Bị cáo L.P.T.
Đây là vụ án xưa nay hiếm đã được TAND quận Thanh Khê, Đà Nẵng đưa ra xét xử. Hội đồng xét xử đưa ra mức án 3 năm vì tội “Giao cấu với trẻ em” và 2 năm vì tội “Cố ý gây thương tích” với bị cáo. Đây là bài học chung cho tất cả mọi người, dù xuất phát từ tình yêu, đến với nhau tự nguyện, kết hôn và đã có con với nhau nhưng do thực hiện hành vi giao cấu khi bị hại chưa đủ tuổi theo quy định thì cũng sẽ bị pháp luật trừng phạt.
Vụ án điển hình
Bị cáo L.P.T. (SN 1988, quê xã Hải Long, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) yêu và lập gia đình với chị H.T.A.P. (sinh tháng 8-1992, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Khi quen nhau, P. chưa đủ tuổi thành niên nhưng đã trao “tất cả những gì mình có” cho T. Sau đó, P. mang bầu và sinh được một bé gái đặt tên là H.T.N. Trong thời gian mang thai và sau khi sinh, T và P sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Quãng thời gian đó, cả 2 liên tục xảy ra mâu thuẫn nên sau đó phần ai nấy đi và P. nuôi con nhỏ. Một hôm bố mẹ T từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng thăm cháu, khi T định mang con đi để ông bà nội thăm thì P nhất định không cho dẫn đến xô xát, T đã dùng chân đạp mạnh vào bụng P gây chấn thương nặng. Giám định pháp y cho thấy P bị thương tích với tỉ lệ 32%. Sau khi gây án, T. bỏ trốn và bị truy nã trên toàn quốc. Tháng 9-2011, T bị bắt tại nhà ở xã Hải Long, huyện Như Thanh, Thanh Hóa. Tại phiên tòa, P khẳng định tự nguyện yêu T và chủ động trao thân cho người yêu nhưng ngoài tội danh “Cố ý gây thương tích”, T còn bị xét xử với tội danh “Giao cấu với trẻ em” vì khi quan hệ với P dù là cả 2 đều tự nguyện nhưng lúc này P chưa đủ 16 tuổi.
Thạc sỹ, Luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng văn phòng luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội giải thích: “Gọi đây là vụ án xưa nay hiếm là rất đúng. Hiện tượng quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi hiện nay không phải là hiếm. Tuy nhiên số lượng các vụ án “Giao cấu với trẻ em” đưa ra truy tố xét xử không nhiều. Việc xử phạt T về tội “Giao cấu với trẻ em” là không sai. Tuy nhiên, nếu như T và P sống với nhau hạnh phúc, không có vụ đánh nhau, gây thương tích thì các cơ quan pháp luật có biết để xử lý không, và có nên đưa ra xử lý không? Đây là một vấn đề còn đang có nhiều quan điểm khác nhau”...
Luật rất rõ ràng
Luật sư Chu Mạnh Cường khẳng định, Bộ luật Hình sự Việt Nam quy quy định một số tội danh liên quan đến hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em theo từng độ tuổi, cụ thể trong mọi trường hợp (được sự đồng ý hoặc không đồng ý), hành vi giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi đều phạm tội hiếp dâm trẻ em. Hình phạt từ từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Điều 112 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Trẻ em quy định trong tội danh này là từ 13 - 16 tuổi. Mức hình phạt thấp nhất là 7 năm tù, cao nhất có thể là tử hình. Điều 114 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Cưỡng dâm trẻ em”. Trẻ em quy định trong tội danh này là từ 13 đến dưới 16 tuổi. Mức hình phạt thấp nhất là 5 năm tù, cao nhất là chung thân. Điều 116 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Dâm ô đối với trẻ em”. Trẻ em quy định trong tội danh này là dưới 16 tuổi. Mức hình phạt thấp nhất là 6 tháng tù, cao nhất là 12 năm. Điều 115 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Giao cấu với trẻ em”. Điều luật quy định: “Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù…”. Mức thấp nhất của tội danh này là 1 năm tù, mức cao nhất là 15 năm.
Người phạm tội trong tội danh này phải là người đã thành niên (đủ 18 tuổi), có thể là nam hoặc nữ (trên thực tế chủ yếu là nam giới). Về mặt ý chí, người bị hại hoàn toàn đồng ý cho người phạm tội thực hiện hành vi giao cấu với mình, không bên nào ép buộc bên nào (nếu không đồng ý thì sẽ là tội “Hiếp dâm trẻ em”). Mục đích của việc xử lý hình sự đối với hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi bằng Luật Hình sự là nhằm bảo vệ sự phát triển bình thường về mặt tình dục đối với người chưa đủ 16 tuổi.
Vẫn cấu thành tội phạm
Trước tòa, hầu hết các trường hợp quan hệ với trẻ em dưới 16 tuổi đều có chung giải thích rằng không hiểu pháp luật và không ai nói cho họ biết. Đây là một vấn đề cần được cả xã hội quan tâm bởi vẫn còn không ít người không biết quan hệ như thế nào là hợp pháp, đúng luật và thế nào là phạm tội. Các bị cáo thường có suy nghĩ rằng chỉ những trường hợp quan hệ trái ý muốn mới phạm tội, còn đã được sự chấp thuận trên cơ sở đồng ý, tự nguyện thì… không sao cả. Cách hiểu này không chỉ giới hạn ở bị cáo, bị hại mà ngày cả nhiều bậc phụ huynh cũng… nhầm.
“Thưa quý tòa, cháu thấy T phổng phao, lại tự nguyện, chính T còn chủ động “mời” cháu, cháu không biết yêu như thế là phạm tội”. Câu nói thành khẩn với chủ tọa của cậu học sinh mới 17 tuổi Vũ Tiến Sơn (SN 1993, trú tại thôn 2, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội) khiến không ít người có mặt tại tòa thấy thương nhiều hơn trách. Cháu Đỗ Thị T (SN 1998, trú tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm) chưa đầy 13 tuổi, đang học cấp II nhưng lại lớn trước tuổi, dáng người phổng phao. Tình yêu nhanh chóng nảy nở giữa 2 đứa trẻ và điều gì đến cũng đã đến. Sau một đêm vắng nhà, T trở về trong tâm trạng đầy lo lắng. Bố, mẹ T và người thân trong gia đình biết có chuyện chẳng lành nên gạn hỏi thì mới biết, con gái mình đã “làm chuyện người lớn”. Sự việc trên đã được gia đình trình báo đến Cơ quan CSĐT-CAH Hoài Đức. Ngay ngày hôm sau, Sơn bị bắt giữ.
Ngày 14-9-2011, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Vũ Tiến Sơn về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Tại tòa, Sơn nói: “Cháu chỉ biết yêu thôi, chẳng biết làm gì. M lớn lắm, cháu không biết quan hệ với người tự nguyện mời cháu lại là phạm tội”… Mặc dù bị truy tố vào khoản 4, điều 112 có khung hình phạt cao nhất là tử hình, nhưng sau khi xem xét toàn diện vào nội dung vụ án. Căn cứ vào tính chất và mức độ phạm tội, xét nhân thân bị cáo cũng là trẻ vị thành niên phạm tội lần đầu và các tình tiết giảm nhẹ khác, HĐXX đã ra quyết định tuyên phạt Sơn mức án 7 năm tù. Sự ân hận muộn màng của cậu học sinh tuổi 17 vì không biết gì là một ví dụ điển hình, nhưng không còn là chuyện xưa nay hiếm xảy ra ở chốn pháp đình.
Một vụ việc khác khi CAP Yên Hòa nhận được đơn trình báo của chị L.T.L ở Bạch Mai, Hai Bà Trưng về việc con gái mình đã bị hãm hại. Cứ mỗi lần gặp chuyện buồn là T (15 tuổi) lại tìm đến phòng trọ của người yêu là Nguyễn Thế Tuyền (SN 1992, HKTT tại xóm 6, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, Nam Định) tại ngõ 232 tổ 24 Yên Hòa, Cầu Giấy. Trong một lần bỏ nhà đi kéo dài 10 ngày, T đã bị Tuyền 3 lần giao cấu mà không hề ý thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc. Đến khi bị bắt giữ đôi “tình nhân” này vẫn chưa hiểu rằng mình đã phạm tội, mà người lĩnh án chính là Tuyền. Trường hợp của Vũ Tú Linh (SN 1983, trú ở phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) đã bị CQĐT CAQ Hai Bà Trưng khởi tố vụ án, khởi tố về hành vi giao cấu với trẻ em cũng là một ví dụ. Linh quen Nguyễn Thu H, học sinh lớp 10 trong một lần đi “chát” ở khu vực Giáp Bát. Chỉ 2 ngày sau, H đã đồng ý vào nhà nghỉ “tâm sự” cùng Linh. Sau đó, H bỏ nhà, bỏ học, đột nhiên biến mất. Qua tìm hiểu, gia đình H biết được con gái mình đã về Nam Định thuê nhà ở cùng Linh.
Tại cơ quan công an, Linh khai nhận yêu H và nhiều lần có quan hệ tình dục với cô học sinh lớp 10 này.
Thực tế xét xử các vụ án, khi được hỏi về việc có biết quan hệ tình dục với trẻ em dưới 16 tuổi là phạm tội không thì không ít bị cáo tại phiên tòa đã bật khóc và trả lời rằng không biết đó làm phạm tội. Trong thực tế, việc vi phạm pháp luật do có quan hệ tình cảm với trẻ em hoặc không biết hành vi quan hệ tình dục với trẻ em là phạm tội diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, có những vụ án người chủ động lại chính là nạn nhân.
Nhìn thẳng sự thật
Thời gian gần đây, hành vi quan hệ tình dục đối với trẻ em dưới 16 tuổi có chiều hướng gia tăng. Nhà nghiên cứu nhân học, Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Trìu lý giải hiện tượng này dưới góc nhìn xã hội và pháp luật: “Về mặt xã hội, hiện nay, cùng với sự phát triển về kinh tế, cuộc sống vật chất, tinh thần đầy đủ hơn. Sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý của con người cũng sớm hơn trước đây. Bên cạnh những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, giới trẻ hiện nay được tiếp thu các giá trị văn hóa, tinh thần, lối sống từ bên ngoài. Tất cả những yếu tố đó dẫn đến đòi hỏi về tình cảm, sinh lý sớm hơn, quan niệm sống cũng có nhiều thay đổi. Về mặt pháp luật, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng trên là sự thiếu hiểu biết. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng quan hệ tình dục đã có sự đồng tình từ 2 phía là hợp pháp mà không biết rằng pháp luật đã có những quy định bắt buộc để bảo vệ quyền lợi của những đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần”.
Pháp luật không có ngoại lệ. Vì thế không thể dùng tình yêu để bào chữa cho những hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định trong luật hiện hành. Nếu cả nạn nhân lẫn gia đình không đâm đơn kiện, một mực khẳng định là tự nguyện, là tình yêu, dưới góc độ tình và lý trong trường hợp này sẽ được cân nhắc thế nào khi xử lý, luật sư Chu Mạnh Cường phân tích: “Trên thực tế, khi xử lý tội danh này, các cơ quan pháp luật cũng cần thận trọng, tránh áp dụng pháp luật một cách “máy móc” mà cần xem xét nhiều yếu tố. Đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam khi mà ở nhiều vùng nông thôn, các dân tộc ít người, nạn tảo hôn còn khá phổ biến. Rất nhiều trường hợp, các cặp vợ chồng lấy nhau, có con khi người vợ chưa đủ 16 tuổi. Vợ chồng con cái đang sống rất hạnh phúc. Liệu có cần xử lý hình sự, bắt người chồng phải đi tù trong trường hợp này (?) Một thực tế khác mà chúng ta có thể nhìn thấy, đa số các vụ án liên quan đến tội “Giao cấu với trẻ em” là xuất phát từ các vụ án mại dâm phát hiện đối tượng có hành vi giao cấu với gái mại dâm chưa đủ 16 tuổi. Hoặc các trong trường hợp có sự bất hòa giữa các cặp vợ chồng mà khi lấy nhau người vợ chưa đủ 16 tuổi dẫn đến tố cáo nhau. Hoặc các đôi trẻ đang yêu nhau, một bên gia đình ngăn cấm dẫn đến việc tố cáo… Về nguyên tắc, khi đã đưa ra pháp luật thì dù người bị hại đứng ra yêu cầu không xử lý về mặt hình sự nhưng các cơ quan pháp luật không thể chấp nhận vì họ là đối tượng mà pháp luật buộc phải bảo vệ”.
Pháp luật quy định rất rõ, nhưng việc giáo dục pháp luật lại hoàn toàn khác khiến không ít người lâu nay định hình quan niệm tự nguyện, hiến dâng trong tình yêu là không phạm tội. Pháp luật không quy định việc không biết là không có tội, và cũng vì thiếu hiểu biết đã khiến không ít người vướng vòng lao lý, gây ra những bi kịch đau lòng cho cả bị hại, bị cáo, người thân và toàn xã hội.
Theo An Ninh Thủ Đô
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn