Kết quả điều tra của Công an huyện Long Thành cho biết, từ tháng 4 đến 5-2012, đoạn quốc lộ 51 gần cầu Nước Trong (thuộc dự án mở rộng quốc lộ 51, thuộc địa bàn xã An Phước, huyện Long Thành) đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông làm chết 3 người.
Hiện trường công trình thi công tại cầu Nước Trong hiện vẫn ngổn ngang.
Lúc 1 giờ 15 ngày 8-4, anh Trần Minh Đương (24 tuổi, quê ở tỉnh Cà Mau) điều khiển xe máy lưu thông từ TP.Vũng Tàu về TP.Biên Hòa, khi đến km 14+500 (thuộc công trường cầu Nước Trong) đã va chạm vào dải phân cách chắn ngang làn đường dành cho xe ô tô làm anh Đương bị chấn thương nặng.Đến ngày 10-4, anh Đương đã tử vong tại bệnh viện.
Khoảng 23 giờ 45 ngày 11-5, hai anh Đặng Đức Tuấn (20 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận) và Bạch Vân Tôn Vũ (20 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đi xe máy hướng từ TP.Biên Hòa - TP.Vũng Tàu, khi đến km 14+450 quốc lộ 51 đã va chạm vào dải phân cách bằng bê tông do đơn vị thi công lắp đặt phân luồng, làm cả hai chết tại chỗ.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn có liên quan đến đơn vị thi công công trình cầu Nước Trong, thuộc dự án mở rộng quốc lộ 51, do Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (gọi tắt BVEC) làm chủ đầu tư.
Theo đó, ngày 27-3, BVEC ký hợp đồng thi công xây lắp với liên danh Công ty cổ phần xây dựng CIENCO 5 (Công ty CIENCO 5) và Công ty TNHH đầu tư xây dựng Nguyên Phúc (Công ty Nguyên Phúc) thi công khối lượng còn lại đoạn km 14+775.64 đến km 14+888.86 (bao gồm cầu Nước Trong), kể cả việc đảm bảo giao thông.
Sau đó, Công ty CIENCO 5 đã ủy quyền cho Công ty Nguyên Phúc thực hiện gói thầu này. Và để thực hiện gói thầu, Công ty Nguyên Phúc phải đưa ra biện pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trình đơn vị tư vấn giám sát và chủ đầu tư với các nội dung: “Bố trí đủ biển báo hiệu, biển chỉ dẫn… ở vị trí dễ thấy và không ảnh hưởng đến đảm bảo giao thông; nhà thầu luôn duy trì 4 làn xe (theo 2 chiều) để đảm bảo giao thông; khi thi công trên phần đường đang đảm bảo giao thông hiện hữu thì nhà thầu phải sử dụng hệ thống rào tôn, biển báo, đèn báo vào ban đêm…, để hướng dẫn các phương tiện giao thông…”.
Ngày 28-3, Giám đốc Công ty Nguyên Phúc đã giao nhiệm vụ cho kỹ sư cầu đường Nguyễn Viết Tiến làm cán bộ phụ trách an toàn giao thông (ATGT), với nhiệm vụ kiểm tra, nghiệm thu các công việc xây dựng…, kiểm tra đôn đốc công tác đảm bảo ATGT tại công trình này.
Trước đó, ngày 23-12-2010, BVEC đã ký hợp đồng tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình thuộc nhiều đoạn (trong đó có đoạn từ km 14 + 775.64 đến km 14 + 888.86, gồm cầu Nước Trong thuộc dự án mở rộng quốc lộ 51) với Công ty triển khai công nghệ và xây dựng giao thông (gọi tắt Công ty tư vấn, thuộc Trường đại học giao thông - vận tải). Hợp đồng này có một số điều khoản, gồm: đơn vị tư vấn giám sát phải kiểm tra và yêu cầu nhà thầu thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT, tổ chức giao thông. Công ty tư vấn đã bổ nhiệm kỹ sư Châu Tiến Tri làm Trưởng tư vấn giám sát công trình, kỹ sư Nguyễn Hữu Phước Thành làm cán bộ kỹ thuật, trực tiếp giám sát công trình cầu Nước Trong.
Thế nhưng, qua công tác khám nghiệm hiện trường hai vụ tai nạn đã xảy ra tại khu vực công trường thi công cầu Nước Trong cho thấy, các nạn nhân đều tông xe vào dải phân cách bằng bê tông do đơn vị thi công dùng để phân luồng. Theo biện pháp đảm bảo ATGT, tại vị trí này, đơn vị thi công phải lập hàng rào bằng tôn, phải có biển báo công trường đang thi công, biển báo hạn chế tốc độ và mũi tên chuyển hướng giao thông, đèn báo hiệu và đèn chiếu sáng. Tuy nhiên, đơn vị thi công đã không lắp đặt đèn báo hiệu và đèn chiếu sáng.
Liên quan đến công trình thi công mở rộng quốc lộ 51, ngày 6-4-2011, Công an huyện Long Thành đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Thái Đình Bửu (SN 1985, cán bộ kỹ thuật an toàn lao động thuộc ban điều hành thi công xây dựng quốc lộ 51, đoạn qua địa bàn Đồng Nai) và Vũ Văn Trường (SN 1970, đội trưởng đội thi công thảm nhựa của Công ty Logico 9.2, đơn vị thi công mở rộng quốc lộ 51) về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hai cán bộ này đã có những sai phạm trong quá trình thi công dẫn đến vụ tai nạn giao thông làm em Phạm Hoài Diễm (17 tuổi, ngụ ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chết thảm vào ngày 17-1.
Trong vụ tai nạn ngày 11-5, kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy đèn chiếu sáng compact loại 3 vuông bị vỡ không hoạt động; cách hiện trường 40m về hướng TP.Hồ Chí Minh có gắn biển báo “đường hẹp chạy chậm”, nhưng không gắn đèn tín hiệu ban đêm. Ngoài ra, dải phân cách luồng phải làm bằng tôn, nhưng đơn vị thi công lại làm bằng bê tông, đèn tín hiệu, đèn báo, đèn chiếu sáng không đầy đủ, nên người điều khiển xe đã đâm vào dải phân cách dẫn đến tử vong.
Qua điều tra xác định, quá trình thực thi nhiệm vụ, Tiến đã không làm đúng và đủ biện pháp đảm bảo ATGT đã được tư vấn giám sát phê duyệt. Đối với Thành, quá trình giám sát đã lơ là, không nhắc nhở đơn vị thi công thực hiện đúng biện pháp đảm bảo ATGT đã phê duyệt, là nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn nói trên.
Theo nld.com.vn