"Mục sở thị" đền Trầm Lâm
Đền Trầm Lâm vẫn được người dân khắp nơi gọi bởi tên dân gian là miếu Trăm Năm. Đến nằm ở ngay trong xóm Phú Thành, thuộc xã Phú Gia. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ngày xưa, đây là ngôi đền rất to lớn và linh thiêng. Sau rồi chiến tranh phá hoại đã khiến đền bị hư hại khá nhiều. Rất may là đến bây giờ, di tích vẫn còn giữ lại được ngôi đền, giếng nước và cổng Tam Quan.
Bước vào đền, có thể thấy ngay cổng Tam Quan với 1 hệ thống tường dài nối với nhau qua nhà quan tả, hữu với 2 cột nanh. Toàn bộ được xây bằng gạch, đá, vôi, vữa. Phía trên cột nanh có 2 con Nghê đang đứng chầu. Ba mặt cột có trang trí họa tiết rồng phượng và các câu đối. Nhưng do vì thời gian và chiến tranh, một số câu đối đã bị mờ, không nhìn rõ được nữa.
Di tích đền Trầm Lân được xây dựng theo hướng Nam, với kiểu nhà gỗ. Trước đây đền được lợp bằng lá cọ. Sau này khi tôn tạo lại, người ta đã thay bằng mái ngói.
Điều đặc biệt nhất ở ngôi đền này là 1 giếng nước hình bán nguyệt. Tương truyền rằng nước ở trong hồ một năm có 4 mùa thì nước giếng có 4 sắc. Mùa xuân nước xanh, mùa hạ nước hồng, mùa thu nước trắng và mùa đông nước đen. Là một câu chuyện khó kiểm chứng, nhưng khi chúng tôi đến thăm đền Trầm Lâm vào những ngày trời sang xuân ấm áp, nước xanh ngắt 1 màu như màu ngọc hết sức kì lạ.
Trong đền hiện giờ vẫn còn lưu giữ đôi liễn khắc do Thái tử Thiếu bảo Nguyễn Chính, nguyên là Tổng đốc Nghệ An cúng: “Công phù đại địa trung hưng thánh/ Danh trấn nam thiên thượng đẳng thần” và bức hoành do 1 vị Trực cơ khâm sai đại thần cung tiến đề 3 chữ lớn “Nghiễn Thiên Muội”
Đền Trầm Lâm thờ “Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm kiêm lục quốc thanh y anh linh diệu ngọc linh ứng thiên thần”, là vị thần từng được các triều Lê - Nguyễn phong là “Thượng thượng đẳng tối linh thần”. Ngoài ra còn có 2 vị thần được thờ vọng là “Mã Hồng Công chúa” và “Thập nhị Thiên Tiên Nương”
Câu chuyện truyền thuyết
Để tìm hiểu thêm về ngôi đền Trầm Lâm, chúng tôi được người dân chỉ đến nhà ông Trần Kim Tăng, 82 tuổi, là người có nhiều hiểu biết nhất về ngôi đền và những câu chuyện kỳ bí xung quanh. Ông Trần Kim Tăng 82 tuổi, tóc đã bạc trắng nhưng còn rất minh mẫn. Trong câu chuyện truyền thuyết về đền Trầm Lâm dần hiện ra.
Theo đó, vào thế kỷ thứ 14, khi triều đình phong kiến đời Trần đổ nát, triều Hồ lên thay. Lúc bấy giờ, triều Minh đã mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” nhằm lâm le xâm chiếm nước ta. Cuộc chiến kéo dài suốt 1 thời gian rất lâu. Quân giặc dần dần đánh chiếm kinh thành Thăng Long và Tây Đô Thanh Hóa.
Không chỉ dừng lại ở đó, giặc Minh ngày càng đánh sâu vào miền Nam, quấy nhiễu, hà hiếp nhân dân. Khắp nơi cảnh xương tan, máu chảy, nhân dân lầm than, bi thảm, tiếng than thấu tận trời xanh.
Để cứu dân, thiên đình đã sai tiên nữ xuống trần để ra tay độ thế, giúp dân thoát khỏi nạn giặc giã. Bà đã ra tay giúp mọi người thoát khỏi sự bạo tàn của quân giặc. Nhân dân gọi bà là Đức Thánh Mẫu.
Giếng ngọc trước cửa đền
Cũng trong thời gian đó, một người dân trong vùng Ấu Sơn trong một đêm đã bị lạc vào trong rừng. Khắp nơi chỉ có bạt ngàn cây cối và muông thú. Mệt lả vì đói, khát thì bất chợt phía xa xa, người đó nhìn thấy một giếng nước. Trên giếng nước xuất hiện một cô gái với bộ trang phục màu xanh đang chèo thuyền. Khi người đi lạc đường lại gần thì cô gái biến mất. Khi tìm được đường trở về nhà, người đó đã đem câu chuyện đó kể với mọi người. Người dân trong vùng đã lập nên 1 cái am nhỏ bên cạnh giếng nước thờ Đức Thánh Mẫu và gọi là đền Trầm Lâm.
Sở dĩ người ta gọi là đền Trầm Lâm (Rừng chìm), theo một số nhà nghiên cứu cho rằng ở thế kỷ thứ 4, đất Hương Khê chỉ là 1 hồ rộng, dưới đáy là 1 lớp than gầy. Sau đó đáy hồ nâng dần lên, nước hồ theo 1 vệt nứt đổ ra biển. Đất dâng lên đã vùi lấp những khu rừng….
Bên trong đền Trầm Lâm
Câu chuyện Đức Thánh Mẫu báo mộng
Ông Tăng kể, vào rạng sáng ngày 20/9/1885, khi vua Hàm Nghi đến và nghỉ tại ngôi đền Trầm Lâm, vua đã viết Hịch Cần Vương và giao cho Tôn Thất Thuyết làm lễ bài yết tại 2 địa điểm là đền Trầm Lâm và đền Công Đồng (1 ngôi đền gần đó).
Tối hôm đó, trời không trăng sao. Nhà vua vừa chợp mắt, trong giấc mơ, một vị tiên nữ trong bộ trang phục màu xanh hiện ra, báo mộng rằng: “Bọn bạch quỷ (Thực dân Pháp) đang đưa quân vây ráp, nhà vua cần phải định liệu”. Vua Hàm Nghi tỉnh dậy, lập tức truyền thiết triều, giao cho cận thần Tôn Thất Thuyết và triều thần vào làm lễ tạ ở đền Trầm Lâm.
Ngày 25 tháng 9 năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi sắc phong cho các vị thần được thế ở đền Trầm Lâm và đền Công đồng kèm theo là các vật phẩm quý đã có công trong việc giúp vua chống giặc ngoại xâm.
Các vật phẩm đó gồm 2 con voi bằng vàng, 2 thanh bảo kiếm, 1 đạo sắc và 1 số quần áo. Đến bây giờ, sau hơn 200 năm, những vật phẩm quý báu đó vẫn được người dân ở đây lưu giữ cẩn thận.
Đặc biệt vào những năm 1968, xã Phú Gia trở thành cứ điểm cách mạnh quan trọng, luôn là mục tiêu ném bom đánh phá của giặc Mỹ. Một phần đền Trầm Lâm cũng vì thế mà bị phá hoại 1 phần. Trước tình hình đó, Đảng bộ và nhân dân xã Phú Gia đã kịp thời chuyển số vật phẩm quý giá của vua Hàm Nghi về cất giữ cẩn thận. Đến nay, số vật phẩm đó được 1 người có uy tín trong xã trông coi cẩn thận.
Những năm 1930 - 1931, đền Trầm Lâm là cơ sơ của chi bộ Đảng Phú Gia. Những người cao tuổi ở xã Phú Gia vẫn còn nhớ về “hội thề” của những nhà hoạt động cách mạng ở miếu. Đó là một đêm tối trời, đồng chí Mai Văn Phì, bí thư đảng bộ, đồng chí Phan Quang Nậm, phó bí thư đảng bộ xã Phú Gia cùng rất nhiều chiến sỹ đã cùng nhau chích máu uống rượu thề cùng nhau sát cánh giết giặc, cứu nước.
Từ năm 1965 đến 1972, trong giai đoạn cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ đang hết sức khốc liệt thì đền Trầm Lâm trở thành điểm dự trữ quân lương của bộ đội phục vụ chiến trường miền Nam.
Trong 1 số tài liệu mà Phòng văn hóa xã Phú Gia cung cấp, chúng tôi được biết đền Trầm Lâm là một ngôi đền thiêng, được ghi lại trong nhiều cuốn lịch sử quan trọng. Trong sách “Đại Nam nhất thống chí” quyển 13 , “Dư địa chí hà Tĩnh” đều dành 1 phần để noi về ngôi đền này. Sách “Lễ Chí” của nhà Minh cũng có phần ghi chép: “Đền Trăm Năm ( Trầm Lâm) này cũng là một trong 6 ngọn nước có tiếng ở An Nam. Năm Hồng Vũ thứ 3 (1370), vua Thái Tổ nhà Minh đã sai sứ sang tế ở đền này”.
Những câu chuyện lưu truyền
Qua cuộc hành trình tìm hiểu về đền Trầm Lâm, chúng tôi có nghe nhiều người dân ở đây kể về những câu chuyện kì bí liên quan đến ngôi đền này.
Đầu tiên và về giếng nước ở ngôi đền. Người dân ở đây quả quyết rằng giếng này không có đáy. Bằng chứng là trong kháng chiến chống Pháp, có một tên lính Pháp đã đưa một đoạn dây rất dài, buộc vào 1 hòn đá và đi thuyền ra giữa lòng giếng. Tên lính Pháp thả dây xuống, thả hết không biết bao nhiêu mét dây mà vẫn thấy dây còn căng, chưa thấy dấu hiệu chùng lại. Hắn kết luận giếng này không có đáy.
Cách đây 3 năm, nhiều người thuộc chính quyền xã, huyện đã mua dây dự kiến tiến hành đo đạc độ sâu của giếng nước ở đền Trầm Lâm. Nhưng chưa tiến hành đo đạc được thì một nhà ngoại cảm tới và bảo rằng việc đo đạc không thể tiến hành được vì xung quanh giếng có rất nhiều âm binh bảo vệ. Nhiều nhà ngoại cảm sau khi đến thăm đền cũng xác định.
Một cụ cao tuổi ở Phú Gia cũng kể về 1 câu chuyện. Ngày xưa, những gia đình nào có lễ lạt, cúng đơm mà gia đình nghèo, không có tiền sắm bát đũa, mâm, bàn… thì ra giếng khấn. Mấy phút sau, một chiếc thuyền chứa đầy bát đĩa, mâm, bàn…sẽ từ từ nổi lên. Gia đình đó sau khi dùng xong phải lau chùi cẩn thận và mang ra trả. Thế nhưng có 1 gia đình vì lòng tham, sau khi mượn đã đem đánh tráo một vài món đồ rồi mang trả. Đó cũng là lần cuối cùng người dân ở đây có thể mượn đồ ở giếng.
Trong câu chuyện mỗi lúc một sôi nổi, một cụ kể về câu chuyện mà cụ đã từng chứng kiến. Cách đây mấy chục năm, có một người giáo viên đã đem học sinh ra giếng nước để đo đạc. Đo không được, người đó đã buông nhiều lời báng bổ thần thánh ở trong miếu. Thế là về nhà được ít ngày, người giáo viên bỗng nhiên bị bệnh tâm thần.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng đã xác nhận về chuyện một người trong xã lấy vợ 10 năm rồi mà vẫn không có con. Chữa chạy, khấn vái khắp nơi vẫn không hiệu quả. Thế mà sau khi vào đền Trầm Lâm cầu tự, ít lâu sau người đó đã có được tin vui.
Còn nhiều điều thú vị nữa về ngôi đền thiêng mà người dân ở đây vẫn lưu truyền lại. Cũng chính vì thế, từ lâu, đền Trầm Lâm đã trở thành địa điểm tín ngưỡng của người dân huyện Hương Khê và nhiều nơi trong cả nước.
Năm 2001, đền Trầm Lâm thuộc quần thể di tích Thành Sơn Phòng - Đền Công Đồng - Đền Trầm Lâm được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn Hóa cấp quốc gia.