Khi người dân trọng "lâm", khinh "nông".
Sơn Hồng là xã vùng biên, có trên 1.000 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu, chủ yếu làm nghề nông. Toàn xã có 197 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chỉ có 60 ha đất sản xuất được 1 vụ lúa, số diện tích còn lại chủ yếu là đất hoang hóa .Vì vậy, đời sống người dân hết sức khó khăn khi chỉ nhìn vào sản xuất nông nghiệp.
Khi không thể "vin" vào nông nghiệp để có đủ cái ăn, cái mặc người dân đã tìm đến với rừng, vì rừng ở ngay bên cạnh họ. Và quả thật, rừng đã đem lại cho họ một phần kinh tế để đắp đổi qua ngày.
Khi người dân trọng " lâm" , khinh "nông" ( Ảnh chụp vào tháng 2/ 2011) |
Phải thừa nhận rằng, trước đây người dân Sơn Hồng sống chủ yếu dựa vào rừng. Ban đầu họ vào rừng chỉ để chặt nứa, đào măng, bẫy thú, đốn củi… đem về xuôi bán. Rồi khi cái ăn, cái mặc đã tạm ổn, người dân nơi đây đã bắt đầu nghĩ đến việc dựng cho mình những ngôi nhà lớn, thế là họ đua nhau vào rừng để chọn những cây gỗ to nhất, tốt nhất về làm nhà.
Tuy nhiên, số gỗ bị khai thác để phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân địa phương nó chỉ tác động tới một phần rất nhỏ đối với một nơi vốn được xem là đại ngàn này. Thế nhưng, khi những ngôi nhà gỗ lộng lẫy được dựng lên thì cũng là lúc các đầu nậu gỗ đã đánh hơi tìm đến. Cùng với sự xuất hiện của các đầu nậu gỗ là lúc rừng bị "chảy máu"
Cũng kể từ khi các đầu nậu gỗ xuất hiện, người dân nơi đây đã trở thành những đối tượng để các đầu nậu lợi dụng tối đa trong việc triệt phá rừng. Vì hơn ai hết, họ là những người quen thuộc nhất về đường đi lối lại ở nơi mà các tay thu gom gỗ vẫn thường xem là " vàng".
Trong một lần trò chuyện với một người vốn trước đây làm bảo vệ rừng thì được anh này cho biết, tốc độ chặt phá rừng trong mấy năm trở lại đây nhanh bằng mấy chục năm về trước. Trước đây, muốn đốn một cây gỗ về làm nhà có khi mất cả tháng trời mới xong. Nay việc sử dụng cây xăng để cắt, máy tời để kéo thì một cây gỗ bị đốn ngã có khi chưa đầy 15 phút, rồi việc dùng máy tời để đưa gỗ ra khỏi rừng cũng rất dễ dàng, không khó khăn như trước.
Lực lượng trong độ tuổi lao động ở xã Sơn Hồng khá đông, diện tích đất khá rộng, nhưng người dân ở đây hầu như không màng đến trồng trọt. Hầu hết vườn tược, nương rẫy đều bỏ hoang, không sản xuất, chăn nuôi không được chú trọng; lực lượng lao động chính là nam giới thì quanh năm suốt tháng chỉ biết vào rừng làm con thiêu thân cho các tay "lái gỗ"
Mỗi chuyến đi của họ ( người dân khai thác gỗ-PV) ít nhất cũng phải mất 2-3 tháng, thậm chí có khi kéo dài tới cả năm trời. Kết thúc một chuyến đi, họ nhận được một khoản tiền kha khá từ các đầu nậu, rồi nghỉ ở nhà xả hơi sau một chuyến " đánh gỗ" dài ngày. Thế cho nên, với những người này điệp khúc rơi vào cảnh " ráo mồ hôi là hết tiền" xẩy ra liên miên. Và để tiếp tục có "cái để tiêu", họ lại lên đường vào rừng rồi để lại những cây gỗ trơ gốc.
Anh Võ Đình Đ., là đối tượng chuyên đi khai tác gỗ thuê cho các đầu nậu. Công việc vất vả quanh năm nhưng vẫn không nuôi nổi 5 miệng ăn trong gia đình. Để có thời gian đi làm gỗ, toàn bộ diện tích vườn tược của anh đều phải bỏ hoang, không sản xuất, không chăn nuôi.
Tâm sự cùng chúng tôi anh Đ. chia sẻ: " Làm việc vất vả là thế, nhưng đến nay tôi chẳng dành dụm được đồng nào để tích trữ. Nay rừng đã cấm, gia đình tôi cần có ít tiền để phát triển chăn nuôi cũng không biết xoay xở ra sao!"
Từ Sơn Hồng chúng tôi đến tìm hiểu thực tế về cuộc sống của người dân ở một số xã vùng núi của huyện Hương Sơn như: Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Tiến, Sơn Hàm…. Đây là những xã thuộc diện nghèo của huyện, nhưng đời sồng của người dân ở những xã này thì vượt hẳn so với đời sống của bà con ở Sơn Hồng. Vậy, nguyên nhân nào lại tạo nên sự khác biệt đó?. Điều cốt yếu là người dân ở những xã này đã biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên đất sẵn có để phát triển lâm nghiệp theo mô hình vườn rừng. Ngoài ra việc phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại cũng được người dân nơi đây hết sức chú trọng, đây là những việc mà người dân ở Sơn Hồng chưa làm được.
Thiết nghĩ hơn lúc nào hết, giờ đây người dân Sơn Hồng cần phải vượt qua những khó khăn trước mắt để chuyển đổi hướng phát triển kinh tế, phù hợp với từng hộ gia đình .
Những đổi thay ở nơi " thánh địa" gỗ lậu.
Đến với Sơn Hồng hôm nay, ai cũng nhận thấy được một sự đổi rõ nét: Người dân đã ra đồng nhiểu hơn, trong đó chủ yếu là nam giới; Họ đã bắt đầu quan tâm đến sản xuất, trồng trọt và đặc biệt là chăn nuôi, một công việc gắn bó với người nông dân bao đời nay.
Nếu như trước đây số diện tích đất nông nghiệp bị người dân ở đây bỏ hoang chiếm tới 30% thì nay toàn bộ những diện tích đó đã được đã được xốc lại, xới lên để bắt đầu cho những mùa vụ mới.
Anh Nguyễn Văn Minh ở xóm 6 Sơn Hồng cho chúng tôi biết : Hồi xưa, vì lợi ích trước mắt mà người dân Sơn Hồng đi khai thác gỗ lậu cho các đầu nậu. Bây giờ để phát triển lâu dài người dân hầu hết đều chuyển hướng làm ăn. Người thì phát rẫy trồng keo, người thì tập trung đầu tư vào chăn nuôi; một số thanh niên thì đi học nghề, vào Nam tìm kiếm việc làm. Riêng gia đình tôi cũng đã chuyển sang kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa.
Khi không thể vào rừng như trước, gia đình anh Nguyễn Trương Phi và chị Phạm Thị Xuân đã chuẩn bị chuồng trại đầu tư vào nuôi hươu để tìm hướng đi lâu dài |
Trong số những gia đình đã đầu tư để phát triển chăn nuôi ở Sơn Hồng hôm nay thì nổi lên các hộ như: anh Nguyễn Văn Hùng, ở xóm 6; Phạm Văn Quang, ở xóm 5; Nguyễn Đình Thanh, ở xóm 4 và Trần Ngọc Phi ở xóm 5.
Với lợi thế vườn đồi, có thể trồng được nhiều loại cỏ nên anh Nguyễn Văn Hùng đã mạnh dạn đầu tư nuôi hươu, nuôi bò. Hiện nay, gia đình anh đang nuôi 8 con hươu và gần chục con bò nái, ước tính mỗi năm thu nhập từ đàn hươu và đàn bò cũng gần 60 triệu đồng.
Không những chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con, anh Hùng còn vận động các hộ dân nên tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư vào chăn nuôi, tự tạo công ăn việc làm cho mình và không sống dựa vào rừng như trước đây.
Bên cạnh chăn nuôi một số người dân cũng đã mạnh dạn trồng thử nghiệm các loại cây để phát triển kinh tế. Các khu vườn trước đây vốn bỏ hoang nay đã được trồng keo, trồng cam và trồng xoài.…để phủ hết diện tích .
Với diện tích 5 sào vườn trước đây bỏ hoang, nay anh Nguyễn Văn Mậu, ở xóm 8, đã đưa vào trồng keo và trồng các loại cây ăn quả với hy vọng “đất sẽ không phụ lòng người” để trở thành một mô hình phát triễn kinh tế mới.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã, chị Trương Thị Mỹ- PCT Hội nông dân xã chia sẽ: " Nếu như trước đây số hộ nông dân đầu tư vào chăn nuôi chỉ chiếm một phần rất nhỏ thì trong khoảng hai tháng nay những hộ này đã tăng một cách đột biến. Hiện nay toàn xã đã có 5 hộ nuôi hươu với mô hình trên 10 con trở lên. Riêng các hộ nuôi từ một đến vài con thì hiện nay đã phát triển nhiều lắm". Và quả thật những gì chị này nói là không sai, đi dọc đường lớn của xã chúng tôi chứng kiến có rất nhiều hộ dân đang hỳ hục làm chuồng, trại để phát loài vật nuôi vốn là thế mạnh của huyện miền núi này.
Cần có sự phối hợp của các cấp, ngành.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã Sơn Hồng có đến gần 45% hộ nghèo và cận nghèo. Hầu hết những hộ này đều trong tình trạng thiếu vốn để đầu tư vào phát triển kinh tế. Trong đó, đặc biệt nhất là gần 50 hộ dân thuộc xóm 2, xóm 14 và 15 của xã, sống hoàn toàn dựa vào rừng.
Khi rừng bị cấm, họ trở thành những người " thất nghiệp", lạc lõng trong cuộc sống mưu sinh mới. Vậy, để tạo điều kiện cho những đối tượng này phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống thì chỉ có chính quyền địa phương là chưa đủ.
Nói về vấn đề này ông Đoàn Anh Thân, chủ tịch xã Sơn Hồng cho biết: " Hiện tại cuộc sống của người dân nơi đây đang còn rất nhiều khó khăn. Trong đó vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên trong xã là cực kỳ nan giải. Hiện nay ngoài một số đã đi vào Nam kiếm việc làm và đi xuất khẩu lao động thì số còn lại tại địa phương là trên 200 người. Vậy, để tạo điều kiện cho người dân nơi đây sớm ổn định cuộc sống để phát triển kinh tế, và đặc biệt giải quyết việc làm cho lực lượng thanh niên chúng tôi rất cần sự phối hợp của các cấp, ngành. Nếu vấn đề này chỉ có một mình địa phương thôi thì chưa đủ".
Được biết hiện nay chính quyền huyện Hương Sơn đang có kế hoạch mở lớp học nghề tại địa phương cho con em xã Sơn Hồng.
Hy vọng rằng trong tương lai không xa Sơn Hồng sẽ trở thành một xã với những mô hình kinh tế mới, đem lại cuộc sống ổn định cho người dân ở vùng biên giới quốc gia.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn