Anh Lĩnh, chị Hương thu hoạch chè |
Anh Nguyễn Tiến Trình, phụ trách kinh tế của Tổng đội TNXP Tây Sơn cho biết: Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, tổng đội đã thu hút được 187 gia đình đội viên với 568 nhân khẩu ở các huyện miền xuôi Hà Tĩnh lên lập nghiệp ở vùng biên phía tây của tỉnh. Từ vùng rừng núi hoang vu, đi lại cực kỳ khó khăn, đến nay, Tổng đội đã tạo dựng được một cơ ngơi khá đàng hoàng về hạ tầng kỹ thuật với hàng chục km đường liên huyện, liên thôn cùng hệ thống điện đến từng nhà dân… trên cơ sở lồng ghép các chương trình dự án của TƯ Đoàn và tỉnh Hà Tĩnh. Điều đáng nói, hầu hết các gia đình đội viên thanh niên khi lên vùng kinh tế này đều hai bàn tay trắng, nhưng nhờ cần cù, chụi khó làm ăn, nên đã nhanh chóng phát huy thế mạnh về đất rừng. Đến nay, các hộ đội viên đã khai hoang, trồng mới 130 ha chè, 700 ha cây keo, cùng nhiều mô hình kinh tế trang trại và gia trại. Bước đầu, giải quyết việc làm cho gần 600 lao động thường xuyên và thời vụ. Cuộc sống nơi biên giới này đã dần ổn định một cách vững chắc, khi bình quân mỗi hộ đội viên có ít nhất 5.000 m2 chè cho thu hoạch thường xuyên từ 200-300 nghìn đồng/ngày, 5-10 ha keo, vài ba ha cây ăn quả cùng đàn gia súc, gia cầm với số lượng không nhỏ. Đến nay 100% số hộ đội viên đã có xe máy, tivi, ngói hoá nhà ở… và thu nhập bình quân từ 20-30 triệu đồng/ người/năm. Nhiều gia đình hội viên như Phan Ngọc Tuấn, Đào Viết Kỷ, Nguyễn Chí Cường, Đặng quang Bảo, Nguyễn Trinh Khoa…cho thu nhập khoảng 80-120 triệu đồng/năm từ kinh tế trang trại và chăn nuôi.
Chúng tôi có dịp ghé trang trại của hộ đội viên Nguyễn Hoài Nam (SN 1981) và Nguyễn Thị Hương (SN 1986). Đây được xem là trang trại mẫu trong vùng Tây Sơn này, bởi từ năm 2004 lại nay, hộ anh Nam đã gây dựng được hai ha chè, cây ăn quả cùng trang trại thường xuyên có khoảng 100 con lợn rừng, 8 con hươu…, cho thu nhập ổn định 150-200 triệu đồng/năm. Cách đấy không xa là trang trại của hộ đội viên Nguyễn Viết Lĩnh (SN 1977) và Đặng Thị Hương (SN 1979). Hai vợ chồng anh Lĩnh từ Tùng Lộc (huyện Can Lộc) cùng cậu con trai một tháng tuổi lên tham gia tổng đội từ năm 2007. Anh Lĩnh tâm sự: “Tôi đạp xe hơn 70 km từ quê lên thăm tổng đội, thấy đất đai bát ngát mà mê…rồi về bàn với vợ lên lập nghiệp. Ngày đầu, đường xá đi lại cực kỳ khó khăn, xung quanh toàn là rừng xanh, vắt xanh…buồn thấu ruột. Nhưng vợ chồng tự động viên, họ làm được, mình làm được, lại được tổng đội tận tình giúp đỡ cây con giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng chè nên cuối năm 2008, vợ chống tôi đã thu hoạch bói hơn nửa ha chè”. Sau 5 năm chăm chỉ làm ăn ở vùng đất mới, gia đình anh Lĩnh đã có cuộc sống khá ổn định, khi xây được nhà, mua xe máy, thu nhập từ chè, chăn nuôi bình quân 4-5 triệu đồng/ tháng, chưa kể 5 ha keo ba năm tuổi cùng đàn trâu, bò gần chục con…
Mô hình nuôi lợn rừng của trang trại anh Hoài Nam |
Chị Võ Thị Thu Hằng, cán bộ kỹ thuật của Tổng đội TNXP Tây Sơn khoe: Được sự gúp sức của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Tổng đội đã năng động ký kết với Tập đoàn CP (Thái Lan) chi nhánh Hà Nội xây dựng Đề án phát triển lợn siêu nạc, quy mô 5.000 con/lứa. Hiện, Tổng đội đã thành lập được hai HTX chăn nuôi và đang gấp rút xây dựng 10 dãy chuồng, phấn đấu đến tháng 7 tới là thả lứa lợn đầu tiên. Đồng thời, Tổng đội cũng đã giúp các gia đình hội viên ký liên kết với Công ty Cao su Hà Tĩnh trồng 500 ha cao su, trong đó năm 2012 trồng thí điểm 50 ha đầu tiên… Ngoài ra, Tổng đội đang tập trung xây dựng nhà máy chế biến chè (công suất 3,5 tấn/ngày) với số vốn hơn 4 tỷ đồng do UBND tỉnh Hà Tĩnh và TƯ Đoàn hỗ trợ. Tháng 7 này, dây chuyền này đi vào hoạt động, tạo điều kiện giúp các đội viên chủ động trong khâu thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm…
Không chỉ tạo điểm nhấn phát triển kinh tế, xã hội mà Tổng đội TNXP Tây Sơn đã giúp người dân trên địa bàn ở vùng biên giới này từ chỗ vẫn quen sống phụ thuộc vào rừng sang phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi, sản xuất theo hướng hàng hoá, góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng. Ý thức bảo vệ rừng của người dân trong vùng được cải thiện rõ rệt… Tổng đội TNXP Tây Sơn đã góp phần tạo điểm tựa phát triển vững chắc một vùng vùng biên cương phía Tây Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, con đường phát triển của đon vị còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước mà theo anh Nguyễn Tiến Trình, phụ trách kinh tế của Tổng đội TNXP Tây Sơn cho biết: Sau gần 10 năm hoạt động, các mô hình kinh tế trang trại, gia trại của các đội viên đều phát triển ổn định, đúng hướng và bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao, nhất là mô hình cây chè, chăn nuôi… đề nghị các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần theo sát, hỗ trợ thêm nguồn vốn để Tổng đội có thể mở rộng thêm diện tích cây chè gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm đồng thời, phát triển tổng đàn hươu, lợn, trâu bò…Các địa phương Sơn Tây, Sơn Kim 2 cùng huyện Hương Sơn cần sớm quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường, chợ, trường học…) theo chương trình nông thôn mới gắn với sự phát triển của Tổng đội TNXP Tây Sơn. Với nguồn quỹ đất lớn và mô hình liên doanh liên kết phát triển kinh tế, xã hội khá hợp lý, Tổng đội TNXP Tây Sơn cần có quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chuẩn hình thành một xã (mới) trong tương lai gần…
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn