Sĩ tử mê hẹn hò, bỏ rơi bố mẹ
Hai mẹ con họ quê ở Vĩnh Long lên TP.HCM thi. Nhanh chân có được chỗ trọ trongKTX của trường nên việc đi lại rất thuận tiện. Chỗ trọ sát địa điểm thi nhưng trong buổi con làm thủ tục, bà vẫn đứng trước cổng trường chờ con. Hết giờ, các thí sinh cùng phụ huynh khác lần lượt ra về. Bà chờ mãi, chờ đến những người cuối cùng rời khỏi trường thi vẫn không thấy bóng dáng con đâu.
Sáng sớm hôm sau, khi cổngKTX vừa mở cửa, việc đầu tiên của bà là xuống cổng chờ con. Người mẹ lặng người khi con trở về trên xemột thanh niên lạ mặt, cháu không hỏi mẹ một lời chỉ vội vã lên thay quần áo để kịp giờ thi. Sợ tra khảo lúc đó con ảnh hưởng tâm lý nên bà đành im lặng. Xong ngày thi đầu tiên, cô con gái lại thản nhiên gọi “người tình” quen trên mạng từ lâu mà giờ có dịp gặp mặt đến đón bất chấp lời cầu khẩn của người mẹ.
Như muốn tránh nghĩ đến những chuyện không hay có thể xảy ra khi con mình đi qua đêm với người lạ, bà tự nói với mình: “Trách gì hôm ở nhà nó nhất quyết không chịu cho bố mẹ đưa lên thành phố thi. Nó quen nhiều bạn trên mạng lắm”.
Trường hợp của chú T, có con thi vào một trường ĐH ở TPHCM xót xa không kém. Ngọc, cô con gái của chú đi luyện thi ở thành phố cả tháng nay, đến ngày thi chú vẫn cố thu xếp lên để động viên con. Tưởng rằng sẽ đến ở cùng chỗ con trọ cho tiện nhưng cô con gái không chịu, chú phải lủi thủi thuê trọ một mình. Muốn gặp con thì trước các buổi thi chú T phải đến trước cổng trường đứng chờ.
Thông qua một người bạn của con, chú T mới biết con mình từ khi lên ôn thi đã đến ở trọ cùng người bạn trai cùng quê, đang là sinh viên trên này. Người cha lẳng lặng, nghẹn ngào đành khăn gói đồ đạc về trước vì chú sợ mình ở lại, nóng giận lên sẽ không bình tĩnh được nữa.
Hiểm họa khó lường
Không ít sĩ tử lên thành phố dự thi cũng là dịp tranh thủ để gặp gỡ trực tiếp những người mình quen qua chát, qua mạng xã hội từ trước. Việc tìm cách liên lạc, gặp gỡ bạn bè trong dịp này của sĩ tử không hề hiếm.
Nguyễn Anh Tuấn, thi vào trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết, cậu có rất nhiều người bạn cả nam lẫn nữ quen qua mạng đang sống ở thành phố. Biết cậu đi thi, có người hẹn gặp mặt, hứa giúp đỡ này nọ. “Tuy nhiên, mình lên thi có 3 ngày lại đi cùng bố nên mình từ chối, hẹn các bạn ấy vào dịp khác. Sau này thi đỗ gặp cho thảnh thơi”, Tuấn nói.
Nhưng không phải ai cũng suy nghĩ được như Tuấn. Tuấn kể, cậu bạn học cùng với mình lên thi xách theo một lịch gặp gỡ dày đặc với các bạn gái quen qua chát. Gặp cô nào xong cũng gọi điện khoe rối rít là đang đi đây đi đó.
Tuấn cho hay: “Cuối cùng cậu ta chỉ thi mỗi môn đầu tiên rồi bỏ luôn vì ham hẹn hò quá. Chưa kể, cậu ta còn gọi điện về nhà xin thêm tiền vì mấy triệu bố mẹ cho mang lên thành phố đã sạch bách. Thi xong mọi người về, anh chàng vẫn tiếp tục ở lại, nghe đâu “kết” nhỏ nào đó từ Ninh Thuận cũng vào đây đi thi mất rồi”.
Đợt thi vừa rồi, một nữ sinh ở Nam Định lên Hà Nội thi được một anh bạn quen qua chat rủ về chỗ trọ mình nghỉ ngơi. Kết quả, cô gái không những bị hãm hại cướp đi đời con gái mà còn bị “anh bạn tốt bụng” này “cuỗm” hai 2 triệu đồng hành trang đi thi. Kẻ “lừa tình cướp tiền” nhanh chóng bị bắt nhưng hậu quả nữ sinh phải gánh cũng không vì thế mà vơi bớt.
Việc sĩ tử lên thành phố ham hố gặp những người bạn quen chứ chưa từng gặp mặt chứa rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn mà với sự cả tin, chủ quan, họ không lường hết được. Nhất là việc sĩ tử đặt niềm tin vào những người bạn quen qua mạng sẵn sàng nhận sự “giúp đỡ” nhiệt tình của người lạ có thể phải gánh hậu quả đau lòng khi thiếu kỹ năng cảnh giác, bảo vệ cần thiết cho mình.
Theo Dân trí
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn