Ngôi nhà cấp 4 nằm lọt sâu trong xóm nhỏ, không khí tang thương vẫn bao trùm hết khung cảnh. Người phụ nữ bước ra đón tiếp chúng tôi với vóc dáng hốc hác, gầy yếu không dấu được cảm xúc mất mát của từng đứa con trong gia đình ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo.
Trong ngôi nhà ảm đạm, chị Nguyễn Thị Lịch (1972) thôn Yên Thắng xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nghẹn ngào: Cuộc sống gia đình trước khó khăn anh chị vào Nam làm ăn và quen biết nhau, đến năm 1994 hai bên gia đình cho kết thành vợ chồng và anh chị đã quyết định về quê nhà sinh sống làm ăn.
Anh chị lần lượt sinh 4 đứa con là Trần Thị Thúy sinh năm 1995, cháu thứ hai là Trần Anh Tuấn sinh năm 1997, cháu thứ ba Trần Hoài Thương sinh năm 2005 và đứa con trai út mà cũng là đứa con cuối anh chị còn lại là bé Trần Nam Phương sinh năm 2007.
Tai họa ập đến bắt đầu lúc chị sinh cháu trai thứ hai Trần Tuấn Anh, vừa sinh chưa đầy năm thì cháu bắt đầu mắc bệnh. Gia đình anh chị đã đưa cháu tới bệnh viện ĐK Đức Thọ (Hà Tĩnh) để điều trị, tại đây các bác sỹ đã chuẩn đoán là cháu có một khối u trong phổi, để chắc chắn và cũng muốn có nơi điều trị tốt hơn, anh chị đã đưa con ra bệnh viện ở tỉnh Nghệ An để điều trị. Khi làm các xét nghiệm cũng như thăm khám toàn bộ, các bác sỹ đã chẩn đoán là cháu bị ung thư phổi. Sau khoảng gần một năm điều trị cháu Tuấn Anh đã có những triệu chứng rụng hết tóc, sau đó bị tràn dịch phổi rồi qua đời năm 1998.
Những ngày sau khi mất mát đứa con trai của mình, vợ chồng anh Châu chị Lịch cố gắng làm ăn bươn chải để nuôi nấng đưa con gái đầu lòng ăn học cho trọn đến nơi đến chốn.
Thấy con gái học hành chăm chỉ anh chị vui mừng, và bàn với nhau sinh thêm cháu. Nhưng chưa đạt như ý muốn thì năm 2005 cô con gái duy nhất còn lại của anh chị lúc này mới 10 tuổi, đi học về bỗng nhiên kêu đau đầu. Anh chị lo lắng đưa con ra bệnh viện ĐK Đức Thọ để khám, rồi được các bác sỹ chẩn đoán là có khối u trong não.
Thấy lo lắng cũng như linh cảm được có điều chẳng lành, anh chị chạy vạy xoay xở tiền bạc rồi lại hì hục mang con ra bệnh viện tại Nghệ An để chữa trị, với hi vọng “còn nước còn tát”. Nhưng lúc ra đến bệnh viện Nghệ An, cháu bắt đầu lên cơn co giật, rồi qua đời ngay trong bệnh viện. Nguyên nhân được các bác sĩ cho biết là cháu bị u não.
Hai mất mát liên tiếp làm cho tinh thần của hai vợ chồng dường như suy sụp hoàn toàn. Nhưng rồi niềm vui cũng mỉm cười với anh chị khi lần lượt hai cháu Trần Hoài Thương và Trần Nam Phương ra đời. Đó giống như một liều thuốc tinh thần lớn để anh chị có động lực để sống tiếp và cũng là một món quà mà ông trời ban tặng lại cho anh chị khi lấy mất đi hai người con của mình.
Cuốc sống gia đình đang đầm ấm, ước muốn của vợ chồng trẻ là làm ăn để có cuộc sống tốt cho các con ăn học bằng bạn bằng bè. Vợ chồng anh chị làm 8 sào ruộng khoán và thêm chăn nuôi. Ngoài công việc đồng áng ra anh Châu còn làm thêm bóc vác để kiếm thêm đồng trang trải cho gia đình.
Những tưởng ông trời chẳng phụ công ai bao giờ, nhưng niềm vui chẳng tày gang tay, hồi cuối năm ngoái, cô con gái thứ 3 của anh chị, cháu Hoài Thương bỗng nhiên chân bị liệt phải đi nhắc nhỏm, chị Lịch cứ tưởng con ngã đâu nên bị vậy, hỏi thì cháu nói không ngã mà tự nhiên bị vậy thôi. Chị đưa con tới bệnh viện ĐK Đức Thọ để chụp phim, tuy nhiên đi chụp hai lần nhưng cũng không phát hiện có vấn đề gì.
Để bớt lo lắng anh chị đưa cháu về nhà đi bốc thuốc lá về cho cháu uống, nhưng vừa uống vào là cháu có biểu hiện nôn tháo ra hết. Lúc này lo lắng quá, anh chị đưa cháu ra bệnh viện ĐK Đức Thọ để kiểm tra lại tổng thể, nhưng ở đây máy móc không đủ anh chị đành cho cháu ra bệnh viện 115 tỉnh Nghệ An để kiểm tra. Tại đây các bác sỹ chẩn đoán cháu có khối u trên não và giờ đã phát triển lớn rồi. Nghe tin như sét đánh bên tai, không ngờ tai họa vẫn chưa thoát khỏi gia đình mình.
Cố gắng nuốt nước mắt vào trong, vay mượn tiền anh em họ hàng xung quanh để đưa con ra Hà Nội điều trị với mong muốn có thể cứu sống được con của mình. Nhưng khi ra tới đây các bác sỹ cũng đã chẩn đoán, cháu bị u não và hiện đã phát triển lớn không thể cho làm xạ trị được, nếu làm xạ trị cháu sẽ ra đi sớm hơn mà thôi, giờ chỉ biết chăm sóc cháu thật tốt để cháu sống được thêm ngày nào hay ngày đó.
Sau hơn một tháng nằm điều trị tại Hà Nội, hai anh chị đành xót xa mang con về điều trị tại nhà. Hàng ngày chỉ dùng những viên thuốc giảm đau để cháu bớt phần đau đớn.
Hai vợ chồng dù làm nông nhưng cũng cố gắng làm ăn để nuôi con, vậy mà phút chốc phát hiện thêm một đứa con lại bị bệnh hiểm nghèo nữa. Hằng ngày chị phải ở nhà chăm sóc cho con, còn một mình anh Châu bươn chải bên ngoài để kiếm tiền nuôi cả nhà và thuốc thang cho con. Dù đã rất cố gắng nhưng ngày 26/6/2014 (ÂL) đứa con thứ ba cũng rời bỏ anh chị mà đi sau 8 tháng về nhà điều trị lúc cháu mới tròn 9 tuổi.
Quặn lòng với đôi vợ chồng nghèo
Hoàn cảnh gia đình làm nông, lại gặp nhiều chuyện chẳng lành gia đình anh Châu chị Lịch lại có 3 con mắc bệnh hiểm nghèo lần lượt ra đi sự bất lực của cha mẹ.
Với 3 đứa con mắc bệnh anh chị đã vay mượn một số tiền rất lớn lên hàng 100 triệu đồng để tìm cách chữa trị cho con. Nhưng căn bệnh quoái ác khiến gia đình anh chị đành “bất lực”. Giờ đây con mất, số tiền nợ lại tăng thêm khiến vợ chồng anh chị lại lao lực công việc nhưng biết đến khi nào anh chị trả nổi?
Nhìn con cái như vậy anh em họ hàng khuyên anh chị và cháu út đi khám xem thế nào. Nhưng khi khám các bác sỹ đều nói hai anh chị bình thường, các cháu bị bệnh đều không phải do gen di truyền. Còn cháu thứ tư cũng đã được anh chị cho đi kiểm tra sức khỏe và kết quả bình thường.
Khi được hỏi về cuộc sống hàng ngày cũng như có điều gì đó khác lạ ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu, mà các cháu đều bị chung một bệnh rồi ra đi đột ngột vậy? Chị Lịch sụt sùi trong nước mắt: Người ta nói ngôi nhà này không ở được. Nguồn nước của gia đình thì bị nhiễm chì, nhiễm sắt nghiêm trọng. Nguồn nước sinh hoạt hàng ngày chị đều phải sang nhà chị gái xách từng xô về dùng. Tháng sau gia đình chắc phải chuyển đi chứ sống trong ngôi nhà này thì không sống được, dù ra ngoài sống trong túp lều chị cũng cam lòng.
Không lo lắng, đau lòng sao được, khi mà các con đều lần lượt bỏ anh chị mà ra đi, điều đáng nói hơn nữa là các em đều mắc chung một căn bệnh. Bây giờ chỉ còn bé út là niềm hi vọng cuối cùng để anh chị có nghị lực sống tiếp.
Là một mất mát quá lớn, để khi một ai bước vào thôn Yên Thắng, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ khi nhắc đến gia đình anh Châu, chị Lịch không ai không khỏi thương xót. Bác Lê Bá Chiu một người hàng xóm của anh Châu cho biết: Gia đình anh chị thuộc diện hộ nghèo của xã, gia đình làm nông nhưng rất chăm chỉ làm ăn, không hiểu sao tai ươm cứ liên tục giáng xuống làm lần lượt cướp đi những đứa con của anh chị. Vì là hàng xóm nên cũng chỉ biết đi lại, thăm hỏi, an ủi gia đình để mong vơi đi bớt phần nào nỗi đau.
Ông Hà một cựu chiến binh và cũng là một hàng xóm thân thiết với gia đình anh Châu nói: Gia đình anh Châu cũng chịu khó, hai vợ chồng luôn bảo ban nhau làm ăn, nhưng vì bệnh tật của con cái bây giờ hoàn cảnh gia đình sa sút, không khí gia đình vì vậy cũng nặng nề hẳn. Chúng tôi cũng chỉ biết thường xuyên sang để an ủi anh chị mà thôi.
Chị Hợi là một người hàng xóm, cũng là một cán bộ xã cho biết: Đây là một gia đình có hoàn cảnh rất thương tâm. Những đứa con lần lượt ra đi khiến cho tinh thần gia đình suy sụp hẳn. Là một hàng xóm cũng mong các nhà hảo tâm có thể đến để giúp đỡ, san sẻ phần nào gánh nặng nợ nần cho anh chị và với bớt đi nỗi đau trong gia đình.
Cũng theo như bà Phạm Thị Lan thôn trưởng thôn Yên Thắng cho biết: Gia đình anh Châu là một gia đình chịu khó làm ăn, nhưng vì con cái bệnh tật nên kinh tế có sa sút. Năm 2014, xóm đã suy xét và cho anh chị thuộc vào diện hộ nghèo. Vào những ngày lễ cũng có một chút quà đến chia sẽ, động viên tinh thần gia đình. Lúc nghe tin cháu bị bệnh cũng như qua đời, xóm cũng như Ủy ban Mặt trận đã đến động viên, thăm hỏi và chia buồn cùng gia đình.
Dù có hoàn cảnh đặc biệt như vậy nhưng đến giờ thì xã Đức Lạc vẫn chưa có một chính sách hay lời kêu gọi nào hỗ trợ cho gia đình anh Châu, chị Lịch.
Báo Đời sống và Tiêu dùng rất mong các nhà hảo tâm thấu hiểu đến hoàn cảnh của gia đình anh chị. Bằng tấm lòng của mình để chia sẽ bớt phần nào nỗi đau một phần gánh nặng kinh tế.
Theo Doãn Đạt – Diễm Phước (Đời sống và Tiêu dùng)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn