Năm 2005 bà Lê Thị Phượng được bà Nguyễn Thị Tĩnh, nhân viên Công ty Rau quả Hà Tĩnh, chuyển nhượng đất rừng ghi trong hợp đồng kinh tế số: 29/HĐKT.VN khoán đất trồng - chăm sóc - bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn ký ngày 10-1-2005 của Công ty Rau quả Hà Tĩnh, với diện tích 11ha tại lô - khoảnh 1PK1, tiểu khu 389A, vùng gần trại chị Minh, xã Kỳ Liên. Thời gian thực hiện hợp đồng từ đầu tháng 1-2005 đến hết tháng 1-2045.
Cũng vào thời điểm đó bà Lê Thị Phượng được bà Lê Thị Nga, nhân viên Công ty Rau quả Hà Tĩnh chuyển nhượng thửa đất trồng rừng được Công ty Rau quả Hà Tĩnh giao tại hợp đồng kinh tế số: 54/HĐKT.VN: khoán đất - trồng - chăm sóc - bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, ký ngày: 10-1-2005 của Công ty Rau quả Hà Tĩnh, với diện tích 8,5ha tại lô: 6 + 7A + 8A - khoảnh 1PK1 - tiểu khu 389A vùng xã Kỳ Liên, thời gian thực hiện hợp đồng từ đầu tháng 1-2005 đến hết tháng 1-2045.
Bà Lê Thị Phượng bức xúc trước rừng trồng bị tàn phá. Ảnh: Trần Đình. |
Ngay sau khi nhận chuyển nhượng đất và ký hợp đồng với Công ty Rau quả Hà Tĩnh (hộ gia đình tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng) từ đầu năm 2005, gia đình bà Lê Thị Phượng đã vay vốn ngân hàng, thu mướn nhân công, tạo việc làm cho nhiều hộ dân trong xã để cải tạo đất trồng rừng. Sau nhiều năm đầu tư công sức và tiền của, gia đình bà Lê Thị Phượng đã biến gần 20ha đất trống đồi trọc thành một rừng cây xanh tốt tạo ra một môi trường sinh thái của rừng phòng hộ cho cả một khu vực mà gia đình bà chưa hề thu hoạch một đồng nào. Công sức, tiền của của gia đình bà Lê Thị Phượng bỏ ra đã được bà con chòm xóm hết sức ca ngợi, được Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hà Tĩnh nêu gương là hộ điển hình trồng rừng giỏi của huyện Kỳ Anh.
Giữa lúc niềm vui lớn đang tràn ngập gia đình bà Lê Thị Phượng và bà con nghèo xã Kỳ Liên khi nhìn thấy tiền của mồ hôi nước mắt của họ bỏ ra gần 4000 ngày đã được thiên nhiên đền đáp, thì bỗng dưng sáng ngày 10-10-2013 nhiều người lạ cùng với máy xúc máy ủi được nhiều lực lượng của huyện Kỳ Anh bảo vệ ngang nhiên chặt phá cây rừng, san ủi đất mở đường để chuẩn bị khai thác mỏ đá nằm dưới rừng phòng hộ của gia đình bà Lê Thị Phượng đã trồng và chăm sóc từ nhiều năm nay.
Chính quyền địa phương đã tiếp tay?
Một câu hỏi lớn đặt ra là vì sao Công ty CP Việt Gia - Songhui có thể đưa người và phương tiện ngang nhiên tàn phá rừng trồng hợp pháp của gia đình bà Lê Thị Phượng? Giấy phép khai thác đá tại khu vực núi Đá Mài xã Kỳ Liên mà UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp cho Công ty Việt Gia - Songhui là đúng hay sai? Phải chăng là có "lợi ích nhóm", có sự khuất tất về vấn đề kinh tế?
Tìm hiểu thực tế tại địa phương, chúng tôi được biết, ngày 8-10-2010 ông Phạm Khắc Dạ, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh ký văn bản số 769/UBND - TNMTVN đề nghị thu hồi và cho thuê đất khai thác chế biến VL-XD tại mỏ đá khu núi Đá Mài, xã Kỳ Liên của Công ty CP Việt Gia - Songhui.
Ngày 8-4-2011 ông Lê Đình Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký quyết định số 1195/QĐ/UBNDVN thu hồi đất, giao đất. Điều 1 quyết định ghi: Thu hồi 83.886,2m2 đất tại khu vực núi Đá Mài, xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh để cho Công ty CP Việt Gia - Songhui thuê lại đất để khai thác đá…
Như vậy, thời gian ban hành hai quyết định thu hồi đất cho thuê lại đất để khai thác mỏ đá, một của UBND huyện Kỳ Anh là ngày 8-10-2010, một của UBND tỉnh Hà Tĩnh là ngày 8-4-2011.
Nhưng trước đó ngày 11-11-2009 ông Võ Kim Cự, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký cấp Giấy phép khai thác khoáng sản Vật liệu xây dựng thông thường số 3567/GP-UBND cho Công ty CP Việt Gia - Songhui. Điều 1 của giấy phép này ghi rõ: Cho phép Công ty CP Việt Gia - Songhui được khai thác mỏ đá xây dựng tại núi Đá Mài thuộc thôn Hoành Nam, xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Qua diễn biến thời gian của hai quyết định thu hồi đất và giấy phép khai thác mỏ đá nêu trên, dư luận không thể không đặt ra một câu hỏi lớn: Vì sao Công ty CP Việt Gia - Songhui có được giấy phép khai thác đá tại núi Đá Mài khi huyện Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh chưa ban hành quyết định thu hồi đất.
Đến ngày 10-10-2013 Công ty CP Việt Gia - Songhui đã ngang nhiên đưa người, phương tiện chặt phá cây, san ủi đường trên rừng trồng của gia đình bà Lê Thị Phượng tại khoảnh 1, tiểu khu 389A xã Kỳ Liên. Trong khi Quyết định trả đất 83.886,2km2 của Công ty cổ phần nông sản Hà Tĩnh cho huyện Kỳ Anh cho tỉnh Hà Tĩnh lại nằm ở khoảnh 2 tiểu khu 389A?
Trước những việc làm sai trái nghiêm trọng của một số cán bộ ở UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Kỳ Anh, đề nghị các nhà lãnh đạo, các cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra xác minh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và xử lý nghiêm khắc những cán bộ vi phạm pháp luật.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn