“Phúc khảo” hay chấp nhận mua bằng giả?
Ông Hồ Văn Bình (SN 1977, trú tại thôn Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa) làm cán bộ địa chính xã Húc từ năm 1999. Dù làm cán bộ xã lâu năm, nhưng ông Bình chưa có bằng tốt nghiệp THPT nên được tạo điều kiện cho đi học. Học từ lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hướng Hóa, đến năm 2015 ông Bình thi tốt nghiệp. Nhưng thi mãi không đủ điểm đậu, ông Bình nhớ lần gần đây nhất thi được 14 điểm, trong lúc 20 điểm mới đủ đậu tốt nghiệp. “Xem trên mạng thấy không đủ điểm, buồn lắm” - ông Bình kể. Trước đó, ngày thi tốt nghiệp, ông Bình có gặp một phụ nữ ở gần điểm thi, và người này nói nếu ai không đủ điểm đậu, có thể “phúc khảo” được. Vì vậy, ông Bình cùng khoảng 5 cán bộ ở các xã khác không đủ điểm đậu tốt nghiệp đến nhà chị Hiền (khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) để nhờ “phúc khảo”.
Tại nhà, chị Hiền nói với ông Bình và các cán bộ khác, là có quen với cán bộ to, nên “phúc khảo” đậu 100%, trong 1 tháng sẽ có bằng. Với ông Bình, chị Hiền đưa ra giá 15 triệu và ông Bình gật đầu đồng ý. Sau khi đưa học bạ và số tiền trên, đúng 1 tháng sau ông Bình nhận được bằng tốt nghiệp, mừng quá ông đưa về nhà, cất kỹ đợi bổ sung hồ sơ cho xã.
Tương tự, ông Hồ Văn Dờm (SN 1969, trú tại thôn Tà Ri 2, xã Húc) làm cán bộ Hội Nông dân xã Húc từ năm 2002. Cũng đi học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên như ông Bình, ông Dờm thi tốt nghiệp 3 lần đều không đậu. “Lần thứ 3, miềng thiếu 2 điểm. Lúc đó đang đi tập huấn ở dưới tỉnh, buồn hung. Rứa rồi chị Hiền alo qua điện thoại, hỏi có phúc khảo để đủ điểm đậu không. Mừng quá nên mình nói có. Rứa là nộp 13 triệu cùng chứng minh nhân dân, học bạ photo rồi sau đó nhận bằng” - ông Dờm thật thà. Trước câu hỏi có nghi ngờ gì về việc “phúc khảo” để đủ điểm đậu không, ông Bình bảo bà Hiền cam kết bằng lời nói, là nếu “phúc khảo” giả thì bà ấy sẽ đi tù. “Đi thi 3 lần không đậu, dù phải bỏ ra số tiền lớn để “phúc khảo” cũng phải cố gắng. Ai biết bằng giả đâu” - ông Bình nói.
Cầm bằng “phúc khảo” chưa nóng tay, ông Bình và ông Dờm cũng chưa bổ sung vào hồ sơ thì Công an tỉnh Quảng Trị đã đến trụ trở UBND xã Húc yêu cầu cả hai ông làm việc và nộp bằng “phúc khảo” nói trên.
Bằng “phúc khảo” giả
Khác với ông Bình và ông Dờm, ở các xã khác nhiều cán bộ sau khi nhận được bằng “phúc khảo”, đã đưa lên UBND xã để chuẩn bị bổ sung vào hồ sơ. Tuy nhiên, từ thắc mắc của các đồng nghiệp, rằng cán bộ đi thi không đủ điểm đậu nhưng vẫn có bằng, nên cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm hiểu. Ông Nguyễn Huỳnh Đường - Trưởng phòng PA92 Công an tỉnh Quảng Trị - cho biết, quá trình điều tra cho thấy có 12 cán bộ các xã tại huyện Hướng Hóa đã bỏ tiền với chi phí cao nhất là 13 triệu đồng/người để nhờ Nguyễn Thị Thúy Hiền (SN 1987, trú tại khóm 6, thị trấn Khe Sanh) “phúc khảo” bài thi. Sau đó, Hiền đã móc nối với các đối tượng khác để làm bằng THPT giả, rồi cấp cho các cán bộ xã. “Hiện chúng tôi đã thu lại được một số bằng, và đi giám định cho kết quả là bằng giả” - ông Nguyễn Huỳnh Đường nói.
Cũng theo ông Nguyễn Huỳnh Đường, 12 cán bộ xã nói trên đảm nhận các chức vụ như cán bộ địa chính, văn hóa, phụ nữ, mặt trận… ở các xã Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Linh, A Dơi, Húc, Ba Tầng… Về Nguyễn Thị Thúy Hiền, năm 2016 đối tượng này đã làm giả giấy tờ xe ôtô, bị Công an tỉnh Quảng Trị phát hiện, khởi tố điều tra và bị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị kết án 9 tháng tù. Tuy nhiên, khi bản án có hiệu lực thì Hiền mang thai nên hoãn thi hành án. Hiện đối tượng này đã sinh con được 1 tháng, ở với chồng mới cưới tại Hà Tĩnh.
Trong ngày 16.11, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã có quyết định khởi tố bị cáo, khởi tố bị can và có lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Thúy Hiền để điều tra tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức.