Cần có sự công bằng cho phương tiện không tham gia BOT
Năm 2005, tuyến đường tránh TP.Hà Tĩnh được xây dựng với tổng chiều dài 16km, do Tổng công ty MTV hạ tầng Sông Đà làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng theo hình thức BOT.
Trạm thu phí Cầu Rác đang gây nhiều bức xúc cho dân khi họ không tham gia BOT nhưng vẫn phải đóng phí |
Đến tháng 5/2009, công trình hoàn thành, công ty Sông Đà đề xuất được sử dụng trạm Cầu Rác (nằm trên Quốc lộc 1A đặt tại địa phận xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên) thu phí để hoàn vốn đầu tư, từ đó đến nay.
Do nhiều bất cập trong việc thu phí dịch vụ BOT tại Cầu Rác đã khiến dư luận dậy sóng. Các phương tiên ô tô tham gia tuyến đường quốc lộ 1A, yêu cầu nhà đầu tư miễn, giảm giá phí tại trạm Cầu Rác.
Cụ thể, việc công ty Sông Đà sử dụng trạm Cầu Rác nằm trên QL1A để thu phí hoàn vốn cho tuyến BOT nằm cách xa đến hơn 30km đã khiến người dân và doanh nghiệp tại Hà Tĩnh không đồng tình, khi không sử dụng mét đường nào vẫn bị thu tiền, mà phí còn cao so với quãng đường vận hành.
Anh Đặng Ngọc Sơn (TP.Hà Tĩnh) bức xúc: “Tôi thường xuyên vào thị xã Kỳ Anh công tác, dù không đi m2 nào đường tránh thành phố những vẫn è cổ đóng phí BOT. Một ngày, cả đi cả về mất 70 ngàn đồng, 1 tháng đi tong hơn 2 triệu tiền phí. Thật bất công”.
Ông Trần Văn Sỹ, Giám đốc công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh cho biết: “Lộ trình tuyến xe buýt số 01: Bến xe buýt Thạch Quý – đường Nguyễn Công Trứ - đường Hải thượng Lãn Ông - đường Trần Phú - đường Hà Huy Tập – QL 1A – Thị trấn Cẩm Xuyên – QL 1A – Thị trấn Kỳ Anh – QL 1A – Ngã ba vào Cảng Vũng Áng – Cảng Vũng Áng (Kỳ Phương) và ngược lại”.
“Tuyến xe buýt tuyến số 01 của Công ty chúng tôi không đi qua tuyến đường tránh TP. Hà Tĩnh, không sử dụng dịch vụ BOT của Trạm thu phí Cầu Rác, nhưng vẫn phải đóng phí. Tính ra mỗi quý tiêu tốn hơn 100 triệu đồng phí qua trạm này” – ông Sỹ nói.
Văn bản kiến nghị miễn, giảm giá vé qua Cầu Rác của Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh |
Ông Sỹ cũng chỉ rõ, “Đặc thù của xe buýt khi xây dựng phương án giá vé thì không có dịch vụ phí BOT trong đó. Không ai đi làm cái việc giá phí cầu lên mà lại tăng giá vé xe buyt, đây là một sự bất cập cho doanh nghiệp.Kiến nghị nhiều lần nhưng chưa có câu trả lời từ Sông Đà”.
Công ty làm văn bản gửi chủ đầu tư Sông Đà về việc “Xin giảm vé qua trạm thu phí cho phương tiện không sử dụng dịch vụ BOT”.Theo đó, để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp có phương tiện lưu thông qua trạm thu phí Cầu Rác không sử dụng dịch vụ BOT. Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh kính đề nghị Công ty TNHH MTV Hạ Tầng Sông Đà, Trạm thu phí cầu đường bộ Cầu Rác tạo điều kiện cho Công ty chúng tôi được mua vé cho phương tiện qua trạm với giá ưu đãi– ông Sỹ cho biết.
Chủ đầu tư đề đề nghị giảm 50% giá vé!
Ông Trịnh Xuân Phúc, Giám đốc công ty TNHH một thành viên hạ tầng Sông Đà (đơn vị vận hành thu phí tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh) cho biết, việc đặt trạm thu phí tại Cầu Rác được Chính phủ thông qua.
Ông Phúc cho rằng, sở dĩ không đặt trạm thu phí ngay trên tuyến đường BOT vì vướng ở cự ly, tối thiểu là 70km đối với trạm thu phí Bến Thủy theo quy định.
Trạm thu phí Cầu Rác, “phiên bản 2” của BOT Bến Thủy |
“Nếu trạm đặt ở đầu hoặc cuối tuyến đường tránh thành phố chắc chắn xảy ra hiện tượng xe trốn vào các tuyến đường dân sinh để tránh bị thu phí. Việc này không những phá hỏng đường liên xã mà còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông địa phương”, ông Phúc lý giải.
“Quan điểm của riêng tôi, rất ủng hộ việc giảm giá vé qua trạm Cầu Rác. Nhân dân có đồng tình ủng hộ, nhà đầu tư mới kinh doanh thuận lợi. Trong cuộc làm việc với Đoàn giám sát Quốc hội trước đó tại Hà Tĩnh, phía nhầ đầu tư cũng đã kiến nghị về việc giảm giá vé cho tất cả các phương tiện ô tô khi đi qua trạm thu phí” – ông Phúc ý kiến.
Phía Sông Đà, nhiều lần làm tờ trình gửi Bộ GTVT đề nghị được giảm giá vé 50% cho các phương tiện ô tô tham gia khi qua trạm Cầu Rác, nhưng chưa có sự phản hồi từ phía Bộ - ông Phúc nói.
Trạm thu phí Cầu Rác hình thành từ những năm 1980, sau khi công ty Sông Đà tiếp nhận chỉ cần tu sửa là sử dụng được. Còn nếu lập trạm mới thì phải bỏ ra 30 tỉ để xây dựng hạ tầng, ngoài ra còn phải xin thủ tục cấp đất, mất nhiều thời gian.
Ông Phúc cũng thừa nhận việc đặt trạm thu phí tại Cầu Rác vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.