Cựu chiến binh Đinh Văn Ba hồi ức, những năm 1980 sau khi ra quân, ông đưa gia đình từ nơi khác đến xóm 7 xã Phúc trạch để khai hoang sinh sống. Nói về cây gió trầm, ông đã nghe những giai thoại kỳ bí từ thế kỷ trước, khi những người tìm trầm lặn lội từ tận Bình Định hay Nha Trang ra vùng rừng núi Hương Khê tìm kiếm. Nguời ta đồn đại nhau về sự quý hiếm huyền bí của “thần trầm”, “trầm kỳ”. Quá trình tìm kiếm, nhiều người phải bỏ xác ở chốn rừng thiêng nước độc.
Một người thợ với dụng cụ lấy lớp trầm nằm trong thân gỗ (Hình: Ngọc An) |
Đi tìm hiểu từ Nam ra Bắc, đến những vùng có nhiều người làm trầm hương, ông biết được có một cách “giải thiêng” trầm kỳ. Đó là trồng cây dó bầu. Loài cây này trong quá trình phát triển bị những tổn thương làm gây nhiễm bệnh và tích tụ nên một dạng nhựa lan ra biến đổi khắp cây tạo nhiều màu sắc, hình thù, hương thơm, từ đó hình thành trầm hương. Trầm hương nhân tạo này có giá trị không kém trầm tự nhiên.
Trước khi trồng dó bầu, ông từng theo nghề trồng bưởi. Loài cây này thường trồng ba năm được thu hoạch, nhưng chỉ được bảy năm thì quả dần còi cọc hoặc cây chỉ ra hoa mà không đậu quả. Ông chuyển toàn bộ tâm huyết sang dó bầu.
Trong một xưởng làm hàng mỹ nghệ từ dó bầu (Hình: Ngọc An) |
Ngày mới vào nghề, ông mua về trồng chính thức 200 cây dó bầu. Chưa có kỹ thuật và cách chăm sóc nên chỉ khoảng 100 cây sống sót. Tìm hiểu sách vở, hỏi kinh nghiệm các nơi, ông trồng thêm 1500 cây, tới nay ông đã có trên 2000 cây dó bầu độ tuổi từ 10 - 20 năm tuổi. Hiện 200 cây đã khai thác được trầm, giá 10 triệu đồng một cây.
Trước đây người trong xã trồng dó bầu tự phát, có người “trồng chơi” lấy… gỗ, sau này khi thấy cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người tìm cách nhân rộng giống. Người ở các xã lân cận cũng đưa giống về trồng rất nhiều, tuy nhiên có thể do chất đất của từng vùng và khí hậu nên không phải cây nào cũng có trầm. Ở nhiều địa phương cây phát triển tốt nhưng lượng trầm rất ít, thậm chí không có.
Trên thân dó bầu, trầm là lớp dầu màu đen mỏng bao bọc quanh thân cây, nằm giữa các lớp giác và ròng (Hình: Ngọc An) |
Ở Hương Khê, cái mốc đáng nhớ với những người trồng trầm là năm 2005, khi thấy thương lái đến mua với giá cao, người dân mở rộng diện tích, nhiều người phá các giống cây cam, bưởi chuyển sang trồng dó bầu. Anh Phạm Ngọc Hiệp, Trưởng thôn 7 (xã Phúc Trạch) cho hay gia đình anh có gần 1 ha đất trồng gần 1 ngàn cây. Người đàn ông đang khoan đục bơm dầu vào cây cho biết đã cho thu hoạch một lứa thu về 170 triệu đồng. Lứa dó bầu này anh trồng khoảng năm năm tuổi, nay khoan để bơm dầu vào kích thích nhanh cho trầm. Anh Hiệp nói: “Cây dó bầu ngày càng mở rộng diện tích, trở thành giống cây chủ lực vùng này. Toàn thôn có 180 hộ dân thì tất cả đều trồng dó bầu”.
Ông Đặng Văn Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, toàn xã có 1580 hộ dân thì 100% hộ đều có thu nhập từ cây dó bầu với 300 ha. Nhiều năm nay, đầu ra của sản phẩm ổn định. Năm 2017, toàn xã thu về 39 tỷ đồng từ cây dó bầu, nhiều hộ thu nhập từ 500 triệu đồng – 1 tỷ đồng/năm.
Các phế phẩm từ dó bầu cũng có giá trị kinh tế cao (Hình: Ngọc An) |
Những cây to khi thành phẩm có giá từ 50 triệu đến hàng trăm triệu đồng tùy vào hình dáng và chất lượng trầm từng cây. Người trồng dó bầu còn biết tạo ra nhiều mặt hàng mỹ nghệ có giá trị cao từ cây. Như lời Chủ nhiệm HTX Thọ Nga, tất cả những nguyên liệu từ cây đều có giá trị sử dụng: Loại hàng miếng bán với giá 200 triệu/kg, hàng cảnh giá 10 – 100 triệu đồng, tùy vào chất lượng hình dáng trầm. Các loại dăm chế tinh dầu, làm nhang, nước hoa… giá dao động 100 – 500 ngàn đồng/kg. Các sản phẩm vòng tay làm từ cây được thương lái đến tận nơi thu mua. Người ta còn nghiên cứu và sản xuất một số sản phẩm từ nguyên liệu trầm như trà kháng sinh, kem đánh răng, mỹ phẩm chăm sóc da, nước uống chữa bệnh, dầu gội đầu…
Ở Hương Khê, mỗi ngày có hàng vạn cây giống, hàng chục gốc dó bầu được giao dịch. Tết này cũng là một cái Tết vui với người địa phương, vì cuối năm 2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương chuẩn bị tổ chức Lễ khởi động vùng nguyên liệu trầm hương sạch. Động thái trên là kết quả nhiều năm và nhiều chuyến khảo sát của cơ quan chức năng và các chuyên gia, bước đầu xác định chất lượng cây dó bầu và các sản phẩm trầm hương từ cây dó bầu trên đất Hà Tĩnh là tốt bậc nhất thế giới.
Đục cây bơm thuốc kích thích cho ra trầm (Hình: Hoàng Mai) |
Bên một gốc dó bầu lâu năm (Hình: Hoàng Mai) |
Một sản phầm mỹ nghệ làm từ cây dó bầu (Hình: Hoàng Mai) |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn