Hà Tĩnh - đường lớn đã mở

Thứ tư - 07/06/2017 17:04
Với tham vọng biến Khu kinh tế Vũng Áng thành trung tâm công nghiệp lớn nhất khu vực không phải là không có cơ sở khi Hà Tĩnh đã có bước tiến ngoạn mục đứng vào Top đầu cả nước trong thu hút đầu tư. Về lĩnh vực nông nghiệp Hà Tĩnh được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước về chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác. Không dừng ở tư duy của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp mà đưa tư duy của DN đến với nông dân.


Một góc trung tâm hành chính - khu ký túc xá của Formosa đảm bảo chỗ ở cho hàng nghìn lao động.

Sản phẩm nông nghiệp lên ngôi

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hà Tĩnh xác định các sản phẩm có lợi thế lớn như: Lợn, bò, tôm, hươu, rau củ quả công nghệ cao, cam, bưởi Phúc Trạch… việc thành lập các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, các tổ hợp tác làm đầu mối ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các DN là một trong những mắt xích quan trọng, cầu nối liên kết hữu hiệu giữa DN và nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đến nay, Hà Tĩnh có 54 HTX, 25 tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi liên kết với DN, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn; trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên cát hoang hóa; nuôi tôm công nghệ cao; chế biến nông sản, thủy sản.

Xác định 13 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, với cách làm sáng tạo, tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất điển hình có hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, mô hình sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên đất cát ven biển có thể xem là bước đột phá về tổ chức sản xuất và khoa học công nghệ, nhằm tiến thêm một bước trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hà Tĩnh hình thành mới trên 3.600 mô hình có doanh thu từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Quan trọng hơn, các thành phần kinh tế đang từng bước tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, kết nối với chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả sản xuất.

Cty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã đầu tư hệ thống cửa hàng Mitraco Food ở các địa phương, sắm xe vận chuyển và đang xây dựng 3 kho bảo quản sản phẩm, nhằm đáp ứng tốt nhất cho việc tiêu thụ các sản phẩm của mình. Ở Kỳ Anh, quân bình mỗi ngày bán đến 50 tấn rau quả, trong đó 99% là rau sạch được sản xuất tại địa phương. Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc liên doanh liên kết với nông dân có hiệu quả nhất: Sản xuất giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tạo đầu ra cho nông dân.

Phát triển mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân là quan điểm xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của Hà Tĩnh. Với gần 7.400 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ, chất lượng tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản. Nông nghiệp ngày càng khẳng định rõ vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Vậy nên, không có gì bất ngờ khi Hà Tĩnh có 4 sản phẩm trong 145 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2014 được vinh danh gồm: Cà rốt, măng tây, củ cải trắng và thực phẩm chức năng rượu nhung hươu do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương vừa tổ chức. Đây là những sản phẩm đặc trưng nằm trong chuỗi các sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh, là sự kiện quan trọng, khẳng định sự phát triển của nền nông nghiệp Hà Tĩnh thời gian qua, tôn vinh tâm huyết, tài năng của các tổ chức, cá nhân đã sáng tạo ra các sản phẩm được người tiêu dùng tin cậy, lựa chọn.

Để có thành quả hôm nay, Hà Tĩnh là địa phương đã ban hành hệ thống cơ chế, chính sách với số lượng nhiều, đồng bộ, toàn diện nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước về kinh tế hợp tác, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu hàng hóa.

Công nghiệp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Nói đến ngành công nghiệp Hà Tĩnh trước hết phải kể đến những dự án lớn được tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ như: Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 10 tỷ USD; Dự án PPP lớn nhất Việt Nam cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng với lưu lượng 760 nghìn m3/ngđ với tổng mức đầu tư 4.415 tỷ đồng; Trung tâm điện lực Vũng Áng theo quy hoạch có công suất 7.000MW gồm Nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200MW, vốn đầu tư 1,7 tỷ USD do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư, Nhiệt điện Vũng Áng 2 công suất 1.200MW vốn đầu tư 2,4 tỷ USD do Tập đoàn Mitsubisi Nhật Bản làm cổ đông chính đang hoàn thiện thủ tục để khởi công, Nhiệt điện Vũng Áng 3 do Tập đoàn Samsung Hàn Quốc đầu tư hiện đang hoàn thiện hồ sơ để triển khai dự án, và cụm 10 tổ máy nhiệt điện của Tập đoàn Formosa với công suất 2.200MW; các dự án công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ, thương mại, du lịch có tổng mức đầu tư từ 50 - 70 triệu USD đang đẩy nhanh tiến độ, một số dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như: Tổng kho xăng dầu, dầu khí quy mô 110 nghìn m3 và 1.700m3 khí hóa lỏng…

Hiện nay, đã có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia xây dựng và có gần 400 DN được cấp đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đầu tư với vốn đầu tư khoảng 25 tỷ USD hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng.


Nhiệt điện Formosa.

Dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang với tổng mức đầu tư trên 7.857 tỷ đồng có dung tích 775 triệu m3 nước, là một trong ba hồ chứa nước lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay, là công trình trọng điểm quốc gia, đồng thời là công trình thuỷ lợi đa mục tiêu, vừa cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông, công nghiệp vừa kinh doanh thuỷ điện. Khi hoàn thành hồ sẽ ngập trên một vùng diện tích gần 4.000ha, chủ yếu rơi vào khu vực rừng của Vườn quốc gia Vũ Quang; cung cấp nước tưới cho 32.585ha đất canh tác nông nghiệp cho 8 huyện ở Hà Tĩnh. Ngoài ra dự án còn tạo môi trường nuôi trồng 5.991ha thủy sản; cung cấp nguồn nước cho mỏ sắt Thạch Khê; giảm lũ và cải tạo môi trường sinh thái hạ du phát triển du lịch.

Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu quốc tế trọng điểm của Việt Nam, thuận lợi cho việc giao lưu và phát triển hợp tác giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan. Cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương là hành trình ngắn nhất để vận chuyển hành khách, hàng hóa của Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan đến với các hải cảng trên thế giới. Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã thống nhất chủ trương thành lập Khu hợp tác kinh tế biên giới theo mô hình “Hai quốc gia một chính sách” nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào và các nước trong khối ASEAN. Hiện nay trong Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo có trên 360 DN đã được cấp đăng ký kinh doanh và chứng nhận đầu tư với tổng số vốn hơn 2.500 tỷ đồng.

Với những kết quả đó, Hà Tĩnh được xếp vào một trong những tỉnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ lớn nhất cả nước.

Chính sách khuyến khích phát triển DN, doanh nhân đầu tư, sản xuất CN-TTCN được tỉnh quan tâm, chú trọng. Tính đến đầu năm 2015, toàn tỉnh có trên 700 DN sản xuất CN-TTCN với tổng số vốn đăng ký hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, trên 200 DN tư nhân với tổng vốn đăng ký 247,3 tỷ đồng, 253 Cty TNHH với số vốn 452,57 tỷ đồng và 160 Cty cổ phần, vốn điều lệ gần 10.500 tỷ đồng cùng 38 HTX tiểu thủ công nghiệp và hơn 16 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh cá thể; giải quyết việc làm cho gần 70 nghìn lao động.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 19 cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt, quy hoạch chi tiết với diện tích 499ha, tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng gần 200 tỷ đồng. Trong đó, có 9 cụm công nghiệp đi vào khai thác với 140 dự án, vốn đăng ký 2.600 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 2.500 lao động. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp của khối kinh tế này trong năm qua đạt 2.300 tỷ đồng.

Với mục tiêu phấn đấu đưa Hà Tĩnh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tới, Hà Tĩnh đang tập trung chỉ đạo các nhà đầu tư hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm đúng tiến độ, nhất là dự án trong KKT Vũng Áng; đồng thời, thu hút và phát triển các dự án công nghiệp phụ trợ nhằm tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách.

Sau 5 năm xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã xây dựng mới hơn 7.000 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản (bình quân đạt 5,46%/năm), giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 70 triệu đ/ha (tăng 1,6 lần so với năm 2010). Đã hình thành mới 919 doanh nghiệp (tăng 3,5 lần so với năm 2010), 429 HTX (tăng gần 1,5 lần) và 807 tổ hợp tác (tăng 160 lần), nâng tổng số hiện có lên 1.561 doanh nghiệp, 672 HTX và 812 tổ hợp tác.

Đã nhựa hóa và bê tông hóa hơn 3.300km đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ đạt chuẩn lên 47%; kiên cố hóa 719km kênh mương thủy lợi nội đồng, nâng tỷ lệ đạt chuẩn lên 47,7%; xây dựng 610km đường điện; đầu tư, nâng cấp 330 trường học, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên 73,25%, 91 trạm y tế, nâng tỷ lệ số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia lên 64,7%; xây dựng 101 nhà văn hóa xã, 72 khu thể thao xã, 968 nhà văn hóa thôn, 880 khu thể thao thôn; xóa bỏ 13.260 nhà tạm; xây dựng, nâng cấp 56 khu nghĩa trang và 61 khu xử lý rác thải..


Theo Tuyết Mây Báo xây dựng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây