Giả nhân viên y tế đến tận nhà lừa tiền tiêm vaccine

Thứ năm - 08/06/2017 23:31
(Hatinhnews) - Sau khi giới thiệu là nhân viên y tế phường đến tiêm phòng tại nhà, hai đối tượng xin thu trước 200 nghìn đồng/mũi tiêm
Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Trang (phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội), cách đây ít ngày, có một phụ nữ tự xưng là nhân viên y tế dự phòng của phường Thành Công đến nhà để tiêm phòng cho con gái chị. Nhân viên này cho biết, vì cháu còn quá bé nên phường cử nhân viên về tận nhà...

Các gia đình nên đưa trẻ đến Trạm y tế địa phương để tiêm chủng đúng định kỳ, phòng ngừa bệnh. Ảnh minh họa

Vào tận nhà để lừa tiêm chủng

Theo nguồn tin của bạn đọc, thời gian vừa qua, nhiều đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các bậc cha mẹ về tiêm phòng vaccine cho trẻ nên đã đến từng nhà gõ cửa giới thiệu là nhân viên y tế phường và tiêm chủng cho các bé với giá “cắt cổ”.

Chị Trang kể lại: Mấy ngày trước, có một phụ nữ tự xưng là nhân viên y tế dự phòng của phường Thành Công đến nhà tôi để tiêm phòng cho bé. Do con tôi hiện chưa tròn 1 tuổi và cũng đến kỳ phải tiêm phòng viêm gan B nên lúc ấy rất hoang mang. “Lúc ấy, chồng tôi đi làm chưa về, nhà lại chỉ có tôi và cháu nhỏ nên không dám để họ tiêm thuốc cho cháu. Tôi hẹn chị ấy sáng mai chồng tôi ở nhà rồi đến tiêm thì chị này bảo phải nộp tiền trước. Sau đó, chị này thu 80.000 đồng tiền tiêm phòng và tích vào cuốn sổ theo dõi tiêm phòng của cháu, tôi mới an tâm”, chị Trang kể lại.

Tuy nhiên, khi chồng chị Trang về nhà và kiểm tra sổ theo dõi tiêm phòng của con thì anh phát hiện không có chữ ký của nhân viên y tế. Ngay sau đó, vợ chồng chị đã đến Trạm y tế phường Thành Công để hỏi thì các nhân viên y tế cho biết, tiêm phòng viêm gan B cho trẻ nhỏ là không mất tiền. Cũng theo quy định, cán bộ y tế không được đến nhà tiêm phòng cho trẻ mà phải có bố mẹ đưa đến trạm y tế tiêm chủng theo định kỳ. Lúc này, vợ chồng chị Trang mới té ngửa vì bị lừa. “Cũng may, mình chưa cho họ tiêm thuốc cho cháu, không thì chẳng biết hậu quả thế nào”, chị Trang bày tỏ.

Cũng như gia đình chị Trang, anh Lê Hùng ở phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Khoảng mười ngày trước, có hai người một nam, một nữ mặc trang phục của nhân viên y tế đến nhà và tự giới thiệu là nhân viên y tế của phường Yên Sở đến tiêm phòng cho các bé”. Anh thanh niên giới thiệu, tiêm phòng có hai loại vaccine, nhưng một loại mất tiền và một loại không mất tiền. Hai nhân viên này cũng không quên khuyến khích các mẹ chọn loại thuốc mất tiền vì loại đó tốt hơn và tích hợp được nhiều kháng sinh trong một mũi tiêm. Anh Hùng không ngần ngại chọn tiêm cho con loại vaccine tích hợp. Tuy nhiên, hai nhân viên y tế này đòi thu tiền trước là 180.000 đồng/mũi tiêm nên anh Hùng băn khoăn và điện cho một người quen bên nghành y tế. Thấy vậy, hai đối tượng y tế này vội vàng xách túi dụng cụ y tế bỏ đi .

Trao đổi với PV về vấn đề này, bà Trần Thị Ngân Khánh, trạm trưởng Trạm y tế phường Thành Công (quận Ba Đình) cho biết: “Theo quy định của Sở Y tế, nhân viên y tế không được tiêm phòng cho trẻ tại nhà. Chính vì vậy, chúng tôi mở đợt tiêm chủng theo định kỳ để phụ huynh đưa trẻ đến Trạm y tế. Việc nhân viên y tế phường đến tận các gia đình tiêm cho trẻ là không có. Bởi vì, tiêm ở nhà rất nguy hiểm và dễ dẫn đến tai biến. Sau sự việc này, chúng tôi cũng đã tuyên truyền đến người dân để cẩn thận trước những đối tượng lạ, giả danh nhân viên y tế”.

Trả lời PV Người đưa tin, ông Nguyễn Việt Cường, chánh thanh tra Sở Y tế TP.Hà Nội cho biết: Việc xuất hiện đối tượng giả danh nhân viên y tế đến nhà tiêm chủng cho trẻ đặc biệt nguy hiểm. Chúng ta chưa bàn đến việc tốn kém tiền bạc nhưng việc tiêm vaccine cho trẻ nhỏ rất dễ xảy ra tai biến. Nếu khi xảy ra sự cố tại nhà, các giá đình sẽ không có đủ phương tiện để xử trí. Cũng theo quy định của Sở y tế TP.Hà Nội, từ năm 2007, nhân viên y tế không được phép tiêm chủng cho trẻ tại nhà. “Hơn nữa, vaccine tiêm chủng cần được bảo quản trong môi trường có nhiệt độ chuẩn. Việc trữ vaccine trong phích lạnh đi từ nhà này đến nhà khác, mở ra mở vào có thể khiến chất lượng vaccine không đảm bảo yêu cầu giữ lạnh, vô trùng, làm giảm hiệu lực bảo vệ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”, ông Cường cho biết thêm.

Sốt dịch vụ tiêm vaccine tại nhà

Có nhiều phụ huynh khi cho con tiêm chủng phòng bệnh lại ngại đến các cơ sở y tế, mà mời nhân viên y tế về nhà. Nhiều bà mẹ lại có suy nghĩ rằng, tiêm miễn phí sẽ có nhiều nguy cơ hơn tiêm dịch vụ. Chị Bích Hà (30 tuổi, Định Công, Hà Nội) cho biết: Do nghe tin về các vụ tai biến sau tiêm vaccine viêm gan B nên chị rất sợ đưa con đến trạm y tế địa phương tiêm phòng. Thế nên, trong lần tiêm nhắc lại bạch hầu, ho gà, uốn ván vừa rồi, chị gọi người tiêm dịch vụ đến. Được biết, thay vì chỉ trả khoảng 6.000 đồng cho mỗi mũi tiêm bởi các vaccine quan trọng đã được Nhà nước bao cấp, chị phải chi từ hơn 100.000 đến gần 300.000 đồng. Còn chị Ngọc (ngõ 6 đường Chiến Thắng, Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi rất sợ khi đưa con đi tiêm phòng. Trước ngày tiêm thì mong con đừng ốm để tiêm đúng lịch. Khi đi tiêm rồi thì lo lắng con bị phản ứng phụ của vaccine dù biết rằng tỷ lệ phản ứng nguy hiểm là rất thấp nhưng ai có thể nói trước”.

Theo giải thích tiến sĩ Phạm Ngọc Đính, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nếu sợ con bị tai biến, các bà mẹ càng không nên tiêm ở nhà mà đến cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện cấp cứu. Tai biến tiêm chủng là hiếm gặp, nhưng nếu xảy ra thì đòi hỏi phải được cấp cứu kịp thời. Những người tiêm dịch vụ tại gia đình thường không có các phương tiện này. “Hơn nữa, rủi ro của việc tiêm vaccine tại nhà khá lớn. Nếu trẻ sốc thì sẽ không được cấp cứu kịp thời. Để đảm bảo an toàn khi đưa con đi tiêm, phụ huynh nên nói rõ tình trạng sức khỏe của trẻ và tiền sử dị ứng cho nhân viên y tế để ngừng tiêm nếu thuộc trường hợp chống chỉ định”, TS Đính cho biết thêm.

PGS.TS Đỗ Sĩ Hiển, chủ nhiệm chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia nhấn mạnh, không nên tiêm chủng tại nhà để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra cho trẻ. Theo PGS.Hiển, vaccine là một sinh phẩm đặc biệt cần phải bảo quản chặt chẽ theo quy trình. Ở điểm tiêm chủng có đầy đủ các phương tiện để bảo quản vaccine theo đúng nhiệt độ quy định. Việc nhân viên y tá về nhà tiêm cho trẻ, thì không có gì đảm bảo rằng trên cả tuyền đường đi đến nhà bạn, vaccine đó được đảm bảo tốt cả, nó có thể được bảo quản ở nhiệt độ quá lạnh hoặc không đủ nhiệt. Thứ hai, tiêm vaccine là tiêm một tác nhân lạ vào trong cơ thể nên có tỷ lệ phản ứng nhất định (các vaccine hiệu quả nhất cũng có thể gây phản ứng, nhưng các phản ứng này thường nhẹ và tự mất đi), nếu khi xảy ra tại nhà bạn sẽ không có đủ phương tiện để xử trí. Những quy định hiện hành của chương trình tiêm chủng mở rộng về an toàn tiêm có hiệu quả và đạt giá trị, trước khi tiêm phải khám và phân loại trẻ em để chỉ định và chống chỉ định. Khi tiêm phải sử dụng bơm kim tiêm vô khuẩn và nhân viên y tế phải rửa tay bằng xà phòng trước khi tiêm.

                                                                                                                     Theo nguoiduatin.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây