Theo đó, Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam cần sớm có các biện pháp đưa những lao động có nguyện vọng trở về nước, hoàn tất các thủ tục giấy tờ cho những lao động có mong muốn tiếp tục ở lại Malaysia làm việc bên cạnh việc đảm bảo đầy đủ các quyền lợi của những lao động này.
Trước đó, vào đầu tháng 2, nhận được tin về việc công ty Asmana của Malaysia có thể trì hoãn không gia hạn thị thực làm việc cho số lao động của Việt Nam sau khi hết hạn thị thực làm việc một năm đầu tiên, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã yêu cầu phía công ty Asmana của Malaysia nghiêm túc thực hiện các điều khoản theo hợp đồng ký với công ty Thương mại Cổ phần Việt Hà Hà Tĩnh (VIHATICO).
Liên tục trong khoảng thời gian từ 26/2 đến 7/3, Ban quản lý lao động của Đại sứ quán Việt Nam đã nhiều lần làm việc với đại diện công ty Asmana yêu cầu phía công ty Asmana hợp tác và sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết cho các lao động Việt Nam về nước hoặc ở lại làm việc.
Từ tháng 2, người lao động vẫn được thanh toán tiền lương cơ bản trong khi chờ đợi giải quyết vụ việc.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 42 lao động nói trên nằm trong tổng số 69 lao động của công ty Thương mại Cổ phần Việt Hà Hà Tĩnh (VIHATICO) đưa sang làm việc tại Malaysia thông qua Công ty cung ứng lao động Asmana tại Pinang.
Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại để có các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết đối với số lao động trên./.
Theo VietNam+