Cầu bắc qua sông Ngàn Sâu ở xã Lộc Yên- nỗi ám ảnh của nhiều người. |
Chúng tôi có mặt tại cây cầu bắc qua sông Ngàn Sâu từ trung tâm xã Lộc Yên về với xóm Hương Yên. Đứng trên cầu được đổ bằng bê tông, cốt thép có chiều dài trên 40m, rộng 2,5m mà vẫn cảm thấy rờn rợn. Sau 10 năm sử dụng một mặt do tác động của thiên tai, bão lũ, mặt khác do lưu lượng người và phương tiện qua lại đông nên cây cầu đã bị hư hỏng hết sức nghiêm trọng. Mố cầu sụt lún, nhiều cột trụ bê tông gãy đổ, hệ thống lan can bong tróc khiến cho một nửa thân cầu bị oằn xuống, chênh vênh như chiếc võng bắc qua sông. Công trình cầu độc đạo về xóm Hương Yên bị xuống cấp, hư hỏng không chỉ gây khó khăn trong việc đi lại, lao động sản xuất của nhân dân mà đã từng gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc. Điển hình vào mùa lũ năm 2011 nước sông Ngàn Sâu dâng cao đã cuốn trôi nhiều phương tiện tham gia giao thông, tài sản của nhân dân và làm cho một em học sinh lớp 2 bị chết đuối khi đi qua cầu.
Ông Ngô Minh Hóa một người dân ở xóm Hương Yên xã Lộc Yên không dấu nổi lo lắng: Mùa hè này nước sông xuống thấp nên việc đi lại trên cầu không mấy sợ hãi vì chung sống lâu ngày đã thành quen, chứ chỉ ít ngày nữa thôi khi mùa mưa lũ đến nước sông cuồn cuộn dâng cao và chảy xiết thì cả làng tôi không ai dám dũng cảm bước chân qua cầu. Cầu hư hỏng hệ lụy kéo theo là hiện nay việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản, cây keo nguyên liệu và nhiều sản phẩm khác của nhân dân làm ra gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại. Mùa lũ con em đến trường buộc phải ở trọ bên kia sông, còn ngày thường thì các bậc phụ huynh vẫn phải giành một khoảng thời gian nhất định kèm cặp, đưa tiễn các cháu qua cầu. Ông Hóa mong muốn thời gian tới nếu có sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước thì chắc chắn những người dân như chúng tôi ai nấy cũng đều vui mừng, tự nguyện đóng góp thêm ngày công, nguyên vật liệu xây dựng lại cây cầu để thuận lợi hơn trong việc đi lại, lao động, sản xuất.
Sông Ngàn Sâu chảy qua địa bàn xã Lộc Yên có chiều dài gần 10km, với khoảng một nửa dân số ( trên 3.000 nhân khẩu) sinh sống ven bờ. Với vị trí địa lý không mấy thuận lợi những năm qua được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp trên xã đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, trong đó đặc biệt chú trọng các công trình cầu cống, kè chống sạt lở, tu sữa, nâng cấp các trục đường. Tuy nhiên sau nhiều năm đưa vào sử dụng, do những tác động bất lợi của thiên nhiên nên đến nay ngoài công trình cầu bắc qua sông bị hư hỏng nghiêm trọng thì các công trình như: Cầu Cây Nang, đường trục liên xã Lộc Yên- Gia Phố, 3/4 công trình hồ đập phục vụ tưới tiêu… đều đã bị xuống cấp. Ông Trần Đình Lâm- Chủ tịch UBND xã Lộc Yên cho biết: Trước tình hình đó cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng tránh lũ cho nhân dân thời gian qua xã cũng đã huy động bà con đóng góp nhiều ngày công, nguyên vật liệu để tu sữa, nâng cấp các công trình bị hư hỏng. Tuy nhiên trong điều kiện ngân sách địa phương hạn hẹp, địa bàn lại có nhiều đồi núi, sông suối chia cắt nên mọi sự nỗ lực, cố gắng khắc phục vẫn còn mang tính tạm thời đặc biệt đối với những công trình cần số vốn đầu tư lớn.
Thiên tai, bão lũ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, lao động, sản xuất của nhân dân và đã từng gây nên những hậu quả hết sức khó lường. Với người dân vùng rốn lũ xã Lộc Yên huyện Hương Khê mỗi mùa mưa lũ đến cũng là lúc tất cả họ đang phải canh cánh nỗi lo khi mà các công trình hạ tầng giao thông thiết yếu vẫn chưa thể khắc phục, nâng cấp và sữa chữa một cách kịp thời, đồng bộ.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn