Ngược ngàn “săn” gỗ lậu
Từ những mối quan hệ, sau một cuộc rượu “chí chết” chúng tôi đặt vấn đề với H - vốn là một “lâm tắc” đã “rửa tay gác kiếm” – “đột nhấp, mục sử thị” cảnh khai thác gỗ trái phép trong vườn Quốc gia Vũ Quang. H ngần ngại vì “không muốn đập vỡ nồi cơm của anh em”. Bằng chiêu “khích tướng”, cuối cùng H cũng đồng ý với điều kiện: không được đưa địa danh, tên của những người gặp trong rừng và “chuẩn bị tinh thần, cẩn thận, kín tiếng”.
4giờ rưỡi sáng, nai nịt gọn gàng, “cơm đùm, nước bịch”, chúng tôi ngược ngàn. Đến cửa rừng, H nói: Để vào được “công trường’ chỉ có cách cuốc bộ. 2 chiếc xe máy được H “ủn” vào một lùm cây dại: “yên tâm, trong này chỉ có “lâm tặc” mà “lâm tặc” thì không phải phường ăn cắp vặt, họ chỉ quan tâm đến gỗ thôi”.
Đã quá quen thuộc mọi ngõ ngách của rừng, H dẫn đầu nhắm vùng lõi vườn Quốc gia Vũ Quang thẳng tiến. Dọc đường đi, tôi không khỏi ngỡ ngàng vì chứng kiến nhiều cây gỗ bị đốn. Cũ có, mới có. Những gốc cây đường kính khoảng 1m bị đốn lâu ngày đã lên màu tím tái, những gốc mới vết cắt vẫn còn đỏ tươi như vết thương chưa kịp liền da. Có vào đây mới biết, những cánh rừng xanh bạt ngàn kia chỉ là “dáng điệu”, thực chất bên trong máu rừng đang chảy. Chỉ vào những thân gỗ có khắc dầu bằng những vết chém, H cho biết: “Cây này đã có chủ! Quy tắc bất thành văn: ai chặt không cần biết, người nào đã đánh dấu thì thuộc quyền sử hữu của người đó. Những người lỡ chặt cũng không được hưởng gì, đó là chưa nói đến có thể bị xử theo luật rừng”.
Gốc cây trong vùng lõi vườn Quốc gia Vũ Quang vừa bị “lâm tặc” đốn hạ còn tươi màu
bên cạnh gốc cây đã bị hạ sát trước đó
Càng vào sâu trong đại ngàn, chúng tôi càng được chứng kiến sự tàn phá tàn khốc của “lâm tặc”. Tại một cánh rừng khác trong vùng lõi vườn Quốc gia Vũ Quang, 2 gốc cây gỗ lớn mới được đốn hạ cách đây không lâu, lá trên ngọn cây chưa khô hết. H cho hay “Đây là gỗ táu, mỗi cây được khoảng 6 bê. Gỗ táu bán được giá lắm nhưng nặng nên đưa ra khỏi rừng khá vất vả”. Trong 2 gốc cây bị đốn “lâm tặc” đã lấy hết 1 cây, cây còn lại chỉ cắt lấy 2 bê gỗ, còn 1 đoạn thân ước tính khoảng 2 khối gỗ thành khí. Cách đó không xa, mấy cây gỗ bộp lớn bị đốn hạ. Các cây con xung quanh bị gãy đổ tạo thành một vạt trống nhức mắt. Một bê gỗ đã cưa thành khí và rất nhiều bìa gỗ thải ra nằm trắng một góc rừng.
Xót xa trước cảnh tan hoang, chiếc máy ảnh tôi cầm trên tay như nặng hơn. Và tôi càng hoang mang hơn khi nghe H “bồi” thêm: “Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Càng vào sâu, mức độ tàn phá càng “khủng” hơn các ông ạ”.
“Lâm tặc” tàn phá
Sau nhiều giờ băng rừng, lội suối, đầu gối tôi bắt đầu đau nhức, đi theo kiểu “vắt sổ” thì nghe tiếng cưa máy rền vang. “Đây rồi” – tôi buột miệng thốt lên. H quay lại lừ mắt: Yên! cứ coi như chuyện bình thường. Khi chúng tôi tiến đến gần, thấy 2 người đang cưa 1 cây gỗ lớn, phát hiện ra “người quen” “lâm tặc” lại thản nhiên thực hiện phần việc của mình. Lưỡi cưa xăng xoen xoét cắm sâu vào gốc cây. Lúc khoan, lúc nhặt, tiếng cưa xăng rú lên mỗi khi “lâm tặc” “tăng ga” cho thấy tình chuyên nghiệp của những kẻ chuyên “săn gỗ”.
Lâm tặc xuống tay hạ sát cây gỗ lớn |
Vờ nghỉ sức, hút thuốc, chúng tôi đã có đủ thời gian để quay lại cả “chương trình”. “Rầm”, chỉ chưa đầy tiếng đồng hồ, thân cây chừng 3 vòng tay người lớn đã bị đốn hạ. Hướng đổ của cây đã được tính toàn kỹ, không vướng cây lớn, nằm nơi thoáng để dễ “xẻ thịt”. Một trong 2 người lướt mắt ước lượng chiều dài và cắt rời phần ngọn. 2 người cầm 2 cưa xăng chẻ dọc thân cây. Sau 4 lượt xẻ dọc, thân gỗ vuông chằn chặn. H thủng thẳng: Ngay khi cây gỗ đỗ xuống, “ướm” bằng mắt xác định khối lượng, tính toán thành phẩm và bắt tay vào xẻ thịt ngay. Mọi việc phải được thực hiện chuẩn xác, nhanh chóng để “rút” trước khi có biến. “Có biến” nghĩa là sự xuất hiện của chủ rừng, kiểm lâm “nhưng cũng ít khi bị bể mánh lắm vì “lâm tặc” đã nghe ngóng, cảnh giới và… “cài cắm” cả rồi(?!)
Rừng này chủ yếu là gỗ trín, táu, de, bộp và gội đỏ. Mỗi cây gỗ “đạt chuẩn” phải xẻ được 4 đến 6 “bê” (phiến gỗ), khoảng từ 2 đến 3 khối gỗ thành khí. Chỉ trừ trường hợp có “đơn đặt hàng” hay gặp cây gỗ quý, còn bình thường “lâm tặc” không khác thác cây bé hơn vì phí công sức. H cho biết: Một chuyến vào rừng “ăn hàng” thường có 4 người, đi mất 3 ngày. Ngày đầu tìm gỗ, ngày thứ 2 đốn hạ và ngày thứ 3, khi chắc chắn không có biến mới đưa trâu vào kéo ra. Gỗ chặt hạ, xẻ thành bê rồi để đấy. Lúc nào kéo cũng được. Trừ lực lượng chức năng, lâm tặc không bao giờ đánh cắp của nhau. “Đó là luật!” – H khẳng định.
Chỉ tay vào một cây gội đỏ vừa bị đốn hạ còn tươi màu máu, H cho biết: Cây này xẻ được 4 bê, 2 khối gỗ. Bán tại đây giá 14 triệu đồng, đưa ra khỏi vườn thì bán giá 20 triệu đồng. Trừ chi phí và “làm luật”, mỗi người được khoảng 2 triệu đồng. Tôi nhẩm tính: 3 ngày, 2 triệu. Cũng khá đấy chứ. H nói ngay: Ông cứ tính như công chức bọn ông, sáng ngủ dậy, xỏ chân vào giày là có lương. Bọn tôi đi rừng có phải lúc nào cũng “ăn” được đâu. Với lại “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, “lâm tặc” trực tiếp đốn gỗ chẳng thằng nào giàu được cả. Chỉ có đầu nậu mới ăn to vì gỗ đưa ra khỏi rừng, đầu nậu có thể bán giá gấp đôi. Mua tận gốc, bán tận ngọn mới lãi to. Đó là chưa nói, nghề đi rừng này cũng lắm rũi ro, nguy hiểm. Tháng trước, ông S sơ sểnh thế nào mà bị gỗ đè nát cả bàn chân. Vì thế, H bỏ nghề. Nhớ rừng, thỉnh thoảng vào vườn đi gác kèo ong.
“Không kiếm được nhiều tiến nhưng an toàn. Mà người ta cứ hô hào giữ rừng, cấm khai thác gỗ nhưng nhà của các đại gia thì cơ man nào là gỗ quý. Không có họ thì lâm tặc bỏ nghề hết các ông nhĩ”. “Nếu gỗ không thể ra khỏi rừng thì “lâm tặc” vào rừng để chơi à?. Có cách cả đấy. Tôi sẽ chứng minh cho các ông thấy, “con voi chui lọt lỗ kim” – H lại triết lý.
“Cõng” gỗ khai thác trái phép về xuôi - Con voi chui lọt lỗ kim
Một ngày theo H vào rừng, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bất ngờ thú vị là H - một “lâm tặc” đã “rửa tay gác kiếm”- ngang tàng mà nói chuyện về rừng, về nạn khai thác rừng đầy chữ nghĩa, triết lý. Bất ngờ đau xót là giữa đại ngàn kia, “lâm tặc” đang mặc sức tàn phá rừng dù các cơ quan chức năng vẫn đang “kiên quyết, nỗ lực giữ rừng”.Và, càng bất ngờ hơn khi ngay trong đêm đó, H đã cho chúng tôi hiểu được tại sao gỗ khai thác trái phép có thể “lọt” về xuôi.
Gỗ khai thác xong nằm la liệt trong rừng đợi về xuôi |
Những cây gỗ lớn sau khi đốn hạ, xẻ thịt vuông vắn, “lâm tặc” cho trâu vào rừng kéo về các điểm “tập kết” ở xã Hương Quang. Sau khi tìm được mối, gỗ sẽ được “cõng” về xuôi. Từ Hương Quang, gỗ được vận chuyển ra trung tâm huyện Vũ Quang bằng đường bộ và đường sông. Đường bộ thì dùng xe máy hoặc dùng xe kéo (xe máy kéo xe bò lốp) và dùng ô tô khách để vận chuyển, đường sông thì kết gỗ thành bè theo sông về xuôi. Tuy nhiên, hình thức được sử dụng nhiều nhất vẫn là dùng xe máy chở từng bê một vì cơ động, dễ tẩu thoát và nếu có bị bắt thì thiệt hại ít. Quan trọng nhất là “dễ làm luật” hơn. Từ xã Hương Quang về xuôi có nhiều trạm kiểm soát, đặc biệt chốt chặn ngoài cùng, ngay trung tâm thị trấn Vũ Quang có rào chắn hẳn hoi. Tưởng như với mô hình kiểm soát này, việc tuồn gỗ ra khỏi rừng là điều không thể. Thế nhưng, thâm nhập thực tế, tôi mới biết được rằng “lâm tặc” đã biết “điều tiết”, dùng nhiều hình thức để lách mình qua khe cửa hẹp. “Nếu gỗ không thể ra khỏi rừng thì “lâm tặc” vào rừng để chơi à?. Có cách cả đấy. Tôi sẽ chứng minh cho các ông thấy, “con voi chui lọt lỗ kim” – H lại triết lý.
Vườn quốc gia Vũ Quang còn gọi với tên Vườn quốc gia Vụ Quang, là một vườn quốc gia nằm ở phía Tây tỉnh Hà Tĩnh, nơi có nhiều loài sinh vật đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, hội tụ nhiều loài gỗ quý và động vật quý hiếm. Được thành lập theo Quyết định số 102/2002/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng diện tích: 55.028,9 ha, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 38.800,0 ha, phân khu phục hồi sinh thái: 16.184,9 ha, phân khu hành chính dịch vụ: 44,0 ha). |
Vĩ Thanh
Rã rời sau 1 ngay, đêm chứng kiến “lâm tặc” tàn phá vườn Quốc gia Vũ Quang và dõi theo đường đi của gỗ lậu, tôi leo lên giường định đánh một giấc dài. Thế nhưng, nằm mãi vẫn không thể ngủ vì cứ nhắm mát lại là tiếng cưa xăng cứ xoen xoét xoáy vào óc. Hình ảnh những gốc cây bị đốn hạ vẫn còn đỏ tươi như màu máu vẫn không thôi ám ảnh. Và, đâu đó như vang vọng tiếng kếu cứu khẩn thiết của đại ngàn.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn