Theo dự án, Trường THPT Mai Kính do UBND huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 31 tỷ 370 triệu đồng. Nhà thầu là Công ty CPXD 22-12 Hà Tĩnh; đơn vị tư vấn thiết kế là Cty THH tư vấn hội xây dựng Hà Tĩnh, việc giám sát do Cty CP TVXD Hà Tĩnh thực hiện.
Trường THPT Mai Kính với tổng mức đầu tư 31 tỷ 370 triệu đồng để... bỏ hoang. |
Tại nơi xây dựng trường, dãy nhà 4 tầng, 16 phòng đồ sộ đã xây xong phần thô để dang dở đã lâu, vật liệu xây dựng, cốt pha… vương vãi, những khối bê tông lòi trơ sắt thép ra ngoài. Phía trong ngôi trường là bốc đầy mùi phân trâu bò, chó mèo...
Điều đáng nói là Trường THPT Mai Kính đã nằm trong diện giải thể của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở GD&ĐT đã trình dự thảo “Đề án quy hoạch lại hệ thống trường mầm non và phổ thông tỉnh đến năm 2020”, trong đó có nội dung giải thể Trường THPT Mai Kính.
Nguyên nhân của sự việc trên là do số học sinh ngày càng giảm, quy mô trường quá nhỏ nên phải giải thể, sáp nhập vào trường khác. Đây cũng là tình hình chung của nhiều trường THPT, THCS và tiểu học trên địa bàn Hà Tĩnh.
Tại Công văn số 847 ngày 20/6/2012, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nêu rõ trong năm học 2012 – 2013, Trường THPT Mai Kính không tuyển sinh vào lớp 10. Không hiểu vì sao trong khi cả nước đang thắt chặt đầu tư công, UBND huyện Thạch Hà lại bỏ ra một khoản tiền lớn xây một ngôi trường đồ sộ để chờ… giải thể một cách đáng ngờ. Lẽ nào UBND huyện Thạch Hà không nắm được tình hình, quy hoạch mạng lưới giáo dục của UBND tỉnh?.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Phòng Công thương huyện Thạch Hà (xin giấu tên) cho biết:“Trường Mai Kính đã xây được hai năm rồi, giờ đúng là bất cập. Hiện tại để vậy nhưng tất yếu sẽ cho một trường nào lên đó chứ không thể bỏ hoang được.
Có thể chọn một trường nào đó làm sao để bán kính gần nhất cho học sinh, hoặc cũng có thể chọn một trường dạy nghề nào đó, nhưng cũng sẽ không hợp lí vì các trường dạy nghề thường phải đóng ở địa điểm trung tâm, và hiện mới chỉ mới có dãy phòng học đang xây dở chưa có các công trình phụ trợ khác. Hiện huyện chưa có định hướng rõ ràng và UBND tỉnh đã có công văn dừng việc xây dựng...”.
Sự lãng phí của công trình này thêm một bài học về sự thiếu phối hợp giữa chính quyền với các ngành chức năng ở địa phương trong công tác khảo sát, quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là trong xây dựng trường học hiện nay.
Đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh và cơ quan chức năng nơi đây cần sớm "vào cuộc" làm rõ, quy trách nhiệm cá nhân đơn vị liên quan có hình thức xử lý thỏa đáng, đồng thời có kế hoạch đưa công trình trên vào sử dụng một cách khoa học, hữu ích.
Theo phapluatvn.vn