Chủ đề chính của cuộc trò chuyện giữa “GS Xoay” và các bạn sinh viên Hà Nội chiều 18/10 là về mạng xã hội (MXH). Xoay quanh chủ đề này, anh Đinh Tiến Dũng đã tiết lộ rất nhiều thông tin cũng như hướng dẫn cách làm chủ mạng xã hội, tránh những ảnh hưởng tiêu cực của MXH tới bạn trẻ.
"GS Xoay" Đinh Tiến Dũng trò chuyện với các bạn sinh viên tại KTX Mễ Trì
Đây là cách mà “GS Xoay” giúp đỡ các bạn sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên làm chủ được quỹ thời gian, định hướng tư tưởng, cách ứng xử văn minh trước sức cám dỗ của MXH. Nhờ đó, các bạn trẻ có thể chuyên tâm vào việc học hành song song với những nhu cầu vui chơi giải trí, mở mang kiến thức và quan hệ xã hội.
Giới trẻ nghiện MXH vì sợ bị bỏ rơi
Trong buổi trò chuyện thân mật, anh Dũng đã kể lại toàn bộ quá trình anh bắt đầu tiếp xúc với mạng xã hội. Anh không ngại cho biết mình cũng đã từng rất “ngờ nghệch” khi tham gia MXH. Hiện nay, trang fanpage của GS Xoay – nhân vật do anh Dũng thủ vai – đã thu hút hơn 1 triệu người theo dõi. Đây là số lượng fan mà nhiều nghệ sĩ mơ ước.
GS Xoay cho biết, anh đã học được rất nhiều điều từ mạng xã hội. Nhờ MXH, anh mở rộng mối quan hệ của mình, học cách chat nhanh với nhiều người cùng lúc, nhớ tên những người bạn mới… Anh cho rằng MXH có những mặt lợi và hại riêng.
Anh Dũng phân tích về lợi và hại của mạng xã hội
Theo đó, anh phân tích rằng nhiều người đã giàu lên nhờ kinh doanh, quảng cáo trên MXH. Và bất cứ người dùng nào cũng có thể đến với những thông tin cần thiết một cách nhanh nhất nhờ MXH. Ngoài ra, MXH còn có tác dụng giúp chúng ta tìm lại được bạn bè, người thân đã thất lạc lâu năm…
Dẫu vậy, tác hại của MXH cũng không hề nhỏ. Đối với các bạn sinh viên, MXH là một món giải trí đầy sức hút, khiến nhiều người mất cân bằng trong cuộc sống vì dành quá nhiều thời gian cho nó. MXH cũng làm giảm sức sáng tạo của người trẻ, làm mất đi tính kiên nhẫn của mọi người vì nó giống như một cơn nghiện…
Anh Đinh Tiến Dũng thẳng thắn chỉ ra rằng các bạn trẻ nghiện MXH vì tâm lý sợ bị xã hội bỏ rơi, sợ thua thiệt. “Những người trẻ luôn sợ bỏ lỡ điều gì đó trong cuộc sống nên luôn muốn nói, bình luận về vấn đề mới của xã hội, lại cộng với tâm lý muốn thể hiện mình. Cho nê, người trẻ dễ bị mắc bẫy câu view, like trên MXH. Tôi khuyên các bạn cần phải thật tỉnh táo và luôn kiểm tra thông tin trên MXH”, GS Xoay chia sẻ.
GS Xoay dạy sinh viên cách tỏ tình chắc thắng
Trước những chia sẻ “thấu tình đạt lý” của GS Xoay, hàng trăm sinh viên tham gia buổi trò chuyện tại kí túc xá Mễ Trì đã đặt ra rất nhiều câu hỏi. Các câu hỏi không chỉ về chủ đề chính là mạng xã hội mà còn có những thắc mắc về tình yêu, sự nghiệp…
Trước câu hỏi “Tính cách của GS Xoay trên mạng và ngoài đời có giống nhau hay không?”, anh Dũng đã khéo léo hỏi ngược lại bạn sinh viên và nhận được câu trả lời là “50 - 50”. Đó cũng chính là đáp án cho câu hỏi này.
Câu hỏi thú vị nhất trong buổi giao lưu giữa anh Đinh Tiến Dũng và sinh viên là về vấn đề làm quen, tỏ tình qua mạng xã hội, làm thế nào để tỏ tình thành công. GS Xoay rất hóm hỉnh trả lời rằng: “Trước hết phải có tình thì mới tỏ được. Nhiều bạn trẻ phần “tình” thì không có bao nhiêu nhưng “tỏ” lại hoành tráng (Sân trường ngập tràn hoa hồng, nhờ bạn bè đến nhảy flashmob…) đầu tư công phu là vậy nhưng chưa chắc đã thành công.
Anh Đinh Tiến Dũng từng rất thành công khi vào vai nhân vật Giáo sư Cù Trọng Xoay trong một chương trình truyền hình. Đó là lí do anh được các bạn trẻ cực kì hâm mộ
Với kinh nghiệm của tôi, một khi đã có tình sâu đậm thì tỏ kiểu gì cũng thành công, miễn là chân thành. Có lần tôi đã tỏ tình chỉ bằng một câu “yêu nhé?”, cô ấy đã trách tôi “khô như ngói”, tôi bèn hỏi lại là “thế bây giờ có yêu không?” và cô ấy đã gật đầu. Tình cảm chân thành là vậy”.
GS Xoay cũng nói rằng nhiều bạn trẻ rất hay lên mạng than thở rằng “FA” (cô đơn) nhưng lại lười nỗ lực tìm kiếm tình yêu. Anh hối thúc các bạn đừng đóng kín cửa và “cắm mặt vào máy tính” mà hãy ra ngoài gặp gỡ mọi người và tìm kiếm cơ hội, may mắn cho riêng mình.
Theo Mai Châm (dân trí)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn