáo viên Trung tâm Học mãi): báo chí miêu tả và thổi phồng những tiêu cực trong giáo dục

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc

Hiện cả nước có tới hơn 20 triệu học sinh - sinh viên, cùng với đó là hơn chục triệu hộ gia đình có con cái đang trong độ tuổi đi học và hơn 2 triệu giáo viên. Trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục thường xuyên được sống trong không khí đổi mới với rất nhiều sự thay đổi, điều chỉnh, cải cách, .... diễn ra liên tục.

 Tất cả những yếu tố đó khiến cho Giáo dục trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho báo chí khai thác, ở nhiều đề tài, nhiều cách nhìn, cách thể hiện, cách đặt vấn đề khác nhau, ... Vai trò và ảnh hưởng của báo chí tới hoạt động giáo dục là hết sức to lớn trên cả 2 phương diện tích cực và tiêu cực.

Ở khía cạnh tích cực, thứ nhất, báo chí đã tham gia chủ động trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, ... những ý tưởng và quyết định trong công tác đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đó giúp học sinh, phụ huynh và cả giáo viên hiểu đúng, hiểu rõ về các chính sách, về những điều chỉnh trong chương trình đào tạo cũng như công tác thi cử, tuyển sinh, .... tạo tâm lý yên tâm, đồng thuận và có kế hoạch, phương pháp ôn tập, chuẩn bị tốt nhất cho việc học và thi. Điển hình như những tranh cãi về vấn đề "điểm cộng" trong kỳ thi THPTQG năm 2015 và kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG sau khi được phân tích, mổ xẻ trên báo chí đã giúp nhiều độc giả hiểu rõ và hiểu đúng hơn một chính sách rất hợp lý và nhân văn của Đảng và Nhà nước.

 Bên cạnh đó, nhiều tờ báo còn tạo các công cụ hỗ trợ thông tin cho độc giả như cung cấp tài liệu học tập, tư vấn phương pháp học tập, tư vấn quy chế thi và tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp, tổ chức các kỳ thi thử, tra cứu điểm thi,....

Thứ hai, báo chí còn là diễn đàn trao đổi tích cực, nơi các quan điểm về giáo dục được trao đổi cởi mở giữa phụ huynh, học sinh với giáo viên và những người quản lý giáo dục. Những thống kê qua các cuộc khảo sát ý kiến, điều tra của báo chí là một kênh thông tin phản hồi, phản biện quan trọng để các thầy cô giáo và các nhà quản lý giáo dục hiểu rõ mong muốn, nguyện vọng của xã hội với ngành giáo dục và có những điều chỉnh trong hành vi, quyết sách cho phù hợp. Câu chuyện về ý tưởng "tích hợp môn Lịch sử" năm trước là điển hình cho sự điều chỉnh này.

Thứ ba, đối với các thầy cô giáo, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Qua báo chí, các thầy cô được biết tới những mô hình giáo dục và phương pháp giảng dạy tiên tiến đang được áp dụng cả trong và ngoài nước. Từ đó, mỗi thầy cô đều có thể rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích để hoàn thiện hơn công tác giảng dạy của mình. Những câu chuyện giáo dục được chia sẻ trên báo chí đôi khi cũng là những tình huống sư phạm mà các thầy cô có thể đã hoặc sẽ gặp trong thực tế và nhờ đó sẽ có sự chủ động, tích cực trong ứng xử với học trò, với phụ huynh để đạt được hiệu quả giáo dục như mong muốn.

Ngoài ra, những tấm gương, những câu chuyện tích cực trong xã hội trên báo chí cũng là nguồn tư liệu quý mà các thầy cô có thể dẫn chứng trong quá trình giảng dạy để minh hoạ, gắn việc học với những hiện thực đời sống. Điều đó sẽ tác động tốt đến nhận thức, tình cảm và tinh thần, gợi mở những suy nghĩ tích cực cho học trò theo cách dễ tiếp nhận và có tính thuyết phục cao hơn hẳn những thứ mô phạm, giáo điều có trong sách vở ở môn Đạo đức hoặc Giáo dục công dân. Đặc biệt, bằng việc thường xuyên cập nhật các thông tin về đời sống, phong cách sống (từ chuyện K-pop tới "truyện ngôn tình", ...) của giới trẻ mà báo chí phản ánh, các thầy cô có thể "bắt sóng" được tâm tư, tình cảm và "ngôn ngữ" của học trò mình để kịp thời có những điều chỉnh sao cho tốt nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, đây đó trên báo chí cũng có thể dễ dàng bắt gặp những "hạt sạn" tiêu cực cần phải hạn chế, khắc phục. Đó là việc một số tờ báo vì muốn lôi kéo độc giả bằng những chủ đề có tính chất câu khách, giật gân thường xuyên miêu tả và thổi phồng những tiêu cực trong giáo dục, làm méo mó mối quan hệ giữa thầy cô - học trò - phụ huynh, ...

Ở một số bài viết, bên cạnh việc cung cấp thông tin, người viết còn áp đặt những nhận định chủ quan, thậm chí quy chụp, từ một hiện tượng tiêu cực mang tính cá biệt lại cường điệu hoá thành một hiện tượng phổ biến trong xã hội. Ví dụ như một số trường hợp thầy cô kỷ luật mạnh tay với học sinh, ra đề thi hoặc chấm thi chưa chính xác, có phát ngôn chưa phù hợp, ....

Những điều này sẽ gây ra sự hoài nghi trong xã hội, rằng ngành giáo dục đầy rẫy những xấu xa, tiêu cực, .... tạo ra những ngăn cách về tình cảm giữa thầy - trò - phụ huynh và cản trở quá trình thực hiện các hoạt động, các chính sách giáo dục.

 Ngoài ra, việc đưa thông tin theo lối "một chiều", định hướng ý kiến của độc giả theo nhận định chủ quan của người viết hoặc "lái" nhận định theo nhu cầu, theo mong muốn số đông độc giả cũng có thể dẫn tới những sai lệch, sai lầm trong việc đưa ra chính sách giáo dục. Ví dụ như trước đây, vì sự phản đối từ dư luận và báo chí mà Bộ Giáo dục đã bỏ chính sách tuyển thẳng với học sinh đoạt giải HSGQG, ảnh hưởng tiêu cực tới công tác bồi dưỡng, đào tạo học sinh mũi nhọn trong nhiều năm liền khiến Bộ phải khôi phục lại chính sách này. Hoặc gần đây là các vấn đề liên quan tới bỏ chấm điểm, bỏ thi chuyển cấp, bỏ trường chuyên lớp chọn, cấm dạy thêm - học thêm , .... mà nếu không tỉnh táo có thể dẫn tới những quyết định sai.

Nhìn chung, phát triển giáo dục đào tạo là vấn đề luôn được ưu tiên trong mọi kế hoạch của Đảng và Nhà nước. Giáo dục cũng là lĩnh vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội và mỗi gia đình. Đất nước có trở nên giàu mạnh hay không phụ thuộc rất lớn vào kết quả đào tạo của ngành Giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Để công tác đào tạo có được kết quả, đạt được thành tựu cần sự chung tay góp sức, đồng hành của cả xã hội, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của những đóng góp tích cực từ báo chí.

Để công tác đào tạo có được kết quả, đạt được thành tựu cần sự chung tay góp sức, đồng hành của cả xã hội, bao gồm cả những đóng góp tích cực từ báo chí. Trong đó, bản thân mỗi nhà báo, khi phản ánh một vấn đề của giáo dục, trước hết cũng phải đặt mình vào vị trí của một nhà giáo dục, đồng thời cũng phải là một nhà báo với đầy đủ kiến thức kỹ năng, trách nhiệm xã hội và tuân thủ, tôn trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp.

Theo Infonet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây