Hà Tĩnh: Mục sở thị một cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá!

Thứ năm - 08/06/2017 22:46
(Hatinhnews) - Hàng chục héc - ta rừng nguyên sinh trên địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đang bị tàn phá. Nếu tình trạng này không được cơ quan chức năng xử lý thì chẳng bao lâu nữa rừng sẽ thành đồi trọc.

Hương Khê so với các huyện khác của tỉnh Hà Tĩnh là huyện có diện tích và độ che phủ của rừng nguyên sinh lớn. Rừng nguyên sinh tại đây đa dạng và phong phú về chủng loại cây cối, đặc biệt là những dòng cây gỗ quý hiếm như Lim, Sến, Trắc. Mấy năm trở về trước, lợi dụng việc bảo vệ rừng còn buông lỏng, lâm tặc đã thi nhau “xẻ thịt”, tàn phá rừng một cách không thương tiếc. Và cho tới khi tình trạng chặt phá rừng được kiểm soát tốt hơn thì cũng là lúc giá trị tài nguyên rừng vốn có không còn đáng kể.

Từ trung tâm huyện Hương Khê, chúng tôi tìm đến 2 xã Hương Lâm và Hương Liên - địa bàn được xem là nơi xảy ra tình trạng phá rừng tàn khốc nhất. Ghi nhận tại đây, trước mắt chúng tôi là cảnh rừng tan hoang, nhem nhuốc màu than đen, nhiều khu vực lửa cháy ngùn ngụt đang dần "nuốt" rừng.


Cả ngày lẫn đêm, rừng bị chặt phá, đốt cháy. Ảnh:P/V

Những người dân đang trực tiếp "khai phá" rừng tại đây cho biết, họ được một số cá nhân thuê biến rừng thành đất trống cho những dự án trồng rừng mới, trong đó có một số chủ rừng là cán bộ xã Hương Liên.

Ông Nguyễn Trọng T ( xóm 6, Hương Liên) bức xúc nói: " Các chú thấy không, cảnh tượng rừng bị tàn phá tàn khốc quá. Công cuộc tàn phá rừng ở đây chắc không có nơi nào bằng. Chỉ mới đây thôi rừng vẫn phủ màu xanh bạt ngàn, giờ hàng trăm héc - ta bị phá, chỉ còn trơ lại những khoảng trống, trọc… Nhìn mà nhói lòng."

Lợi dụng chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc chuyển đổi rừng nghèo kiệt theo Quyết định số 1686/QĐ-UBND ngày 21-6-2007 sang trồng cây cao su, hàng trăm héc - ta rừng nguyên sinh bỗng chốc bị tàn phá. Chủ trương là đúng đắn song công tác thực hiện việc chuyển đổi rừng tại nhiều địa bàn xã thuộc huyện Hương Khê lại lộ rõ nhiều bất cập. Chính quyền tự tung tự tác, người dân đua nhau tự ý chiếm đất, phá rừng đến mức " hỗn loạn".

Ông Nguyễn Tiến Lành, Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết, số diện tích rừng đang bị đốn hạ thuộc dự án trồng cây cao su, tuy nhiên hiện nay dự án kia đã không còn thực hiện.

" Cách đây hai năm, chúng tôi kết hợp với Cty cao su Hương Khê thực hiện dự án trồng cây cao su tuy nhiên không thành công. Giờ số diện tích kia sẽ được quy hoạch thành rừng keo"- Ông Lành nói.

Qua tìm hiểu được biết, tổng diện tích đất lâm nghiệp sau khi chuyển giao cho xã Hương Liên quản lý là 4.756.752 m2, số diện tích này được tập trung tại Tiểu khu 262; 265. Quá trình thực hiện giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND huyện Hương Khê và Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A tổ chức xác định mốc giới, giao đất tại thực địa cho UBND xã, đồng thời chỉnh lý hồ sơ địa chính cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Tuy nhiên, thủ tục cấp chưa xong thì công cuộc khai phá, chiếm dụng rừng lại xảy ra tràn lan, thiếu sự quản lý. Để " cải tạo" rừng nguyên sinh thành những ngọn đồi trọc, người dân địa phương đã chặt phát, đốn hạ cây cối, bất chấp quy định dùng lửa để đốt cả ngày lẫn đêm, nguy cơ cháy lan không thể kiểm soát là rất cao. Tình trạng này cũng không thấy chính quyền địa phương can thiệp.

Rõ ràng, theo quyết sách chỉ đạo của UBND tỉnh về việc các huyện phải tiến hành rà soát đất đai, xác định cụ thể địa chỉ đất để trồng cây cao su của từng xã tại địa phương. Tuyệt đối không trồng mới các cây lâm nghiệp khác trên đất đã quy hoạch để trồng cây cao su. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các trình tự chuyển đổi đất lâm nghiệp, rừng nghèo kiệt sang trồng cao su theo Thông tư số 58/2009/TT-BNNPTNT, ngày 9-9-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp, thì ở huyện Hương Khê nhiều xã hoàn toàn không tuân theo.

Ông Trần Thanh Hà, PGĐ Cty Cao su Hương Khê cho biết, vì việc ăn chia lợi nhuận giữa tỉnh và Cty chưa thống nhất nên chưa thể triển khai trồng cây cao su được. Dự án trồng cây cao su đổ bể, chính quyền chỉ còn cách " linh động" trong việc trồng keo đối với số diện tích đã giao cho người dân khai phá.

Dường như những trận lũ lụt đã xảy ra vẫn không đủ để các ngành chức năng huyện Hương Khê nhận thức rõ vai trò của rừng. Đây không chỉ là rừng nguyên sinh mà còn là khu rừng phòng hộ với vai trò hết sức đặc biệt trong việc chống sạt lở, lũ quét mỗi mùa mưa. Trước thực trạng này nếu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh không có giải pháp căn cơ thì chắc rằng hệ lụy tai hại sẽ được biết rõ vào mùa mưa sắp tới đây.


Theo
Pháp luật & Xã hội

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây