Trồng ly - hiệu quả không bằng nuôi bò
Năm 2008, Sở KH&CN phối hợp với Viện KHKT Bắc Trung bộ thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng KHCN xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp tại Hà Tĩnh”. Hoa ly là loại cây nằm trong “top” những loại cây trồng chủ lực của đợt thử nghiệm này. Dự án được thực hiện thí điểm tại xóm Quyết Tiến, xã Thạch Môn, thành phố Hà Tĩnh. Khó có thể diễn tả hết niềm vui của người dân khi dự án được triển khai trên địa bàn.
Mô hình trồng hoa ly thành công tại Trung tâm KH& CN Hà Tĩnh |
“Nhưng trồng hoa mà lại là hoa ly thì quả thật là quá mới mẻ nên đến đoạn chủ tọa yêu cầu xung phong lại chẳng thấy cánh tay nào giơ lên trong cuộc họp. Thế mới lạ!. Chỉ tôi và ông Đặng Ngọc Quang là “liều” giơ tay và trở thành những người đi tiên phong trong phong trào trồng hoa ly trên địa bàn tỉnh. Bây giở nghĩ lại mới thấy dại”, ông Nguyễn Tiến Trình ở xóm Quyết Tiến, xã Thạch Môn nhớ lại.
Sự khởi đầu khá thuận lợi khi năm đầu tiên đưa vào trồng thực nghiệm, nhiều hộ tin rằng cơ hội đổi đời từ loại hoa thuộc hàng quý tộc đã bắt đầu. Trong số 2.900 cây ly (vàng, hồng) năm đầu tiên đạt năng suất 95%. Thế nhưng, đến năm 2009, mọi việc lại trở nên tồi tệ khi 3000 gốc ly xuống giống nhưng chưa đến mùa thu hoạch bổng dưng xuất hiện lá vàng, héo dần rồi thi nhau gục xuống. Hốt hoảng những hộ này kêu cứu cơ quan chức năng tìm biện pháp cứu ly. Thay đất, rồi dùng đủ các loại thuốc hóa chất, đồng thời cách li đưa vào nhà để chăm sóc như “ẵm” trẻ sơ sinh, các nhà khoa học cũng chẳng thể cứu vãn được tình thế. Nhiều cây hoa cứ lặng lẻ rời bỏ chủ nhân như chính tên gọi của nó. Ông Trình lắc đầu ngao ngán
Cũng theo ông Trình thì đến nay dù đã “ngán đến tận cổ” nhưng vì cán bộ xã và cán bộ thành phố cứ “phỉnh” cho có dự án và có phong trào chứ trồng hoa ly lãi nhiều đâu chẳng thấy với tôi cũng chỉ bằng trồng lạc, nuôi lợn chứ hiệu quả không thể bằng nuôi bò. Trung bình mỗi tháng giỏi lắm chỉ được 1 triệu đồng. Đã thế không thể nói hết nỗi khổ của nghề trồng ly. Bởi từ khi xuống giống đến khi thu hoạch rồi đưa đi tiêu thụ là một chặng đường đầy gian nan trắc trở. Mất ăn, mất ngủ rồi những giọt nước mắt lẫn mồ hôi cứ thi nhau nhỏ xuống sau mỗi mùa thất bát.
“Trồng ly theo mô hình dự án giảm chi phí được một nửa còn đỡ, chứ các hộ tự trồng chẳng khác nào đánh bạc với trời. 3 năm vật lộn với cây ly đủ để tôi nhận ra một điều là sức người có hạn khó chống đỡ với thiên nhiên. Nắng thì phun nước. Mưa lo che chắn. Lạnh đốt lửa sưởi, có khi giăng 50-60 bóng điện khiến nhiều người lầm tưởng trong nhà có đám hỷ. Đã vậy giống cũng phải đặt mua từ đầu năm mới có ”, đại tá Đặng Văn Bình ở xóm 8, xã Thạch Lưu (Thạch Hà) trải lòng.
Thất vọng với nghề trồng ly, năm nay, đại tá Đặng Văn Bình đã quay lưng với loại cây này để trồng rau sạch. |
Ở thời điểm hiện tại, theo tìm hiểu của chúng tôi, có 6 cơ sở trồng ly với khoảng hơn 10.000 củ ly mới xuống giống. Có thể thời tiết năm nay “chiều lòng người” và tất nhiên đó là mong mỏi của người trồng ly về một mùa bội thu. Nhưng thử hỏi ngần ấy hoa sẽ tiêu thụ thế nào?. Đó thực sự là một bài toán khó. “Ly nở đúng dịp tết niềm vui chẳng trọn vẹn. Bởi cả nhà thay phiên nhau rong ruổi trên khắp các nẻo đường để bán. Đến ngày 28 cận kề dù hạ giá đến tận sàn cũng chẳng có “ma” nào ngó. Lúc ấy đành vứt lăn vứt lóc ngoài đường”, ông Trình nói sau tiếng thở dài.
… và những trăn trở
Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng KH&CN huyện Thạch Hà Nguyễn Viết Dần nói rằng: “Trồng ly - nghề một vốn 2 lời. Nếu tính chi phí 17.000 đồng/củ giống và trừ tất tần tật các khoản chi phí, sau từ 75-85 ngày kể từ khi xuống giống lãi ròng thấp nhất cũng gấp đôi. Tuy nhiên, khó là đầu tư ban đầu khá tốn kém bởi phải trồng trong khung nhà lại phải bao phủ nilon nên nhiều hộ ngại đầu tư. Tại Thạch Hà, sau 5 năm trồng thử nghiệm chỉ duy nhất năm 2011 là thất bại còn năm nào cũng gặt hái ‘bội thu”. Thất bại có thể là do vấn đề kỹ thuật chăm sóc”.
Trong khi đó những đồng nghiệp của ông lại đưa ra lời phản biện và khuyến cáo là không nên trồng ly bởi mức độ rủi ro là quá lớn. “Khác với Đà Lạt, Sa Pa nghề trồng ly có thể thực hiện được quanh năm, thời tiết Hà Tĩnh thường “đỏng đảnh”, mưa nắng thất thường. Thêm nữa thị trường hàng hóa ở Hà Tĩnh chưa sôi động, bởi vậy, trồng ly luôn lâm vào cảnh “thị trường cần hàng hóa không có. Hàng hóa có thị trường không cần. Trồng ly chỉ có thể tiêu thụ được vào dịp tết với điều kiện hoa nở đúng ngày nếu không coi như công toi. Hơn nữa, kỹ thuật trồng rất khắt khe. Người dân nên trồng hoa cúc hoặc hoa đồng tiền. Có thể không lãi nhiều nhưng đầu ra ổn định và kỹ thuật đơn giản hơn nhiều”, Giám đốc Trung tâm KH&CN Hà Tĩnh Phan Trọng Bình khuyến cáo.
Cho đến nay nghề trồng ly đã “xâm nhập” vào Hà Tĩnh được 5 năm. Tuy nhiên, kết quả thu được đằng sau những nỗ lực cố gắng cũng chỉ ở dạng “năm ăn năm thua”, “may nhờ rủi chịu”, vì quá phụ thuộc vào thiên nhiên. Và rồi, trồng ly - nghề một vốn hai lời chỉ tồn tại ở phương diện lý thuyết, còn trên thực tế mùi thơm quyến rũ của loài hoa thuộc hàng quý tộc chẳng thấy đâu chỉ biết là chủ nhân phải oằn mình trả nợ cho mỗi mùa hoa thất bát.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn