Tự ý “trích” thóc của dân

 

Báo Lao Động & Đời sống nhận được đơn có chữ ký của 65 hộ dân thôn Đại Lợi phản ánh việc năm 2014, trong phần thanh toán sản phẩm, HTX Yên Liên có “vay” mỗi sào ruộng 6kg thóc, hứa năm sau sẽ trả, nhưng đến nay không chịu trả. Vì vậy, dân làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng “can thiệp” đòi thóc.

Nguồn cơn của sự việc, theo ông Nguyễn Viết Huệ - trưởng thôn Đại Lợi - là: “Theo Nghị định 154 của Chính phủ, từ năm 2008, tất cả đất sản xuất nông nghiệp, kể cả đất 5%, đều được miễn thủy lợi phí. Do tự tạo được nguồn nước, mỗi sào ruộng của dân xã Đức Yên được cấp 20kg thóc/năm. Số thóc này đã được UBND huyện Đức Thọ cấp về cho HTX. Tại xã Đức Yên có hai HTX là Yên Long và Yên Liên. Trong khi HTX Yên Long rất sòng phẳng trả lại thóc cho dân thì HTX Yên Liên chỉ trả lại cho mỗi sào ruộng 14kg, để lại 6kg không thông qua dân”.

Đến năm 2013, người dân biết được sự việc này, yêu cầu trả lại thì Ban quản lý HTX Yên Liên mới mở lời “xin” số thóc này của dân. Một số hộ dân không cho, HTX này xin “nợ” đến 2015 sẽ trả, nhưng đến kì thanh toán vẫn không thấy trả.

Ông Nguyễn Viết Huệ nói: “Toàn bộ diện tích ruộng của HTX Yên Long là 1.400 sào, mỗi sào bị bớt lại 6kg thóc trong 7 năm (từ 2008 - 2014), tính ra khoảng gần 59 tấn thóc, không biết sử dụng vào việc gì”.

Phải trả lại cho dân

Chúng tôi gọi điện cho ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ nhiệm HTX Yên Liên - liên hệ làm việc, ông Hải trả lời là “đang đi vắng”, nhưng khi đến nhà vẫn gặp. Ông Hải lại yêu cầu chúng tôi phải liên hệ với chính quyền thì ông mới làm việc.

Không làm việc được với ông Chủ nhiệm HTX, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Đức - Bí thư Đảng ủy xã Đức Yên. Ông Đức cho hay đã nhận được đơn kiến nghị của các xã viên HTX Yên Liên về việc đòi lại 6kg thóc thủy lợi phí. Theo ông Đức, sau khi nhận được đơn của dân, Đảng ủy đã yêu cầu HTX Yên Liên báo cáo. Theo đó, từ năm 2008, HTX đã phổ biến Nghị định 154 và trong hội nghị mở rộng (gồm BQL HTX và các thôn trưởng) đề xuất xin trích lại 6kg/sào để làm các công trình phúc lợi.

“Đó là nghe báo cáo cáo thế, chứ văn bản còn lưu lại được hay không thì không biết”, ông Đức nói. Ông Đức cũng thừa nhận việc không thông qua dân mà tự trích lại như trên là sai.

“Đúng ra thì chế độ của dân cứ trả sòng phẳng cho dân, muốn làm công trình gì thì thông qua dân để đóng góp, như vậy sẽ không có vấn đề gì”, ông Đức nói. Chúng tôi đặt nghi vấn Ban quản lý HTX Yên Liên lợi dụng việc người dân không biết chính sách của Nhà nước nên đã “nhập nhèm” 6kg thóc/sào trong nhiều năm trời, ông Đức đồng tình và nói: “Ngay cả tôi là cán bộ xã mà cũng không biết có nghị định như thế”.

Mặc dù Ban quản lý HTX Yên Liên báo cáo với lãnh đạo xã là từ năm 2008 đã phổ biến chủ trương trích lại 6k thóc/sào, nhưng ông Nguyễn Viết Huệ nói: “Tôi là thôn trưởng từ hàng chục năm nay, nhưng không hề biết chính sách mỗi sào được hỗ trợ 20kg thóc. Năm đó, BQL HTX có phổ biến mỗi sào được hỗ trợ 14kg. Nếu biết rồi thì làm gì có chuyện dân bây giờ làm đơn đòi”.

“Chế độ hỗ trợ của Nhà nước thì dân được hưởng. Nếu hộ dân nào không đồng ý cho thì HTX phải trả lại”, ông Nguyễn Đình Đức - Bí thư Đảng ủy xã Đức Yên - khẳng định.