Trước đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi vừa ký quyết định cho phép đầu tư 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15 tỷ đồng lấy từ ngân sách. Quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho một nhà vệ sinh nhằm mục tiêu xây dựng bổ sung nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, văn minh, sạch đẹp, có hình thức kiến trúc phù hợp với cảnh quan khu vực công cộng, nơi tập trung đông người, phục vụ cộng đồng dân cư và khách vãng lai.
Cụ thể, 14 nhà vệ sinh công cộng trên được làm bằng thép, trong đó loại 2 buồng gồm 10 nhà; loại 4 buồng gồm 4 nhà. Tổng mức đầu tư cho 14 nhà vệ sinh này dự kiến 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố; thời gian xây dựng từ nay đến năm 2014 sẽ hoàn thành.
Trong buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức ngày 19/11, ông Hoàng Nam Sơn Phó Giám đốc Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội cho biết, dự toán kinh phí trên được lấy từ thông báo giá của nhà cung cấp có giá thấp nhất và đó chỉ là tạm tính, khái toán, ước lệ chứ chưa chính thức.
Theo ông Sơn đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt. Trong năm 2014 vẫn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư chứ chưa được thực hiện. Năm 2015 cũng chưa biết được thực hiện hay không. Ngoài ra, ông Sơn cho biết, trước đó Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội đã đầu tư hơn 10 nhà vệ sinh bằng thép với mức giá 900 triệu đồng/cái/4 buồng và 700 triệu đồng/cái/2 buồng.
Cũng tại buổi giao ban, ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Ban Duy tu (Sở Xây dựng) được giao quản lý 72 nhà vệ sinh bằng thép và 90% nhà vệ sinh hoạt động hiệu quả. Để minh chứng điều này ông Dục dẫn chứng hàng loạt nhà vệ sinh ở một số điểm hoạt công năng suất rất cao ở bến trung chuyển xe buýt Long Biên, có đến 500 lượt người sử dụng nhà vệ sinh bằng thép mỗi ngày.
Hàng loạt đơn vị muốn xây nhà vệ sinh
Ông Sơn cho biết, chỉ với đề nghị của 4 quận, huyện số nhà vệ sinh bằng thép được đề xuất lắp đặt đã lên tới gần 50 cái. Theo Sơn, tháng 4/2013 Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội có công văn gửi đến các quận, huyện, thị xã để xác định nhu cầu, số lượng và địa điểm, vị trí cụ thể cần lắp đặt nhà vệ sinh công cộng.
Sau đó, nhiều quận, huyện đã gửi đề xuất lắp đặt nhà vệ sinh bằng thép tại địa phương của mình, trong đó có cả những vị trí không khả thi vì nằm trong khu vực các di tích lịch sử. Trong đó, quận Long Biên đề xuất lắp đặt 2 nhà vệ sinh bằng thép, quận Ba Đình đề xuất 5 cái, huyện Đông Anh đề nghị lắp đặt 20 cái, quận Cầu Giấy đề xuất lắp đặt 22 cái…
Phó Giám đốc Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội cho biết, từ đề xuất của các đơn vị sẽ tiến hành khảo sát sau đó mới chọn địa điểm lắp đặt để kiến nghị thành phố cho phép đầu tư. “Nhiều vị trí lắp đặt nhà vệ sinh bằng thẹp không được quy hoạch mà chỉ mang tính chất xử lý tình thế”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, theo ông Sơn với nhà vệ sinh bằng thép nếu vị trí nào sử dụng không hiệu quả, không phù hợp có thể di chuyển đến vị trí khác mà không phải chi phí nhiều.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, từ nay đến 2030, các khu vực nội thành (vành đai 3 trở vào) nhu cầu 350 nhà vệ sinh. Hiện thành phố đã có 270 nhà vệ sinh nên khu vực nào cần thiết thì đầu tư. Thành phố đang có 4 đơn vị quản lý các nhà vệ sinh và đều là công ty nhà nước. Thành phố cũng chỉ thu phí nhà vệ sinh bằng thép và nhà vệ sinh công cộng tại nhà ga, còn lại là miễn phí. Mỗi năm thành phố hỗ trợ tổng cộng khoảng 6 tỷ cho việc duy trì các nhà vệ sinh công cộng.
Theo Quang Phong dantri.com.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn