Ảnh minh họa.
Các chuyên gia đánh giá công tác quy hoạch đã giúp việc thăm dò được triển khai đi trước một bước, đảm bảo có số liệu tin cậy về từng loại khoáng sản làm cơ sở để đầu tư các dự án khai thác, chế biến, hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư; đồng thời góp phần làm giảm đáng kể tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, hạn chế việc chồng lấn với các quy hoạch thuộc lĩnh vực khác, tạo hành lang pháp lý đưa hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân tuân thủ theo quy định pháp luật.
Đặc biệt, sau 07 năm triển khai thực hiện các Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đã lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, được ban hành kèm theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/08/2014 (thay thế Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008) và đang chỉ đạo việc lập các quy hoạch mới hợp nhất và thay thế các Quy hoạch về khoáng sản làm vật liệu xây dựng, bao gồm: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2025; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2025.
Theo đánh giá, việc khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm xi măng nhìn chung được thực hiện khá tốt. Các chủ đầu tư đã chú trọng việc đầu tư thiết bị công nghệ khai thác hiện đại và chấp hành các quy định, quy phạm về khai thác mỏ. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong Tổng Cty Công nghiệp xi măng Việt Nam và các đơn vị xi măng liên doanh với nước ngoài thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn trong khai thác, đánh giá tác động môi trường và phục hồi môi trường. Quá trình khai thác mỏ được thực hiện theo quy mô công nghiệp và có kế hoạch dài hạn, sử dụng phương pháp cắt tầng lớn, cơ giới hoá cao, đảm bảo an toàn lao động với sản lượng lớn, đủ để cung ứng cho các nhà máy xi măng hoạt động ổn định, liên tục.
Cát trắng silic được khai thác và chế biến chủ yếu ở các địa phương có tiềm năng trữ lượng lớn về khoáng sản cát trắng silic như Vân Đồn - Quảng Ninh, Kỳ Anh - Hà Tĩnh, Quảng Trạch - Quảng Bình, Hải Lăng - Quảng Trị, Phong Điền - Thừa Thiên Huế, Hòa Vang - Đà Nẵng, Thăng Bình - Quảng Nam, Cam Ranh - Khánh Hòa, Hàm Thuận - Bình Thuận. Tài nguyên cát trắng trên toàn quốc dự báo khoảng 1,4 tỷ tấn. Tuy nhiên, do các mỏ cát trắng hầu hết đều tập trung ở các tỉnh duyên hải ven biển miền Trung và Nam Trung bộ nên việc quy hoạch đưa vào thăm dò, khai thác gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển du lịch và đô thị hóa tại các địa phương.
Đến hết năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 15 giấy phép khai thác khoáng sản cát trắng silic với tổng trữ lượng được phê duyệt là 137 triệu tấn và công suất khai thác là 3.580.000 tấn/năm. Sản lượng khai thác và chế biến thực tế hàng năm khoảng 1,2 triệu tấn.
Các cơ sở chế biến cát trắng silic hầu hết được bố trí tập trung tại các địa phương có tiềm năng về loại khoáng sản này. Thời gian gần đây, đã có một số đơn vị đầu tư dây chuyền chế biến sâu cát trắng silic (sàng, tuyển, rửa, nghiền, khử từ, sấy, phân ly cỡ hạt, đóng bao) để sản xuất các sản phẩm bột cát thạch anh mịn và siêu mịn phục vụ trong nước và xuất khẩu làm nguyên liệu chế tạo khuôn đúc, sản xuất men gốm, sứ, gạch chịu lửa, bột mài và làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như kính siêu trắng làm tấm pin mặt trời, màn hình tinh thể lỏng, bông sợi thủy tinh…
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sản lượng khai thác và chế biến đối với khoáng sản cát trắng silic hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất trong nước và một phần xuất khẩu. Các cơ sở chế biến sàng tuyển cát về cơ bản đã được đầu tư dây chuyền thiết bị đồng bộ, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến môi trường và đáp ứng được yêu cầu chế biến cát trắng nguyên liệu phục vụ cho một số ngành công nghiệp sản xuất thủy tinh và kính xây dựng.
Theo đánh giá, việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đều phải căn cứ Quy hoạch khoáng sản và gắn với dự án chế biến, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Các dự án trước khi triển khai đều được thẩm định công nghệ chế biến sâu để làm cơ sở cho việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó yêu cầu quy mô 01 cơ sở không dưới 20.000 m2/năm, được đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại và đảm bảo các yêu cầu về môi trường.