Hậu họa thủy điện: Chặn nước thu tiền, xả lũ dìm dân

Thứ tư - 07/06/2017 09:59
Không dừng lại ở những sự cố như vỡ đập, nứt đập, vỡ đường ống dẫn dòng, thủy điện từ lâu đã khiến bao người nghi ngại, sợ hãi khi vào mùa mưa bão bỗng biến thành những “quả bom nước”, xả nước theo quy trình khó lường khiến người dân điêu đứng.

Thiên tai hay nhân tai?

Người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình,... đang trong những ngày “màn trời chiếu đất” khi lũ lụt càn quét.

Riêng Hà Tĩnh đang phải trăn trở với câu hỏi: “quả bom nước” nào đã đổ xuống đầu họ, khiến người dân trở tay không kịp trong ngày 14 và 15/10 vừa qua?

Lãnh đạo huyện Hương Khê tiết lộ, nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh) bất ngờ xả lũ ồ ạt khiến hàng nghìn hộ dân huyện Hương Khê ngập sâu trong biển nước.

Thủy điện Hố Hô xả lũ (ảnh Lương Bằng)

Việc xả lũ ồ ạt với lưu lượng 1.800 m3/s trong 4 giờ kèm theo mưa lớn khiến mực nước lên rất nhanh. Nhiều người dân không kịp trở tay.

Đáng ra, việc xả lũ phải được thông báo trước, nhưng lãnh đạo huyện Hương Khê cho rằng không nhận được thông báo bằng văn bản nào của nhà máy về việc xả lũ, lưu lượng, thời gian để cảnh báo.

Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Hố Hô là Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn (có trụ sở ở Yên Bái) vẫn một mực khẳng định: “Trong quá trình đợt lũ từ ngày 12 đến 15/10, công ty đã vận hành công trình điều tiết lũ phù hợp với các quy trình được duyệt và không làm tăng nguy cơ thiệt hại cho vùng hạ du”.

Trước những thông tin khác nhau, Bộ Công Thương đã họp khẩn và lập tổ công tác vào điều tra. Ngày 17/10, đoàn công tác sẽ có mặt ở thủy điện Hố Hô để làm rõ vấn đề “có hay không thủy điện Hố Hô bảo vệ nhà máy mà bỏ mặc người dân ở hạ lưu?”.

Nếu nhìn vào lịch sử của thủy điện mùa mưa lũ, việc một thủy điện xả lũ ồ ạt để bảo vệ nhà máy, bỏ mặc sự sống ở dưới hạ lưu không phải là chuyện hiếm gặp.

Năm 2014, Nhà máy thủy điện Bắc Hà (đặt tại xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã phải bồi thường và hỗ trợ cho dân vùng hạ lưu, bởi giữa quý 3/2014 đã xả lũ ẩu, gây thiệt hại hàng trăm hécta hoa màu của người dân vùng hạ du tại các xã Long Phúc, Lương Sơn, huyện Bảo Yên.

Thông tin này khi ấy trở thành “chuyện lạ”. Bởi lẽ, đợt mưa lũ nào cũng có tình trạng người dân “trở tay không kịp” khi thủy điện xả lũ ồ ạt, còn trách nhiệm vẫn dừng lại ở mức “đúng quy trình”, chưa nói đến việc bồi thường.

Tháng 3/2015, Thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên - Huế) xả lũ với lưu lượng ban đầu 500 m3/s, sau đó tăng lên khiến nhiều vùng trũng ở huyện Quảng Điền ngập lụt giữa mùa khô, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Còn năm 2013, trận lũ lịch sử đã gây thiệt hại khá nặng nề cho tỉnh Quảng Nam khi nhiều người chết, nhà cửa hoa màu, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.

Sau trận lũ lịch sử này, nhiều cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị các nhà máy thủy điện phải chịu trách nhiệm bồi thường về những thiệt hại do việc xả nước gây ra. Tuy nhiên, Bộ Công Thương khi đó cho rằng các hồ chứa nước thủy điện trên địa bàn Quảng Nam không gây ra lũ nên không có trách nhiệm bồi thường.

Còn rất nhiều trường hợp khác người dân phải chịu đựng những trận lũ được cho là do con người “phù phép” ra mà không biết phải kêu trời hay kêu “ông thủy điện” mỗi khi lâm cảnh ngập lụt.

Thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ làm người dân ở huyện Hương Khê phải trèo lên nóc nhà tránh lũ.

Chủ đầu tư thủy điện vì ai?

GS.TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, hiện là Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, đã từng phải thốt lên “hiếm nơi nào thủy điện gây họa nhiều như ở Việt Nam”.

Ngoài những sự cố an toàn hồ đập như thủy điện sông Tranh, sông Bung 2, vị chuyên gia am hiểu về thủy điện còn liệt kê ra những tác động tiêu cực của thủy điện ở Việt Nam.

Đó là các hồ đập nói chung gây ra những tác động tiêu cực như thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng môi sinh của những loài thủy sinh, hồ chứa gây ngập nhiều diện tích rộng. “Nếu quản lý yếu kém, có tình trạng lợi dụng làm thủy điện rồi tiện thể phá rừng”, ông Giang lưu ý.

Ông Giang cũng chỉ ra một thực tế đáng ngại. Lẽ ra, những hồ thủy điện có dung tích lớn phải tham gia chống lũ, đằng này lại giữ mức nước hồ cao trước lũ, làm tăng thêm lượng nước đổ xuống hạ du (do ngoài lũ tự nhiên ra còn xả thêm nước sẵn có trong hồ).

“Chống hạn cũng vậy. Khi hạn hán, hồ thủy điện vẫn tích nước để tăng công suất điện trong mùa mưa sắp đến, không xả nước về hạ du chống hạn. Những điều này phải được ghi rõ cấp phép dự án thủy điện và buộc chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm túc”, ông Phạm Hồng Giang nói.

Tai tiếng dồn dập, có thể thấy thủy điện ở Việt Nam không có lỗi, mà lỗi ở tại con người - những người vận hành thủy điện. Khi hạn thì tích từng giọt nước, khi lụt thì xả nước ồ ạt,... Phải chăng, chủ đầu tư các nhà máy thủy điện đang coi lợi ích của mình là số một, sau đó mới là đời sống của biết bao người dưới hạ lưu?

Bắt đầu kiểm tra thủy điện Hố Hô xả lũ

Đoàn công tác của Bộ Công Thương do ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, làm trưởng đoàn chiều 17/10 đã có buổi làm việc với chủ đầu tư nhà máy thủy điện Hố Hô.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn - chủ đầu tư thủy điện Hố Hô - thanh minh, tất cả các đánh giá về sự ngập lụt ở Hương Khê đều cho rằng ngập lụt là từ nguồn nước qua thủy điện Hố Hô, song thực tế, còn từ nhiều nguồn khác. Chẳng hạn như lượng nước từ Tuyên Hóa (Quảng Bình) đổ về cũng là lượng nước lịch sử.

Hơn nữa, trong đợt mưa xối xả, tại nhà máy xảy ra tình trạng nguy cấp là toàn bộ vai phải nhà máy có hiện tượng sạt lở. Hiện các vết sạt lở vẫn còn.

“Khi sạt lở xảy ra, anh em theo dõi và thấy gây nguy hiểm cho an toàn của nhà máy và công tác vận hành, và cho con người. Anh em họp khẩn thống nhất điều tiết nước để vừa đảm bảo an toàn cho đập, vừa khẩn trương dừng ngay công tác vận hành vì bị sạt lở”, ông Hùng kể.

Chủ đầu tư nhà máy cho rằng, nếu sạt sở xuống trạm biến áp thì sẽ vô cùng nguy hiểm.

Tại buổi làm việc, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, vẫn tỏ ra bức xúc trước việc thủy điện Hố Hô xả lũ.

Ông Huấn cho rằng đợt lũ vừa qua, với thời gian xả lũ đột ngột của thủy điện Hố Hô, người dân di dời, chạy được khỏi thiệt mạng là giỏi lắm rồi; chưa kể lại lụt vào ban đêm, mất điện, không có ánh sáng, nên việc di tản tài sản người dân rất khó khăn. Nhiều xã bị lũ quét, chứ không phải chỉ là lụt nữa, nên không di chuyển được tài sản, tivi, tủ lạnh trôi hết. Đó là thực tiễn.

“Thời gian tới đề nghị công ty có phối hợp tốt hơn trong xả lũ, trong công tác phòng tránh ngập lụt ở xã hạ du thủy điện”, ông Huấn nhấn mạnh.

Theo Vietnamnet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây