Giáo dục tại nhà là một lựa chọn cá nhân, không phải xu hướng

Thứ tư - 02/05/2018 02:17
Gần đây, khi câu chuyện một gia đình ở TPHCM cho hai con trai học tại nhà được báo chí đăng tải, mô hình homeschool lại có dịp được đem ra “mổ xẻ”. Người ở ngoài cuộc thì đều có thể nói là nên hay không nên, hay cần thế nọ, thế kia. Còn người trong cuộc thì đã biết vì sao họ lại lựa chọn như vậy.
Đứng trên góc độ nhà giáo dục, một số chuyên gia lên tiếng về “mặt trái” của mô hình giáo dục tại nhà (homeschool) cũng là vì trách nhiệm với cộng đồng, các chuyên gia đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo để tránh tình trạng các gia đình khác bắt chước, làm theo.

Nhưng chính gia đình anh Đặng Quốc Anh ở quận Tân Bình, TPHCM (có hai con trai Đặng Thái Anh, SN 2003 và Đặng Nhật Anh, SN 1998 đang học tại nhà) cũng nói rất rõ ràng, cởi mở về việc lựa chọn mô hình homeschool.

Trước hết, đó là do hoàn cảnh cá nhân: “Năm lớp 10, Nhật Anh bị sốt xuất huyết nặng, việc phục hồi sức khỏe tốn thời gian dài, trong khi chương trình học nặng nề, thời khóa biểu căng thẳng cả tuần khiến bé không theo nổi. Trước tình hình này, gia đình tính đến phương pháp học khác phù hợp, đồng thời tự Nhật Anh cũng xin bố mẹ cho được nghỉ học. Quyết định được tất cả mọi người ủng hộ”.

“Tôi nghĩ homeschooling chỉ dành cho những trường hợp đặc biệt, có thể là học chậm hoặc học nhanh hơn, và cả hai trường hợp này đều rất tốn công.”-Anh Đặng Quốc Anh chia sẻ với báo VietNamNet

Một thời gian sau, khi Nhật Anh nhanh chóng bắt nhịp được mô hình homeschool và tiến bộ rõ rệt, cậu em Thái Anh cũng đòi cho nghỉ học theo. Theo anh Quốc Anh, Thái Anh phát triển quá nhanh so với các bạn cùng trang lứa nên gần như bị cô lập. Do đó, gia đình quyết định cho Thái Anh nghỉ học ở trường để học ở nhà với anh trai.

Và cùng với quyết định cho con học tại nhà, gia đình anh Quốc Anh phải chuẩn bị nhiều điều kiện khác (về tài chính, thời gian, nhân lực, tìm hiểu phương pháp giáo dục phù hợp…). Ông bố này thừa nhận homeschool là phương pháp tốn nhiều công sức, nguồn lực.

Gia đình anh Đặng Quốc Anh. (Ảnh: Facebook nhân vật)

Để bàn về mô hình homeschool, trước hết, phải thẳng thắn với nhau một điều là, khi một số gia đình lựa chọn mô hình homeschool là họ có dự định sau này cho con đi du học. Đấy là một điều không còn bàn cãi gì nữa.

Cũng bởi vì định hướng du học, nên các gia đình này chú trọng cho con học tiếng Anh, cũng như học để lấy các chứng chỉ quốc tế.

Vậy các gia đình khác hiện đang cho con đi học ở trường phải làm gì? Câu trả lời là họ chẳng phải làm gì cả, họ đang sống như thế nào thì cứ tiếp tục lối sống ấy. Homeschool không phải là một món đồ như cái áo, cái quần, hay to hơn là cái xe, cái nhà, mà thích mua là có thể mua, thích đổi là đổi. Cho nên không phải lo về việc một số gia đình lựa chọn mô hình homeschool sẽ ảnh hưởng đến những gia đình khác hiện đang cho con học ở trường. Homeschool là một lựa chọn cá nhân. Đến một lúc nào đó, khi họ cảm thấy có nhu cầu thay đổi, thì họ sẽ biết mình cần lựa chọn thế nào.

Chính anh Đặng Quốc Anh nhấn mạnh: “Giáo dục tại nhà có nhiều thuận lợi và cũng rất nhiều khó khăn. Nó cần một sự chuẩn bị tốt và cố gắng liên tục không mệt mỏi. Sự chuẩn bị đầu tiên phải là sự hiểu biết của phụ huynh. Sau đó là nguồn lực của gia đình từ thời gian, công sức cho tới tiền bạc. Học ở nhà không phải là phương pháp rẻ tiền dù được xem xét ở bất cứ giác độ nào”.

Theo Nguyên Chi Dân trí

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây