Báo cáo của Cục Hải quan Hà Tĩnh tại văn bản số 54, ngày 13.1.2015, nêu rõ: Thời gian qua, Cty FHS đã tiến hành nhập khẩu rất nhiều hàng hóa là máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, phục vụ các hạng mục của dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương. Tuy nhiên, có một số tờ khai Cty đã khai báo giá trị hàng hóa lớn hơn rất nhiều so với giá trị đã được đăng ký trong danh mục miễn thuế.
Cụ thể, tại tờ khai ngày 7.10.2014, Cty FHS nhập khẩu bộ phận của “vỏ của thiết bị lọc bụi trọng lực, lắp đặt dạng tháo rời” với giá trị 1.633.656,01 USD. Trong khi giá trị của thiết bị này Cty khai báo khi đăng ký danh mục miễn thuế là 1.479.131,34USD.
Nhìn nhận về việc FHS khai nâng giá trị đầu vào của hàng hóa nhập khẩu, trước đó trả lời PV Báo Lao Động (bài Truy thu 225 tỉ đồng tiền thuế của Formosa), một cán bộ Phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan Hà Tĩnh - cho rằng, điều đó khiến nghi vấn đầu tiên xảy ra là FHS hướng đến mục đích giảm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng có thể nghi vấn việc nâng giá tài sản cố định lên cao để thuận lợi khi vay ngân hàng với số tiền lớn.
Liên quan đến thông tin Formosa Hà Tĩnh yêu cầu bồi thường số tiền “khủng” sau sự cố người dân quá khích đập phá máy móc, lấy trộm tài sản, thiết bị...ngày 14.5.2014 (vì phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981), chiều 12.8, PV Báo Lao Động đã làm việc với đại diện Cục Hải quan Hà Tĩnh để rõ hơn về việc liệu FHS yêu cầu bồi thường số tiền “khủng” nói trên có căn cứ từ việc trước đó họ tự khai nâng giá máy móc, thiết bị nhập về.
Vấn đề này, ông Lê Văn Hạnh - Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan Hà Tĩnh - cho rằng, Cục Hải quan Hà Tĩnh chỉ quản lý việc khai báo giá trị hàng hóa nhập khẩu thấp hơn giá trị thực tế xuất kho để tránh gian lận thuế. Hải quan chỉ quản lý một số mặt hàng nhập khẩu theo quy định về quản lý dữ liệu rủi ro của hải quan khi khai báo cao hơn giá trị thực tế. Cụ thể, khi hàng hóa nhập về, hải quan đối chiếu qua bảng hệ thống giá quốc tế và thị trường để kiểm soát việc khai báo tránh để khai thấp hơn dẫn đến gian lận thuế, chứ việc khai báo cao hơn giá trị thực tế thì chỉ đối chiếu, kiểm soát với những mặt hàng theo quy định cần kiểm soát. Cũng theo ông Hạnh, tất cả máy móc, thiết bị mà FHS nhập về Hà Tĩnh cho đến thời điểm này không nằm trong danh mục đối tượng hàng hóa quản lý rủi ro của ngành hải quan nên không kiểm tra, đối chiếu.
PV đặt câu hỏi, nếu hải quan không kiểm soát việc FHS khai báo nâng giá trị máy móc nhập khẩu cao hơn thực tế, vậy đơn vị nào giám sát việc này, ông Đinh Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh - cho rằng khi đơn vị nhập khẩu khai báo tại hải quan, nếu phát hiện có dấu hiệu thì hải quan có quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ để đối chiếu. Việc FHS khai nâng giá trị máy móc, thiết bị nhập khẩu để nhằm mục đích gì, ông Hòa không trả lời nhưng khi PV nêu lên tiềm ẩn việc nhằm nâng giá trị tài sản cố định để thuận lợi vay ngân hàng số tiền lớn, giảm nộp thuế DN, và yêu cầu bồi thường lớn trên cơ sở khai báo trước đó khi xảy ra hư hỏng, mất mát, ông Hòa cho rằng nhận định này cũng có cơ sở. Theo Cục Hải quan Hà Tĩnh, từ năm 2011 đến cuối tháng 7.2016, FHS đã nhập khẩu tổng giá trị hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, vật tư là hơn 4,9 tỉ USD.