Khám phá thành lũy cổ độc đáo

Thứ bảy - 03/06/2017 13:51
(Hatinhnews)- Sau khi khảo sát, nghiên cứu khảo cổ học di tích thành lũy đá cổ ở vùng rừng núi huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào tháng 4, các nhà nghiên cứu vừa đưa ra những kết luận ban đầu khẳng định đây là một lũy đá hiếm có trên cả nước.

Một đoạn thành nguyên vẹn vừa được các nhà khảo cổ phát hiện
 
Cuộc khảo sát, điều tra và thám sát cổ học do Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao & du lịch Hà Tĩnh thực hiện. Trước đó, ông Hồ Bách Khoa, quyền trưởng Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), cho biết vào năm 1993 khi ông đang làm cán bộ bảo tàng tỉnh, trong lúc đi sưu tầm tiền cổ ở xã Kỳ Lạc (Kỳ Anh) đã phát hiện ở phía tây dãy núi Hoành Sơn một thành lũy bằng đá bị cây cối che phủ. Lúc đó vì chưa có những số liệu chính xác nên thành lũy chưa được công bố.
 
Leo núi tìm thành lũy

Đề nghị công nhận di tích quốc gia

Ông Lê Bá Hạnh - phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh - cho biết thành lũy đá ở Kỳ Anh được xây dựng vào thời phân tranh Trịnh - Nguyễn (thế kỷ 17). Thành lũy do nhà Trịnh xây dựng nhằm làm phòng tuyến quân sự đề phòng nhà Nguyễn từ Đàng Trong đánh ra. Người có công trong việc xây dựng thành lũy là Ninh Quận công Trịnh Toàn, con út của chúa Trịnh Tráng, khi vào làm thống lĩnh trấn thủ đất Nghệ An (bao gồm Hà Tĩnh ngày nay), thế nên người dân còn gọi đây là lũy ông Ninh, ông Nang.

Ông Võ Hồng Hải khẳng định thành lũy Kỳ Anh là một di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học cao, cần được đầu tư nghiên cứu, bảo tồn. “Sau khi trình báo cáo về thành lũy lên các cấp, các ngành; chúng tôi đề nghị một cuộc khai quật khảo cổ học toàn diện để có kết luận sớm và lập hồ sơ khoa học trình Bộ VH-TT&DL công nhận di tích cấp quốc gia, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích” - ông Hải nói.

Trầm Hương là một trong những ngọn núi cao nhất của dãy Hoành Sơn, được cho là có hệ thống thành lũy đá cổ. Khi đứng dưới ngọn núi hiểm trở này, chúng tôi rất nản lòng không muốn leo núi khám phá nữa, nhưng được một số người dân cho biết mấy năm gần đây “lâm tặc” vào rừng khai thác gỗ đã mở đường gần đến thành lũy...
 
Khi leo đến điểm đầu của thành lũy, chúng tôi chỉ thấy cây cối bao phủ, không thể nhận ra đâu là dấu tích của một công trình kiến trúc cổ, nhưng khi dùng rựa (dao) phát quang lối vào thì tiếp cận được. Thành lũy ở đây được xây dựng khá công phu với hàng triệu viên đá phiến ghép chồng lên nhau và kéo dài đến tận đỉnh núi.

Đứng trên thành nhìn xuống thấy đây là một thành lũy nằm cheo leo bên vách núi dựng đứng. Cứ men theo thành lũy được 4-5m lại thấy một hộc đong (chứa) quân được đào sâu dưới chân thành, một lỗ vuông thông qua thành có công dụng quan sát để đánh trả kẻ địch công phá. Chiều cao thành có đoạn chúng tôi đo được hơn 6m, phía trên mặt thành rộng 3m, chân thành rộng 5m...

Càng leo ngược lên đỉnh núi, chúng tôi càng thấy rất nhiều đoạn thành nằm ẩn nấp trong cây leo, bụi rậm nên rất khó phát hiện. Ông Lê Cương, 67 tuổi, người bản địa đang đi lấy cây nứa, cho biết thành lũy này được người dân gọi là lũy Ông Ninh, Ông Nang. Chỉ những người đi rừng như ông thường hay lui tới thành.

Những phát hiện lý thú

Ông Võ Hồng Hải - giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh - sau đợt khảo sát cho biết thành lũy đá cổ ở Kỳ Anh có chiều dài khoảng 1km, được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên, không sử dụng một chất kết dính nào.

Tuy trước đây người dân địa phương đã khai thác đá của thành lũy để làm đập Kim Sơn nhưng thành vẫn còn hơn 500m khá nguyên vẹn. “Về mặt kỹ thuật, các nhà nghiên cứu khẳng định chưa hề tìm thấy hệ thống thành lũy nào ở nước ta độc đáo như lũy ở Kỳ Anh. Các thành lũy đã được phát hiện được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của người dân, còn thành lũy Kỳ Anh là một công trình kiên cố có sự tham gia của kiến trúc sư chỉ huy và đội lính thợ có kỹ thuật” - ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết trong đợt khảo sát vừa qua, các nhà nghiên cứu có mở một hố thám sát với bán kính 1,2m, độ sâu 1m. Hiện chưa tìm thấy những hiện vật, đồ dùng sinh hoạt nào nhưng đã có những phát hiện lý thú như công trình thành lũy không có móng nhân tạo, kỹ thuật xây dựng thành dựa vào nền đất tự nhiên. Di tích thành lũy quay về hướng nam. Cứ cách 3m dưới chân lũy có một lỗ hình vuông. Ban đầu các nhà nghiên cứu ngỡ đây là lỗ thoát nước, nhưng khi nghiên cứu kỹ đã xác định là lỗ châu mai có chức năng quan sát, đặt súng thần công để bắn địch. Lỗ vuông được xây dựng với một kỹ thuật kiến trúc hoàn hảo khi dùng những vỉa đá bằng phẳng có tính chịu lực lớn. Điểm cuối cùng đợt thám sát, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một bãi đất trống, rộng và cho đây là bãi thường hay đóng quân, hội họp...

Theo Tuổi Trẻ TPHCM

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây