Đời ngựa, kiếp người nơi phố nhỏ!

Thứ bảy - 10/06/2017 00:27
Nhìn xa xăm vào ánh chiều, vào con ngựa đang hí hoáy đuổi ruồi; người đàn ông trạc phong sương với chiếc roi ngựa rít sâu điếu thuốc, khẽ nói như dồn mơ ước vào tương lai đàn con: “Phố thị người ta có con ngựa thì nuôi ở các công viên cho trẻ em ngắm, cho người cưỡi chơi. Còn ở cái phố nghèo này cả bầy ngựa chỉ dùng để chở cát, sỏi, gạch; cũng chẳng đứa trẻ nào buồn dừng ngắm vì đã quá quen.

Ước mơ của chúng là ngắm và sờ ô tô chứ không như con trẻ phố thị nhà giàu có ô tô thì muốn quay về ngắm và sờ ngựa”.

Long đong đời ngựa

Chuyến thồ cuối ngày

Hà Tĩnh, đất nghèo tự ngàn xưa của mảnh đất miền Trung nắng gió, cát sỏi. Thế nên, trong cái phố thị trung tâm của xứ này, cái nghèo khó, khắc khổ vẫn hiển hiện từng ngày, từng giờ; trên từng bờ đường, dưới dòng xe cộ nườm nượp bắc nam.

Ngựa thồ, một hình ảnh của những năm tháng xưa cũ gian khó nay vẫn cần mẫn trên từng đường phố Hà Tĩnh kiếm sống. Đó là cần câu cơm của hàng trăm phận nghèo khắp các vùng ngoại ô thành phố này.

Phố ngựa thồ vào buổi chiều vãn việc

Mỗi sáng, “con đường mưu sinh” Nguyễn Du ở rìa đông bắc thành phố Hà Tĩnh lại nhộn nhịp với đủ thứ cảnh đời. Không hiểu vì sao, con đường này được người lao động nghèo ở khắp các vùng quê lên phố chọn làm nơi kiếm kế sinh nhai cho mình.

Ở đây, từng tốp phụ nữ vốn là diêm dân ở Hộ Độ lên định chân chờ người thuê làm việc. Rồi những người già cũng dọn đủ thứ hàng quán bình dân như bán nước chè, vịt lộn để kiếm sống. Đây cũng là phố ngựa thồ có từ lâu lắm rồi, nay vẫn vang đều tiếng hí.

Ông Nguyễn Văn Mến (58 tuổi, ở xóm Hồng Hà, xã Thạch Trung, TP.Hà Tĩnh), một trong những người phu ngựa già tuổi ở phố này, kể: “Nghề phu ngựa ở Hà Tĩnh có từ lâu lắm rồi, tận năm 73 lận. Thời đó tui mới tuổi mười bảy, đã cùng cha kéo xe ngựa chở gạch đá để xây trường Đảng, nhà triển lãm…ở đây rồi”.

Thời đó, ngoài sức kéo trâu bò thì ngựa là phương tiện nhanh nhất và khỏe nhất nên ít người có tiền mua được. Theo thời gian, cơ giới hóa thay sức kéo súc vật; những chiếc xe công nông, xe hoa mai được người ta đóng nhiều; người chạy ngựa thồ thất nghiệp phải quay sang tìm kế mưu sinh khác.

Những phận nghèo nài ngựa

Rồi đùng một cái, nhà nước cấm xe công nông; nghề ngựa thồ lại hồi sinh mang lại miếng cơm cho hàng trăm người nghèo.

Ở đường Nguyễn Du, có tới hàng chục xe ngựa thồ đến từ khắp các vùng ven thành phố Hà Tĩnh như xã Thạch Trung, Thạch Long, Đại Nài…

Là nghề lấy công làm lời nên thu nhập hàng ngày của những phu ngựa cũng rất bèo. Thường mỗi chuyến chở vật liệu, họ chỉ lấy trung bình 100 ngàn tùy theo độ dài đoạn đường và vật liệu nhiều hay ít. “Một chuyến chở tôn lợp, ván nhựa thế này từ đường Nguyễn Du ra thị trấn Cày (dài khoảng 5 km), mình chỉ nhận tiền công 50 ngàn”, anh Nguyễn Văn Minh (47 tuổi, ở Thị trấn Cày) kể.

Bèo bọt là vậy, nhưng cái nghề tưởng như không có gì đụng chạm này cũng lắm lận đận. “Con ngựa có sức chịu đựng yếu hơn trâu bò, mình mà chăm sóc không kỹ là nó bị cảm, tốn tiền bạc chăm mà nhiều khi không cứu nổi đó chú”, ông Mến cho hay.

Ông Nguyễn Văn Mến cùng chú ngựa thồ nghỉ chờ việc bên một góc phố

Chợ ngựa thồ tuy đông nhưng không có tổ nhóm. Chủ yếu các phu ngựa đùm bọc nhau mà sống vì cùng cảnh ngộ cả. Người chạy được nhiều chuyến thì nhường bớt cho người chưa có chỗ. Và họ lấy công sức, lấy lòng tin để kiếm cơm; từ đó cũng không ít lần bị lừa mất hết tiền.

Ông Mến kể tiếp: “Tui thì chạy lâu có kinh nghiệm nhưng mấy chú trẻ sau vì nghèo quá cả tin người ta nên bị lừa. Đợt trước có chú Hải dưới Thạch Trung chạy mấy chuyến ngói úp cho một khách, họ đặt cọc 100 ngàn. Sau đó người này chạy nợ đi bạt xứ thế là chú ấy phải còng lưng lấy tiền nhà ra đền ngói cho chủ đại lý”.

Rồi không những vậy, việc chạy ngựa trong thành phố, đậu đỗ trên vỉa hè,  các nài ngựa bị công an phường, trật tự đô thị xử lý. Một phu ngựa cho hay: “Có nhiều khi họ ra quân, chỗ mình đậu ngựa ngày thường không sao, nhưng hôm đó họ tháo ngựa dắt xe của mình về trụ sở. Vậy là vừa bị phạt tiền, vừa phải è cổ kéo xe về nhà. Nhiều khi cũng cực lắm”.

Kéo con đến trường

Từng người, từng hoàn cảnh trong cái chợ ngựa thồ này có lẽ đếm ra không hết nhưng cái chung thì vẫn là sự nghèo. Và sau những nhịp gõ của móng ngựa trên đường phố là những ước mơ rất đơn giản mà cao đẹp là cho con được ăn học tới nơi tới chốn.

Nhà ông Mến có 6 người con, ruộng nương chẳng có là bao nhưng từ những cuốc ngựa thồ của ông, cả 6 người con đều ăn học hết cấp ba. Bây giờ người con trai thứ ba của ông đang học nghề dược năm cuối ở Hải Phòng. Vợ ông ở nhà làm phụ lặt vặt mùa nông nhàn, ông với con ngựa đều đặn ngày nào cũng lên phố kiếm tiền với hi vọng đàn con kiếm việc, học nghề để có công ăn việc làm ổn định.

Những chú ngựa là gánh mưu sinh của những phận nghèo vùng ngoại ô TP.Hà Tĩnh

Nhìn xa xăm vào ánh chiều, vào con ngựa đang hí hoáy đuổi ruồi, người đàn ông trạc phong sương với chiếc roi ngựa rít sâu điếu thuốc, khẽ nói như dồn mơ ước vào tương lai đàn con: “Phố thị người ta có con ngựa thì nuôi ở các công viên cho trẻ em ngắm, cho người cưỡi chơi. Còn cả một cái phố ngựa thồ ở Hà Tĩnh nghèo này thì chỉ dùng để chở cát, sỏi, gạch; cũng chẳng đứa trẻ nào buồn dừng ngắm vì đã quá quen. Ước mơ của chúng là ngắm và sờ ô tô chứ không như con trẻ phố thị nhà giàu có ô tô thì muốn quay về ngắm và sờ ngựa”.

Anh Nguyễn Văn Minh thì khá hơn khi từ những chuyến xe ngựa rong ruổi mà nay hai đứa con anh đều học đại học ở Huế cả; đứa đầu đang học năm thứ ba còn đứa sau mới lên năm nhất. “Nhà chỉ đủ ruộng để làm cho vui nên tui ngày nào cũng phải cật lực dong ngựa chạy khắp phố kiếm tiền. Bây giờ con học hành, nợ ngân hàng còn đó nên con ngựa là niềm hi vọng lớn nhất không những của tui mà còn của hai đứa con nữa”, anh Minh tâm sự.

Anh Nguyễn Văn Minh với niềm vui 2 “kéo” được đứa con vào đại học

Các bác nài cho hay, thu nhập bình quân mỗi ngày của họ khoảng 200 ngàn. Số tiền đó vừa để lo cho gia đình, vừa lo cho con ngựa. “Nó mà ốm cái là khỏi làm nên phải lo cho nó, ngày nào mà kiếm cỏ không ra thì cũng tốn hơn 50 ngàn đồng tiền cám”.

Một con ngựa mua ở các vùng núi như Mường Xén, Cao Bằng bây giờ thường có giá hơn chục triệu. Làm việc quanh năm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình chủ, đến khi chúng yếu đi cũng chỉ bán để làm thịt nên giá cũng rẻ như lúc mua. Ngoài việc thồ hàng ở phố, đến ngày mùa thì những chú ngựa này lại theo chủ ra đồng cày cấy. Vì vậy, những chú ngựa này hầu như làm việc quần quật suốt tháng, suốt năm cùng ông chủ nghèo, đó cũng là lẽ các chú phải được chăm sóc kỹ lưỡng.

Đời ngựa gắn với kiếp người

Thế là, một kiếp đời như định sẵn cho các chú ngựa thồ gắn với những ngôi nhà nghèo khó ở Hà Tĩnh này. Ở đó, chúng kéo những mảnh đời nghèo đi lên, chúng kéo những đứa trẻ đến trường ăn học với hi vọng một sự đổi đời. Phố nghèo, ngựa thồ nay mai có thể không còn, nhưng với những đứa trẻ ở đây thì chắc sẽ còn mãi trong tiềm thức.


Theo Thạch Châu motthegioi.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây