Ảnh minh họa.
Đền, phủ, chùa thi nhau… hầu đồngHiện nay, tại rất nhiều đền, phủ mọc lên nhiều “đồng đua”, “đồng đú”- những người không hiểu, không thạo và không có căn cốt để hầu đồng nhưng lại thích chạy theo loại hình diễn xướng tâm linh này như một thứ mốt, một phong trào của sự cuồng tín.
Việc sút giảm niềm tin vào bản thân, vào cộng đồng khiến không ít người dễ đi tìm kiếm chỗ dựa và niềm tin tâm linh từ các lực lượng siêu nhiên qua hầu đồng.
Nhất là sau khi UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” (dân gian gọi là hầu đồng) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” thì càng có “cớ” để “đồng đua”, “đồng đú” như “nấm mọc sau mưa”.
Không bỏ lỡ cơ hội đó, rất nhiều đền, phủ các tỉnh, thành đã “đỏ đèn”, “khua nhạc, khua chiêng” nhảy múa hát cô Bơ, cậu Bảy suốt ngày đêm. Một điều đáng nói là, không chỉ đền, phủ hầu đồng mà tại một số chùa ở Hà Nội cũng “sôi sục” hầu đồng như chùa M.C, X.Đ…
Sự thanh tịnh nơi cửa chùa, tâm hướng về Phật pháp bị phá vỡ bởi tiếng nhạc, tiếng hát chầu văn, tiếng nói cười, tranh cướp tiền lộc của những “con nhang, đệ tử”.
Chùa vốn là nơi giản dị với những chiếc áo nâu, áo lam thì bây giờ lại xuất hiện y phục diêm dúa đầy sắc màu, rượu thịt tràn trề trên ban thờ chốn linh tự.
Do sự thiếu hiểu biết của chính những người trong cuộc, do nhiều kẻ trục lợi, dựa vào đức tin của người đời về đạo Mẫu đã làm vấy bẩn di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng như sự tinh khiết của Phật giáo.
Trước vấn đề hầu đồng tại cửa chùa, GS.TS Nguyễn Chí Bền bày tỏ quan điểm, việc tổ chức hầu đồng tại chùa chiền là sai vì chùa biểu trưng cho Phật giáo không gắn bó với hoạt động tín ngưỡng này.
Vì lẽ đó, việc lập điện thờ Mẫu và tổ chức hoạt động hầu đồng tại một số ngôi chùa là không đúng, GS.TS Nguyễn Chí Bền đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm tra và nên cho dừng hoạt động này tại chùa.
“Tôi tha thiết đề nghị thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vào cuộc phát hiện, xử phạt những biến tướng hầu đồng” - GS. TS Nguyễn Chí Bền mong mỏi.
Tại sao phủ Tây Hồ hầu đồng một năm chỉ có hai ngày?Trong khi hầu đồng “càn quét” tại các đền, phủ lan sang cả chùa, rất nhiều người nghĩ rằng, phủ Tây Hồ - nơi linh thiêng bậc nhất của Hà thành sẽ luôn “đỏ đèn, tùng cheng”. Nhưng theo ông Trương Tín Hồi - Phó Trưởng ban phủ Tây Hồ chia sẻ, phủ Tây Hồ là nơi thờ Bà Chúa Liễu Hạnh.
Trong hệ thống điện thần Việt Nam, Chúa Liễu Hạnh là một trong tứ bất tử (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu), là vị thánh của tín ngưỡng tứ phủ, mà bản chất là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo của Việt Nam. Khách thập phương tới đây rất đông vì sự linh thiêng của phủ và còn được thưởng ngoạn vẻ đẹp Tây Hồ.
Chính vì thế, có rất nhiều lời đề nghị của các thanh đồng xin được hầu đồng tại đây, nhưng ban quản lý kiên quyết từ chối.
Ông Hồi lý giải, vài chục năm nay, Ban Quản lý phủ Tây Hồ rất coi trọng sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi cửa phủ. Rất nhiều phủ trên cả nước hầu đồng nhưng phủ Tây Hồ lại đứng “ngoài cuộc chơi”, không hề tổ chức hầu đồng.
Cách đây hai năm, nhân ngày giỗ Mẫu Liễu Hạnh 3/3. Phủ Tây Hồ mới xin phép UBND quận Tây Hồ để hầu đồng trong 2 ngày 25-26/2 âm lịch.
Để “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đúng truyền thống, trong hai ngày này, Ban Quản lý phủ Tây Hồ lựa chọn rất kỹ các thanh đồng và cung văn là nghệ nhân dân gian, hạn chế tới mức tối đa sử dụng đồ cúng tiến, vàng mã, tiền lộc chỉ mang tính tượng trưng 10 nghìn đồng trở xuống.
“Đây là hoạt động tâm linh nhân ngày giỗ Mẫu Liễu Hạnh chỉ diễn ra trong hai ngày. Nếu Sở Văn hóa, các trung tâm nghiên cứu di sản, văn hóa đề nghị tổ chức “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” ở đây để phục vụ công tác nghiên cứu di sản phi vật thể, chúng tôi phải thực hiện. Còn nếu không, sau hai ngày này, chúng tôi kiên quyết từ chối các lời đề nghị xin tổ chức hầu đồng ở đây. Bởi tổ chức hầu đồng sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới khách thập phương tới cúng lễ và thưởng ngoại cảnh quan.
Nói thật, nhiều người bảo Ban Quản lý phủ Tây Hồ gàn, sao không tổ chức hầu đồng để có thêm ngân sách tu bổ phủ Tây Hồ nhưng chúng tôi vẫn giữ lập trường của mình. Đó cũng là cách giữ gìn sự tôn nghiêm của “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” cũng như hạn chế những “đồng đua, đồng đú” đang nở rộ trong xã hội” - ông Trương Tín Hồi cho biết.