"Giá quá cao"
Tháng 7/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho phép Cty MT thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ, khách sạn trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp Cẩm Xuyên.
Trong đó Khu nhà chợ chính được thiết kế 2 tầng, tổng mức đầu tư 140 tỉ sau đó được điều chỉnh lại trên 250 tỉ đồng.
Dự kiến thời gian thi công từ quý IV/2009 và hoàn thành đưa vào hoạt động quý III/2011. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại công trình này vẫn còn ngổn ngang trăm mối.
Có mặt tại chợ Hội sáng 28/8, nhóm PV ngay lập tức bị hàng chục tiểu thương vây kín để trình bày những bức xúc về việc Ban Giám đốc Cty MT.
Chị Nguyễn Thị Như Hoa (một tiểu thương buôn bán quần áo, trú tại tổ 9 –Thị trấn Cẩm Xuyên) bức xúc: Ngay từ khi có quyết định thành lập Trung tâm thương mại Chợ Hội Cẩm Xuyên để thay thế cho chợ Hội cũ, Ban giám đốc đã có những việc làm “tiền hậu bất nhất”.
Cụ thể Khu nhà Trung tâm TM được thiết kế 02 tầng nhưng hiện tại tầng 01 vẫn chưa xong, tường hàng rào, cổng vào vẫn chưa được lắp hoàn chỉnh.
“Lúc chuẩn bị xây dựng phía nhà đầu tư hứa rằng giá mỗi m2 ban đầu sẽ được tính theo thiết kế 70- 90 ngàn đồng/ m2 nhưng hiện tại họ lại o ép chúng tôi với mức giá cắt cổ 190- 200 ngàn đồng/ m2, chênh lệch gấp 3 lần so với thời điểm ban đầu mà họ hứa với chúng tôi. Với mức giá này chúng tôi không thể vào đó để kinh doanh được”, chị Nguyễn Thị Thủy (tiểu thương bán quần áo tại chợ Hội) phản ứng gay gắt.
Nhiều tiểu thương phản ứng gay gắt trước việc làm của Cty miền Trung. |
Chị Nguyễn Thị Hà (41 tuổi, buôn bán hoa quả) thay mặt nhiều tiểu thương phản ánh: Ốt tại chợ cũ rộng 7m2 giá thuê 840 ngàn đồng/năm giờ chuyển sang ốt mới rộng 4m2 nhưng giá là 8,4 triệu đồng/năm (tăng 10 lần).
Ốt của chị Phan Thị Nhung (31 tuổi, kinh doanh hàng nhôm nhựa) ở chợ cũ rộng 13m2 giá thuê 1,2 triệu/năm giờ chuyển sang chợ mới rộng 5m2 giá là 12 triệu đồng/năm (tăng 10 lần).
Còn ông Nguyễn Ngọc Mậu chủ một ki-ốt bán bánh kẹo nói: Chúng tôi không tán thành cách làm việc của họ vì chẳng khác gì “đem con bỏ chợ” . Lúc đầu họ ngon ngọt dỗ dành chúng tôi với với mức giá mà chúng tôi có thể chấp nhận được với diện tích từng ki - ốt từ 9 - 12 m2 thế nhưng nay hạ xuống chỉ còn 4 – 5 m2, nếu vào đó buôn bán thì bét nhất tôi phải mua lại 4, 5 ki - ốt mới có thể đáp ứng được điều kiện buôn bán giống như khu chợ cũ.
Ghi nhận những ý kiến của các tiểu thương, chúng tôi trực tiếp đến Trung tâm thương mại chợ Hội (mới) để xác minh thì nhận thấy những phản ánh của bà con là có cơ sở. Đối lập với những băng rôn, cờ phướn quản cáo về ngày khai mạc Hội chợ tại đây bắt đầu từ 31/8, thì trong đình chợ hàng trăm ki- ốt vẫn cỏn dở dang, chỉ lác đác vài quầy chợ đã hoàn thiện, ghi tên chủ quầy…
Hỏi chuyện một công nhân đang hàn tại một ki- ốt, được biết, với tiến độ này thì 10- 15 ngày nữa vẫn chưa thể hoàn thiện tổng bộ các ki- ốt tại tầng 01. Riêng tầng hai thì trống hơ trống hoác với ngổn ngang đá, vữa, sắt thép… trong lúc đó ngày khai mạc hội chợ chỉ còn…3 ngày.
Công trình vẫn còn ngổn ngang |
Bằng mắt thường chúng tôi dễ dàng nhận thấy diện tích các ki- ốt nhỏ hơn rất nhiều các ki-ôt ở chợ Hội cũ. Mà theo như phản ánh của tiểu thương Nguyễn Ngọc Mậu thì, có dấu hiệu rút diện tích ki-ốt từ 9- 12m2 xuống còn 4-5m2 nhằm tăng thêm số lượng ki- ốt cho thuê. Điều này, trái ngược lại với cam kết của chủ đầu tư với các tiểu thương trước đây?.
Một tiểu thương bức xúc “Nếu với diện tích nhỏ như chuồng chim thì chúng tôi chỉ đủ đặt cái bàn, rồi ngồi lên bàn mà bán, chứ đừng nói gì đến việc di chuyển, sinh hoạt cả ngày trong ki -ốt bé xíu đó”.
"Do trượt giá"
Trao đổi với PV về vấn đề này ông Bùi Quang Mai – Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Phí ở chợ cũ là 15.000 đồng/m2 nên khi chuyển sang chợ mới giá trung bình khoảng 130 ngàn/m2 nên bà con phản ứng cũng là điều dễ hiểu.
Trước đây khi lập dự án phía nhà đầu tư đưa ra giá mức giá trung bình khoảng 70 ngàn/m2 nhưng đến tháng 6/2013, họ đưa ra mức giá mới là từ 170 – 250 ngàn/m2.
Khi thấy giá mới quá cao so với thu thập thực tế của bà con UBND huyện đã đề nghị Sở Tài chính vào thẩm định lại giá, sau đó sở ra quy định khống chế giá cao nhất không vượt quá 220 ngàn/m2. Thấy như thế vẫn còn cao nên UBND huyện đề xuất nhà đầu tư hạ giá thấp hơn nữa và họ chấp nhận giảm tiếp 10%”.
“Nếu đúng như cam kết ban đầu thì Cty MT phải hoàn thiện dự án thì mới được đưa chợ vào hoạt động tuy nhiên việc này đã được UBND tỉnh đã cho phép”, lời ông Mai.
Còn ông Phạm Anh Tuấn – Tổng giám đốc Cty MT thì giải thích: Năm 2009 chúng tôi đưa ra mức giá trung bình là 74 ngàn/m2 nhưng do trượt giá nên phải xin tăng lên.
Tiểu thương này đã bật khóc khi nghĩ về số tiền phải đóng ở chợ mới |
Về việc chợ chưa xây xong đã đưa vào hoạt động ông Tuấn nói, do kinh tế khó khăn huy động vốn gặp nhiều khó khăn nên phải đưa tầng 1 vào hoạt động trước còn các hạng mục khác sẽ tiếp tục thực hiện.
Theo Hà Vũ - Hà Vy (Tầm nhìn)