Giáo viên và lương

Thứ tư - 02/05/2018 05:30
Đúng như tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ với báo giới bên hành lang Quốc hội về cải thiện chế độ đãi ngộ cho giáo viên, Bộ GD-ĐT vừa trình lên Chính phủ dự thảo lần hai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục với đề xuất: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Nghề giáo là một nghề cao quý, được xã hội trọng thị bởi ý nghĩa quan trọng của việc “trồng người”. Lẽ dĩ nhiên, chế độ đãi ngộ trong đó quan trọng nhất là lương cũng cần phải ở mức tương xứng. Vì thế mà dư luận gần đây xôn xao khi cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh chỉ được lĩnh lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau hàng chục năm công tác. Còn theo thống kê của Sở GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên có thời gian công tác dưới 5 năm thu nhập thấp nhất là hơn 2,8 triệu đồng/tháng, cao nhất là hơn 7,5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này chưa đảm bảo để trang trải cuộc sống, giúp giáo viên yên tâm cống hiến với nghề. 

Với đề xuất cải cách về lương như trên, Bộ GD-ĐT nhận định rằng, hiện nay nhìn chung lương giáo viên còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật Giáo dục.

Tuy vậy, cũng giống như tất cả các ngành nghề khác, trên thực tế thu nhập của giáo viên lại còn tùy vào mỗi người, mỗi lĩnh vực chuyên môn được đào tạo. Ở các đô thị lớn, giáo viên giỏi được các trường tư thục săn đón, chào mời với mức lương không hề thấp. Thậm chí, nhiều giáo viên trường công còn từ chối sang trường tư dù lương cao hơn bởi vì họ có thu nhập từ dạy thêm hoặc các khoản “phi chính thức” khác trong trường công hấp dẫn hơn.

Mặt khác, ở các vùng khó khăn như miền núi biên giới, vùng sâu vùng xa, lương của giáo viên nhìn chung “khó có thể giàu” nhưng so với mặt bằng đời sống của nhân dân trong vùng thì lại ở mức khá. Do đó, cải thiện chế độ lương cho giáo viên không chỉ đơn thuần là nâng mặt bằng chung mà còn đòi hỏi phải cải cách cả hệ thống đánh giá, phân phối thu nhập sao cho công bằng, hài hòa, đạt được mục đích khuyến khích những lĩnh vực, địa bàn cần ưu tiên và nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhìn rộng hơn, nhiều ngành nghề khác hưởng lương “bao cấp” từ ngân sách nhà nước dường như cũng gặp vấn đề như các giáo viên. Đó là mức lương không đảm bảo đời sống trong khi ngành nghề nào cũng có đặc thù và không ngành nghề nào chấp nhận lý do vì lương thấp mà xao nhãng, lơ là công việc của Nhà nước, xã hội giao phó. “Miếng bánh” chỉ có vậy, nên giải pháp chung đưa ra là tinh giản biên chế để lấy nguồn tăng lương, từ đó mà nâng cao chất lượng công việc. Nhưng với ngành giáo dục, áp dụng giải pháp đó lại chưa hẳn đã phù hợp và đây mới là vấn đề khó.

Theo Báo Tin tức

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây