Họp họ, gặp mặt đồng hương giải cứu thịt lợn ở quê

Thứ tư - 07/06/2017 14:23
Phong trào giải cứu thịt lợn đã thực sự lan rộng, nhà nhà người người ưu tiên mua thịt lợn về ăn. Thậm chí, nhiều người sinh sống ở thành phố còn tổ chức họp họ, họp hội đồng hương để lên phương án mua lợn, giúp người chăn nuôi ở quê vượt qua giai đoạn khó khăn khi giá thịt giảm kỷ lục.
Cả họ vào cuộc giải cứu thịt lợn

Kỳ nghỉ lễ vừa rồi, thay vì đi du lịch cùng gia đình, bạn bè, anh Quang Trung ở Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội) lại cùng gần 30 gia đình ngồi với nhau họp bàn chuyện giải cứu đàn lợn của họ hàng ở quê.

Anh Trung chia sẻ, trước kỳ nghỉ lễ, bố mẹ anh ở quê (Hà Nam) điện thoại lên kể chuyện nhà bác họ có đàn lợn 50 con đến lứa xuất chuồng nhưng không bán được, thương lái trả giá quá rẻ, nếu bán đi thì lỗ gần một nửa. Sau đó, ông bà hỏi vợ chồng anh có ăn thịt lợn không để mua một con về mổ rồi gửi lên Hà Nội. Ở quê, mọi người đang ủng hộ người chăn bằng cách mua lợn.

“Lúc đó tôi nghĩ, ở Hà Nội mình vẫn phải mua thịt giá 80.000-100.000 đồng/kg tùy loại, vậy tại sao không mua lợn trực tiếp ở quê để có giá rẻ hơn và cũng là để giúp cho người nhà mình?”, anh nói.

Thấy ý tưởng trên khả thi, anh tập hợp tất cả các gia đình anh em họ hàng sinh sống ở Hà Nội rồi bàn bạc sơ qua về chuyện giải cứu lợn.

Nhiều người chung tay, góp sức "giải cứu" thịt lợn, giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn

Kỳ nghỉ lễ vừa rồi, gần 30 gia đình ngồi lại bàn với nhau lần nữa xem nhu cầu của mỗi nhà như thế nào, từ đó có kế hoạch mua lợn, giết mổ và vận chuyển ra Hà Nội. Kết quả, các gia đình chốt mua 10 con. Giá lợn hơi mua tại chuồng là 28.000 đồng/kg (cao hơn lái lợn 4.000 đồng/kg), khâu giết mổ sẽ nhờ người nuôi làm luôn.

Có 3 gia đình đồng ý mua cả con lợn về chia cho một vài người cùng xóm, còn lại cứ 3-4 gia đình chung nhau một con. Hôm thứ hai vừa rồi, 5 con lợn móc hàm (lợn đã giết thịt) đầu tiên đã được chuyển ra Hà Nội để các gia đình chia nhau, thứ năm chuyển tiếp 5 con là đủ số lượng mọi người đăng ký.

Theo anh Trung, thực ra với 10 con lợn (khoảng 1,2 tấn lợn hơi) mà các anh mua giúp không thấm tháp vào đâu. Thế nhưng, trong giai đoạn khó khăn, giải cứu được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Nhờ sự chung sức của nhiều người, bà con chăn nuôi sẽ bớt phần khó khăn.

Cùng chung cách làm, chị Nguyễn Thị Hương ở Tam Chinh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chia sẻ, thấy giá thịt lợn giảm mạnh, các hộ có nguy cơ mất sạch vốn khi lợn quá lứa vẫn không có thương lái hỏi mua nên tuần trước, hội đồng hương của chị đã họp bàn giải cứu.

Hội đồng hương có tới gần 60 gia đình tham gia, người mua ít cũng 1/4 con lợn, người mua nhiều cả nửa con. Lợn mua với giá cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg.

“Bà con bán lợn giá 25.000 đồng/kg lợn hơi cho thương lái thì hội mua 30.000 đồng”. Theo chị Hương, với mức giá này, bà con chăn nuôi lỗ ít hơn, còn gia đình các chị được ăn thịt lợn giá rẻ hơn mua ngoài chợ, lại yên tâm vì biết rõ nguồn gốc.

“Kết thúc một tuần giải cứu, hội tiêu thụ được gần 30 con lợn. Nhiều thành viên còn vận động bạn bè của mình mua chung lợn ủng hộ bà con”, chị Hương khoe.

Để ủng hộ bà con chăn nuôi nhiều hơn, các chị em còn nghĩ ra đủ cách để chế biến thịt lợn thành các món khác nhau

Tìm đủ cách trữ thịt lợn

Không chỉ có sự vào cuộc của các bộ ngành, doanh nghiệp mà phong trào giải cứu thịt lợn đang lan rộng. Nhà nhà người người ưu tiên mua thịt lợn về ăn.

Chị Nguyễn Thị Lành ở khu chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, tối qua, chị vừa nhận 16 kg thịt lợn gồm thịt tai, ba chỉ, chân giò, sườn, mông, nạc thăn từ quê gửi lên để tích trữ trong tủ lạnh ăn dần.

Thực ra, ngày trước bố mẹ chị vẫn gửi thịt ở quê ra, nhưng mỗi lần cũng chỉ 2-3 kg. Riêng lần này, số lượng thịt lên đến gần 20 cân.

“Bà con chăn nuôi đang gặp khó khăn nên mình mua giúp, ưu tiên ăn thịt lợn. Thế nhưng, thịt cho vào cấp đông cũng chỉ để được tầm 8kg do tủ lạnh nhỏ. Số còn lại, tôi phải chế biến thành đủ các món khác nhau như: nạc thăn làm ruốc, giò, rồi làm xúc xích,... ”. Chị Lành cho biết, mỗi món làm một ít ăn thay đổi cho đỡ ngán chứ bữa nào cũng luộc, rán, xào thì không thể ăn được lâu.

Trong khi đó, chị Hoàng Hà Giang, nhân viên một ngân hàng trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết, trên cơ quan, các chị em kể rằng tủ lạnh nhà nào cũng chất đầy thịt lợn.

Hội chị em ăn thịt lợn giải cứu còn cấp tốc làm ra thực đơn “1001 món ăn làm từ thịt lợn” để tham khảo các cách chế biến, trong đó ghi cụ thể cách làm từng món. Nếu cứ rang, luộc, rán hay xào thì chỉ ăn 2 ngày là chán nên các mẹ chế biến thành thịt quay, nấu đông, làm chả lá lốt, làm nem,... sẽ ăn được lâu hơn. Riêng bữa sáng có thể chế biến bún mọc, bún sườn, chị Giang chia sẻ.

Theo Châu Giang Vietnamnet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây