Là công trình giao thông huyết mạch nối TP. Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài và các tỉnh phía Bắc, cầu Thăng Long hiện có hàng trăm nghìn m2 đất gầm đầu thuộc địa bàn xã Đông Ngạc (huyện Từ Liêm) và xã Hải Bối (huyện Đông Anh). Nhưng thay vì bố trí thảm cỏ cây xanh ở phần diện tích giữa các trụ cầu, cơ quan quản lý lại để nhiều cơ quan và tư nhân “xẻ thịt” gầm cầu làm nơi kinh doanh dịch vụ, trông giữ xe kéo dài nhiều năm qua.
Hàng chục nghìn m2 đất gầm cầu Thăng Long (đoạn đi qua xã Đông Ngạc)
đang bị "xẻ thịt" làm nơi trông xe và để hàng hóa
Ghi nhận thực tế chiều 28/2/2013 cho thấy, phần lớn diện tích dưới gầm cầu khu vực Nam Thăng Long (đoạn chạy qua xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm) đã bị chia thành bãi gửi ôtô, xe máy, kho chứa hàng hóa, bãi tập kết vật liệu xây dựng, sắt thép. Qua tìm hiểu, được biết Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái là đơn vị được giao khai thác phần diện tích dưới gầm cầu. Tuy nhiên, ai đi qua đều nhận ra diện tích đơn vị này quản lý chiếm phần rất nhỏ trong hàng chục nghìn m2 đang bị “xẻ thịt”.
Cạnh bãi trông xe của Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái, dưới gầm cầu dành cho xe ôtô di chuyển từ đường Phạm Văn Đồng lên cầu có hàng chục nghìn m2 đất đã được san lấp bằng phẳng, dựng hàng rào sắt làm nơi trông giữ ôtô - xe máy mà không ghi rõ đơn vị nào cấp phép.
Hàng chục nghìn m2 đất gầm cầu (đoạn đi qua Đông Ngạc) đang được san lấp,
dựng hàng rào sắt làm bãi trông xe.
Những thảm cỏ như thế này đang dần bị thu hẹp nhường chỗ cho các bãi trông xe
Khu vực đầu cầu đoạn đi qua xã Hải Bối, huyện Đông Anh, tình trạng “xẻ thịt” gầm cầu làm nhà ở, địa điểm kinh doanh, chăn nuôi cũng diễn ra rất rầm rộ. Không chỉ bị tận dụng làm bãi gửi xe, quán trà đá, hiện đang có hàng nghìn m2 dưới cây cầu dành cho xe ôtô đang cho Công ty CP công nghiệp Thanh Hiền thuê với giá rẻ làm địa điểm tập kết máy cơ giới, bán vật liệu xây dựng và cả trông giữ xe ôm sát dãy trụ cầu, gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải nêu trong Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011.
Một phần diện tích gầm cầu Bắc Thăng Long (đoạn đi qua xã Hải Bối) đang
cho Công ty CP Thanh Hiền thuê kinh doanh
Sau phần diện tích Công ty CP công nghiệp Thanh Hiền đang sử dụng, nhiều hộ dân còn tiến hành xây dựng nhà ở kiên cố, hoặc làm nơi chăn nuôi gia súc trong suốt nhiều năm mà không bị xử lý.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí cho thấy: Thông tư 39/2011 của Bộ GTVT quy định gầm cầu vượt đường bộ không được sử dụng làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe, gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Trường hợp sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời phải được UBND cấp tỉnh quyết định đối với gầm cầu trên đường đô thị do địa phương quản lý, Bộ GTVT quyết định đối với gầm cầu trên quốc lộ đi qua đô thị trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh. Sở GTVT là cơ quan chịu trách nhiệm về việc tổ chức sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời. Bãi đỗ xe tạm thời phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa cầu theo quy định.
Dưới đây là hình ảnh gầm cầu Thăng Long bị “xẻ thịt” do PV Dân trí ghi lại chiều 28/2/2013:
Hàng chục nghìn m2 đất gầm cầu Thăng Long đoạn đi qua xã Đông Ngạc đang bị
"xẻ thịt" vô tội vạ
Khu vực đầu cầu đi qua xã Hải Bối việc "xẻ thịt" cũng diễn ra không kém phần sôi động
Một phần lớn diện tích gầm cầu bị biến thành nhà ở, nơi chăn nuôi gia súc
Vụ “xẻ thịt” gầm đường cao tốc trên cao: UBND TP. Hà Nội yêu xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm trái phép Liên quan đến vụ việc báo Dân trí phản ánh về việc hàng chục nghìn m2 dưới gầm đường cao tốc bị biến thành các bãi gửi xe. Ngày 28/2/2013, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, cùng đại diện UBND TP. Hà Nội đã có cuộc trao đổi với PV báo Dân trí để làm rõ vấn đề này. Tại buổi làm việc, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội xuất trình Quyết định số 513/QĐ-GTVT ngày 20/5/2011 về việc “Tạm thời tiếp nhận đưa vào sử dụng, quản lý, duy trì một số hạng mục thuộc dự án Xây dựng cầu Thanh Trì và đoạn tuyến Nam Vành dài III Hà Nội”; Văn bản số 271/SGTVT-GTĐT ngày 25/5/2011; Văn bản số 1437/GTVT về việc chấp thuận cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe khai thác, quản lý hiệu quả lâu dài khu vực gầm cầu Thanh Trì và đoạn tuyến Nam Vành đai III Hà Nội. Trưởng Ban Bạn đọc Vũ Văn Tiến (bìa trái) trao đổi với ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội nhận định một số điểm trông xe thuộc quyền quản lý của Công ty Khai thác điểm đỗ xe chưa thực sự sạch sẽ, quy củ. Để người dân yên tâm hơn, ông Thịnh đề nghị Công ty khai thác điểm đỗ xe lập kế hoạch khai thác chi tiết, lên cả phương án khắc phục những hệ lụy xảy ra, có xác nhận của các cơ quan quản lý để công bố đến người dân trong lúc chưa có bãi gửi xe tập trung. Công ty Khai thác điểm đỗ xe đã đưa ra các Quyết định của UBND TP. Hà Nội và Sở Giao thông Vận tải, nhưng hiện nay có một số khu vực tiếp giáp điểm trông xe do Công ty Khai thác điểm đỗ xe đang bị một số cá nhân chiếm dụng (khu vực đầu đường Nguyễn Xiển) làm nơi trông giữ xe trái phép. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Công ty Khai thác điểm đỗ xe cần giám sát chặt chẽ, có báo cáo kịp thời TP. Hà Nội để tháo gỡ. Ông Thịnh cho biết UBND TP. Hà Nội sẽ có văn bản gửi Công an TP. Hà Nội yêu cầu rà soát và xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm trái phép gầm cầu cao tốc trên cao như Báo Dân trí đã đưa tin. |
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Theo Dân trí