Dự án quy hoạch Khu TĐC Trung Lương giai đoạn 1 được đầu tư để di dời khẩn cấp các hộ dân vùng thường xuyên có nguy cơ thiên tai, lũ lụt được triển khai từ năm 2011, trên diện tích 2,68ha với tổng mức đầu tư gần 24 tỉ đồng, chủ yếu từ ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Khu TĐC tại tổ dân phố Tiên Sơn, phường Trung Lương được quy hoạch 66 lô đất. Hiện tại đã cấp cho 14 hộ dân, còn lại đang để trống hết sức lãng phí.
Dự án quy hoạch gồm đường giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp nước và hệ thống điện thắp sáng và một số công trình phúc lợi khác. Từ năm 2012-2013 đã di dời và cấp đất cho 14 hộ, số còn lại vẫn “bình an vô sự” giữa vùng “cần di dời khẩn cấp”.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án đã bộc lộ nhiều sai phạm mang tính chủ quan, hời hợt, vô trách nhiệm của chính quyền sở tại. Điều này đã tạo nên dư luận không tốt, làm mất niền tin của người dân suốt nhiều năm qua.
Trước hết, đó là việc lập danh sách các hộ dân để tiến hành di dời không phù hợp với thực tế và sai đối tượng. Trong số 66 hộ dân do UBND phường Trung Lương lập lên thì có 15 hộ vùng ngoài đê cạnh QL1A đã có nhà cửa kiên cố, công việc làm ăn ổn định, không có nguy cơ thiên tai và đương nhiên là không có nhu cầu di dời; 22 hộ dân ven sông Minh thì chỉ có 05 hộ bị ngập về mùa mưa lũ; 29 hộ ngoài đê La Giang thôn Tuần Cầu thì 04 hộ đã có đất trong đê và những vùng an toàn.
Bên cạnh đó, hộ ông Trần Văn Ninh và hộ chị Đậu Thị Thuần có tên trong danh sách, muốn được di dời vào TĐC thì “kêu trời không thấu”, sống vật vờ trên mảnh đất đã bị chính quyền thu hồi. Đặc biệt, hộ anh Trần Văn Chung (con ông Trần Văn Ninh - PV) lấy vợ từ năm 2005, tách hộ khẩu từ năm 2010, đã làm nhà ở riêng trong vườn của bà Phạm Thị Tuyết (đã vào TĐC - PV) nhưng không được đưa vào danh sách cần di dời. Hiện tại, ba hộ này đang mắc kẹt tại đây và từng ngày kêu cứu.
Hộ ông Trần Văn Ninh và Trần Văn Chung đang sống tạm bợ trong những túp lều bên bờ sông, hàng ngày phải đối diện với nỗi lo sợ bị chủ đất đuổi đi.
Sai phạm tiếp theo là việc lợi dụng dự án để rao bán đất nền. Trong khi người dân thuộc diện di dời không có đất để ở, phải “sống chui” ngay trong chính ngôi nhà của mình, thì vào tháng 6/2013, UBND phường Trung Lương đã ra thông báo rao bán 22 lô đất nền của dự án TĐC, giá khởi điểm 357-588 triệu đồng. Tuy nhiên vụ việc này đã gặp phải sự phản kháng dữ dội từ người dân nên không thực hiện được.
Một việc làm thiếu tính nhân đạo nữa là đẩy người dân vào cảnh “ăn nhờ ở đậu”, sống “lậu” trên mảnh đất do cha ông để lại. Trong khi chưa cấp đất TĐC cho họ, chưa đánh giá hiện trạng mức độ ảnh hưởng thiên tai để có căn cứ thu hồi đất, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản, buộc người dân tháo dỡ nhà cửa, chặt hạ cây cối để cho doanh nghiệp thuê đất trái phép.
Trớ trêu thay, nhiều lần người dân bị đuổi ra khỏi ngôi nhà của mình, gây tổn thất lớn về vật chất và tinh thần, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Tập trung để tháo gỡ
Trước những bức xúc của người dân và bất bình của dư luận, ngày 15/6/2017, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã có báo cáo số 574/BC-UBND gửi UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh về việc thực hiện di dời các hộ dân vùng ngập lũ vào khu TĐC Dăm Quan, phường Trung Lương.
Theo đó, báo cáo thừa nhận công tác khảo sát, lập danh sách các hộ dân vùng bị ảnh hưởng lũ lụt chưa cụ thể, không phù hợp với thực tiễn và quy định của dự án. Chưa ban hành quyết định thu hồi đất của các hộ dân đã di dời, vì theo quy định phải tổ chức đánh giá mức độ ảnh hưởng thiên tai tại các vùng phải di dời mới có căn cứ để thu hồi.
Báo cáo số 574/BC-UBND của UBND thị xã Hồng Lĩnh về việc thực hiện di dời các hộ dân vùng ngập lũ vào khu TĐC Dăm Quan, phường Trung Lương.
Sau nhiều cuộc họp với Thường trực Thị ủy, Thường trực HĐND thị xã để tìm phương án tháo gỡ, UBND thị xã Hồng Lĩnh kiến nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đánh giá hiện trạng mức độ ảnh hưởng thiên tai để có cơ sở làm căn cứ thu hồi đất.
Xem xét cấp đất ở tại khu TĐC cho 12 hộ gia đình khu vực ngoài đê La Giang (gần cống Trung Lương), đã có hộ khẩu riêng và 04 hộ ven bờ sông Minh. Các lô đất còn lại (36 lô), xin được sử dụng vào mục đích cấp đất tái định cư cho các dự án phúc lợi khác để không lãng phí quỹ đất và phát huy hiệu quả của dự án.
Riêng hộ Trần Văn Chung bị sót trong quá trình lập danh sách nên không nằm trong số 12 hộ gia đình khu vực ngoài đê La Giang được UBND thị xã Hồng Lĩnh đề nghị cấp đất. Vì thế, hiện tại chính quyền địa phương đã có văn bản đề nghị cấp đất bổ sung cho gia đình này.
Được biết Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan xem xét kiến nghị của UBND thị xã Hồng Lĩnh để thống nhất phương án xử lý.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND thị xã Hồng Lĩnh chia sẻ: “Đây là một vấn đề hết sức nan giải, bởi nếu không khó thì không kéo dài đến bây giờ mà đã được giải quyết từ lâu rồi”.