Nhiều lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Nafiqad cho biết: Ngày 17.5.2016, Cơ quan Thanh tra về an toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) đã có công thư thông báo lô hàng cá da trơn họ siluriformes của 2 doanh nghiệp (DN) Việt Nam là Cty TNHH Tân Thành Lợi và Cty CP Nam Sông Hậu xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị phát hiện nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm (Malachite Green, Enrofloxacine, Gentian Violet).
Ngày 24.5.2016, Cơ quan thẩm quyền EU đã có văn bản cảnh báo số 16-814 tới các nước thành viên EU về việc cá chết bất thường tại Việt Nam và đề nghị các nước kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam.
Ngày 19.5.2016, Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam cũng đã gửi công hàm số 39/16 tới Nafiqad thông báo: Lô hàng cá tra phi lê đông lạnh của Cty CP thủy sản Mekong bị cơ quan thẩm quyền Brazil cảnh báo thông tin về dinh dưỡng trên nhãn của sản phẩm vi phạm quy định…
Trước cảnh báo của FSIS, Nafiqad đã có công văn gửi các DN chế xuất, XK cá da trơn họ siluriformes vào Hoa Kỳ, các cơ quan quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Trung Bộ, Nam Bộ, yêu cầu phối hợp với các đơn vị có mặt hàng XK bị cảnh báo thống kê các lô hàng, khẩn trương truy xuất cơ sở nuôi đã cung cấp nguyên liệu, điều tra nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo, thiết lập và thực hiện các biện pháp khắc phục.
Không có chuyện XK hải sản kém chất lượng
Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 3.6.2016, ông Trương Đình Hòe - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định: Vụ việc cá chết bất thường tại ven biển 4 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, không gây ảnh hưởng đến nguồn cung và mức độ an toàn cho nguyên liệu hải sản xuất khẩu. Chất lượng các mặt hàng hải sản xuất khẩu không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết ở ven biển 4 tỉnh miền Trung trong thời gian qua.
Thực tế, các ngư trường khai thác chính nguyên liệu hải sản phục vụ cho xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào Nam Trung Bộ (Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận…) và các tỉnh Nam Bộ (Kiên Giang, Cà Mau…), được khai thác bằng các tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Nguồn nguyên liệu của các địa phương này cung cấp hầu hết cho các DN chế biến và XK các mặt hàng hải sản chính như cá ngừ, cua ghẹ, surimi cá khô và cá biển khác…
Mặt khác, trong thời gian qua Bộ NNPTNT đã chỉ đạo khảo sát, lấy mẫu và khẳng định các khu vực khai thác xa bờ (vùng biển xa bờ ngoài 20-30 hải lý) thuộc 4 tỉnh có hiện tượng cá chết đều an toàn. .
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 3 thị trường chính là EU chiếm 18%, Mỹ 20% và Nhật Bản 16% và đang có những thị trường tiềm năng như Trung Quốc (9,4%) và ASEAN (7,6%).
Theo VASEP, năm 2016, xuất khẩu các mặt hàng hải sản đều được dự báo sẽ tăng so với năm ngoái, nhờ nguồn cung ổn định, nhu cầu hồi phục trên các thị trường chính. Trong đó dự báo xuất khẩu cá ngừ sẽ tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 10%, cua ghẹ, surimi, các loại cá biển và cá khô tăng 13%. Do được đánh bắt ở vùng biển an toàn cách xa bờ, nên nguồn cung hải sản cho XK của chúng ta vẫn đảm bảo
chất lượng.
Thủy sản bị trả về có được tiêu thụ trong nội địa?
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn