Tại bờ biển Diễn Hải, huyện Diễn Châu, chúng tôi gặp một nhóm thợ lặn hơn chục người vừa từ lòng đại dương săn hải sâm trở về. Người nào cũng khoác đồ lặn và mang “chiến lợi phẩm” trên lưng trông cứ như một tiểu đội người nhái trong phim hành động. Được biết, nhóm “người nhái” có 15 người đều là ngư dân xã Diễn Hùng. Đây là những tay đi săn rum chuyên nghiệp khắp các vùng biển từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quãng Ngãi...
"Tiểu đội" thợ lặn Diễn Hùng chuẩn bị xuất kích săn hải sâm
Hùng, một thợ lặn cho biết trước đây, ngư dân vùng Diễn Châu bắt rum chỉ nhập cho các lái buôn để họ sơ chế bán cho các tiệm thuốc đông y với giá rất rẻ từ 20 – 30 ngàn đồng/kg. Khoảng 7 năm trở lại đây với tin đồn rum là "thần dược" ăn vào cường dương, bổ âm nên giá tăng vọt theo cấp số nhân. Hiện nay, rum trắng, rum đen, ngận vàng, rum dừa... giá từ 300-700 ngàn đồng/kg, rum vú trắng 3 triệu đồng/kg.
“Bọn tui đều là dân đi biển đánh cá nhưng thấy nghề săn rum dễ kiếm tiền nên bỏ đi lặn bắt rum bán. Nghề này chỉ bỏ công sức chứ không cần vốn nhiều. Chỉ cần một cái dầm sắt nhọn dài khoảng 50 cm và một bộ đồ lặn là có thể hành nghề. Có những lần gặp vỉa, bọn tui kiếm được cả chục triệu chỉ trong một ngày lặn biển. Nhờ đó mà xây được nhà mái Thái khang trang và nuôi 4 đứa con ăn học”, Hùng tâm sự.
Chúng tôi hỏi Hùng ở xã anh người đi lặn rum nhiều không? Hùng bảo nhiều lắm, có hơn 300 người đi lặn rum chuyên nghiệp. Còn nếu tính người lặn rum thời vụ thì đếm không xuể.
Thợ lặn rum tại Diễn Hải.
Theo Hùng trước đây ở vùng biển Diễn Châu cứ ra khoảng 1,5 m nước biển là có rum nhưng nay đã hiếm dần bởi mỗi ngày có cả ngàn người từ khắp các nơi đổ về săn bắt rum. “Cả ngày hôm nay mỗi người chỉ lặn bắt được hơn 1kg thôi. Cứ bắt ồ ạt thì một thời gian ngắn nữa vùng biển này sẽ không còn rum”, anh Hùng nói.
Hiện không chỉ nhiều người bỏ nghề biển săn rum mà các nhà hàng đặc sản, các lái buôn cũng đổ đi thu mua rum. Nhiều thực khách bỏ ra 200- 500 ngàn đồng ăn đĩa rum. Rum có thể chế biến được rất nhiều món như: hấp ngải cứu, thuốc bắc, nấu cháo, xào sả ớt. Nhưng khoái khẩu nhất vẫn là rum om hoặc xào củ, quả chuối hột với lá lốt.
Anh Nam là chủ một nhà hàng đặc sản ở Diễn Hải cho biết: "Khách đến quán thường gọi món rum, đắt mấy họ cũng mua. Trung bình mỗi ngày tôi tiêu thụ khoảng 100kg. Nhưng có vẻ mặt hàng này đang khan hiếm dần vì có các lái buôn mua với giá cao để đưa đi Trung Quốc. Vậy nên, muốn ăn rum không phải lúc nào cũng có, mà phải đặt hàng trước".
Theo những thợ lặn chuyên nghiệp thì khoảng đầu tháng 2 đến tháng 6 là khoảng thời gian thích hợp để lặn rum. Rum biển có nhiều loại và chúng sinh trưởng ở những độ sâu khác nhau: rum trắng , rum đen, ngận vàng, rum dừa song ở mực nước từ 1,5 m cho tới 30 m. Trong đó loại rum vú trắng ở độ sâu từ 50-70 m. Loại rum ở càng sâu thì càng quý hiếm, và giá cả càng đắt.
Các thợ lặn trở về với thành quả sau 1 ngày lặn biển
Phạm Hà- một thợ lặn rum ở Diễn Kim kể rằng, trước đây nhóm của các anh đi thuyền ra gần quần đảo Trường Sa để lặn bắt rum vú nàng quý hiếm. Phương tiện lặn cũng cực kỳ đơn giản, chỉ cần cái kính, ngậm ống hơi, quần đùi, áo thun, thậm chí có người để mình trần là có thể lặn sâu từ 50 - 70 m bắt rum.
Theo Hà thì nghề lặn rum cho thu nhập cao, nhưng vô cùng nguy hiểm. Thời gian mỗi lần lặn chừng 1 giờ nhưng chỉ ở tối đa dưới đáy biển khoảng 30 phút. Vì thế, những người trên tàu phải canh giờ thật kỹ, sau 20 phút giật dây hơi một lần, đến 30 phút dù thợ lặn có trúng “ổ” rum cũng phải bắt buộc kéo lên nếu không áp suất nước sẽ làm cho thợ lặn bị tai biến, nhẹ thì liệt còn nặng thì coi như... bỏ mạng.
Hà tâm sự: “Chính tôi cũng đã 2 lần suýt bỏ mạng dưới đáy đại dương vì lặn ở độ sâu 60m. Tôi đã từng chứng kiến cái chết thương tâm của bạn lặn rum cách đây 3 năm do hệ thống hơi bị trục trặc. Lặn rum ở độ sâu như vậy luôn đối mặt với tử thần nên hai anh em tôi quyết định không mạo hiểm nữa mà trở về lặn rum gần bờ.
Nhà hàng chế biến rum
Bắt rum gần bờ có cái khó đó là mình phải phán đoán được vùng có nhiều rum. Rum thường nằm trong cát chỉ lòi cái đầu nhiều xúc tu nở như hoa, mình phải lặn sâu xuống đáy rồi dùng tay, chân để định vị.
Khi phát hiện ra thì tay phải cầm đầu, tay trái dùng dầm sắt bẩy lên để bắt. Người bắt phải hết sức khéo léo và nhanh nhẹn. Người có kinh nghiệm mới bắt được chứ không chỉ chạm được vào “rum” một cái là mất dấu ngay. Vả lại thân rum trơn như thân lươn nên rất khó bắt. Lặn gần bờ thu nhập có ít hơn nhưng an toàn. Mỗi ngày tui bắt được khoảng 2kg là có gần triệu bạc".
+ Đến nhiều nhà hàng đặc sản ở vùng biển Diễn Châu, thấy nhiều người, đủ mọi tầng lớp, ngành nghề khác nhau tìm đến món ăn này. Anh Nguyễn Hải, một thực khách chia sẻ: "Tôi nghe nói ăn rum rất bổ dưỡng và tốt cho “chuyện ấy" nên xuống đây ăn. Chưa biết nó tốt như thế nào nhưng ăn cảm giác ngon, nên hôm nay tôi đưa cả bà xã đi cùng thưởng thức…".
+ Theo ông Phạm Văn Ngọc- một ngư dân xã Diễn Kim thì với đà tận bắt, tận diệt như hiện nay, lại ô nhiễm môi trường biển, nên sớm muộn loài hải sâm quý này sẽ bị tuyệt chủng. “Có lẽ các nhà khoa học nên nghiên cứu nhân giống loài hải sâm này để nuôi thương phẩm như nuôi tôm, ngao, ghẹ, cá vược... Được vậy, nó sẽ là con xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho bà con chúng tôi”, ông Ngọc nói.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn