“Tôi năm nay cũng gần đất xa trời, không thiết cái gì cả. Nhưng thấy cảnh đất bãi bồi bên sông bị hàng trăm lượt chiếc xe tải chở đi nơi khác cũng xót xa lắm... Họ múc sâu đến gần chục mét, rộng hàng trăm mét vuông cách chân đê không xa, đến mùa mưa lũ thì có đảm bảo cho đê hay không. Hay lại bắt dân chúng tôi làm công lấy đất chỗ khác để lấp xuống hố đất sâu rộng như thế?” – đó là lời bức xúc của một người dân khi trao đổi với phóng viên về sự việc trên.
UBND xã Cộng Hoà cho doanh nghiệp khai thác đất pha cát ở bờ sông để đắp đê...
Được Chủ tịch UBND xã phân công cung cấp thông tin với phóng viên, Nguyễn Hữu Minh - cán bộ địa chính UBND xã Cộng Hòa cho biết: Dự án cải tạo, nâng cấp đê điều là chủ trương Nhà nước cho xây dựng, cải tạo khoảng 4,5 km chạy qua địa phận xã Cộng Hòa. Trong quá trình đó, đơn vị thông có đề nghị với UBND xã, tạo điều kiện về khai thác đất đai để phục vụ đắp đê. Trước đề nghị trên, xã đã giao cho một doanh nghiệp trên địa bàn là Công ty Yêu Việt để khai thác đất từ bãi bồi sông Luộc, vận chuyển vào phục vụ dự án.
“Thời điểm đó tôi ốm nên ở nhà, xã giao cho người khác phụ trách, đến khi tôi đi làm trở lại thì việc đã rồi. Tôi được biế, chủ trương lấy đất cho dự án cải tạo đê được thông qua tại một cuộc họp, chứ không thể hiện kế hoạch, quyết định… bằng văn bản. Kinh phí nộp về UBND xã bao nhiêu tôi cũng không nắm được”, ông Minh cho biết.
Cũng theo ông Minh, không chỉ đất ở bãi bồi được khai thác mà UBND xã còn “tạo điều kiện” để doanh nghiệp lấy khối lượng đất từ việc đào hố chôn rác rộng 3.000m2 của xã đem đi nơi khác”. Theo tìm hiểu, hố rác này được quy hoạch là hố rác chôn lấp, nghĩa là đất đào ra phải giữ nguyên để sau này sử dụng để chôn lấp rác.
Ông Phạm Hữu Minh, cán bộ địa chính xã Cộng Hòa trao đổi với phóng viên
“Việc đặt hố rác ở bãi bồi ven sông, rồi mang đất đào được mang đi nơi khác, không biết rồi đến mùa nước lũ, hàng ngàn tấn rác ‘lộ thiên’ như bây giờ sẽ trôi về đâu, dân chúng tôi sẽ phải chịu ảnh hưởng của ô nhiễm như thế nào”, một người dân băn khoăn.
Trở lại câu chuyện doanh nghiệp khai thác đất đem đi nơi khác, vị cán bộ địa chính xã cũng thừa nhận: “Mục đích là vậy, nhưng chuyện chở 10 xe thì 5 xe vào đắp đê, 5 xe bán ra ngoài là có vì anh cứ tính toán mà xem. Bán ở ngoài được mỗi xe 20.000đ – 30.000đ, đắp vào đê ví dụ chỉ 15.000 đồng thì tội gì mà không bán”.
Cũng theo ông Minh, UBND xã bán đất cho doanh nghiệp và thu về một khoản tiền nhất định, việc mua bán, quyết toán, thu chi, kế hoạch, khối lượng đất… như thế nào thì ông Minh không hề nắm được. Là cán bộ địa chính, nhưng ông Minh không được thông qua cụ thể bằng văn bản, không được giám sát quỹ đất mà trực tiếp lãnh đạo xã “trao quyền” cho doanh nghiệp múc đất đắp đê rồi đem đi bán.
Ghi nhận thực tế tại bãi đất ven sông Luộc qua địa phận xã Cộng Hòa cho thấy, một khối lượng đất đã bị đào xới, nhiều hố rộng như những cái ao lớn, sâu gần quá đầu người. Điều đáng nói, đất được lấy ngay cạnh bờ sông, phía trên là hoa màu như ngô, chuối, lạc… của dân đang canh tác. Đất cạnh bờ sông là đất pha cát, tỉ lệ cát nhiều hơn đất. Vậy chủ thi công dùng loại đất này để đắp đê, người dân xã Cộng Hòa lo ngại rằng liệu việc thi công đê có đúng và đảm bảo được chất lượng, an toàn đê điều nhất là vào mùa mưa bão?
Được biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, UBND huyện Hưng Hà đã kiểm tra và yêu cầu dừng ngay hoạt động múc đất ở bờ sông tránh gây sạt lở, vào diện tích bãi bồi mà lâu nay người dân đang từng ngày “giữ đất” để canh tác hoa màu.
Trao đổi nhanh với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết, địa phương có kế hoạch tạo điều kiện cho doanh nghiệp múc đất để thi công, san lấp mặt đê và xác nhận việc có doanh nghiệp tư nhân này có “trộm” đất để bán ra ngoài.
“Về việc này doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi xã nghiệm thu khối lượng”, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết.
Đất đai là tài nguyên của quốc gia, là sở hữu chung của toàn dân và được giao cho Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật, mọi hành vi vi phạm về khai thác, sử dụng đất đai phải được làm rõ và xử lý nghiêm. Đối với sự việc xảy ra ở xã Công Hòa, với sự vào cuộc của UBND huyện Hưng Hà, tình trạng khai thác đất đã được dừng lại, nhưng trên thực tế, hàng ngàn m3 đất đã bị khai thác, điều khiến dư luận bức xúc hiện nay là chưa có cá nhân, tập thể nào đứng ra nhận trách nhiệm về những vi phạm đó?
Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn