Nhân viên nhà tàu tổ chức cho hành khách đi tàu chui tập thể

Thứ sáu - 09/06/2017 13:22
Đến ga Lao Cai khoảng 6 giờ sáng, Linh vào phòng và bảo tôi đưa tiền “chi phí”. Số tiền Linh yêu cầu là 400.000 đồng.

Sau 3 bài phản ánh về những tiêu cực của trưởng tàu và nhân viên trên đoàn tàu SE3 tuyến Hà Nội - Vinh, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ của độc giả. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiếp tục vạch trần những mánh khóe của các nhân viên trên đoàn tàu SP3 và SP4 tuyến Hà Nội - Lào Cai và ngược lại.

20h30 ngày 6/9/2013, tôi có mặt ở ga Hà Nội. Cô bạn tôi đã mua 1 vé giường nằm tại cửa bán vé với giá 600.000 đồng/vé để đi Lào Cai.

Vé đón, tiễn.

Khi tôi ra mua vé thì cô bán vé nói không còn giường gần với giường của bạn tôi. Tôi đang lưỡng lự thì một cô mặc đồng phục nhân viên nhà ga liền bảo: “Nếu chị muốn nằm giường ghép thì em bố trí, 2 chị cứ lên toa số 3 cùng nhau đi”. Tôi được hướng dẫn mua 1 tấm vé tiễn để qua cửa soát vé rồi được bàn giao cho nhân viên đeo thẻ tên Đào Văn Linh. Từ lúc này, chúng tôi đã trở thành những hành khách “đặc biệt” của chuyến đi.

Ga Hà Nội

Cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi có tấm vé giường nằm số 23, tôi được bố trí giường nằm cùng phòng với bạn. Tàu chạy, Linh dặn chúng tôi phòng này còn trống chỗ nên cứ thoải mái, nếu có sự thay đổi gì thì Linh sẽ bố trí tiếp.

Cả đêm trên tàu, ngoài Linh qua lại thì không có bất kỳ sự kiểm tra nào khác. Đến ga Lao Cai khoảng 6 giờ sáng, Linh vào phòng và bảo tôi đưa tiền “chi phí”. Số tiền Linh yêu cầu là 400.000 đồng. Tất nhiên Linh cũng không quên đưa cho chúng tôi thêm 1 vé đón tiễn để ra khỏi nhà ga. Linh khẳng định: “Vé em đánh dấu nên không lo qua cửa soát vé bị phạt đâu chị ạ”.

Cứ ngỡ đây là chuyến tàu vắng khách nên nhân viên soát vé “đánh bắt” nhỏ lẻ, nhưng sau đó chính chúng tôi lại được chứng kiến sự phối hợp chuyên nghiệp, ăn ý của các nhân viên để đưa hành khách lên tàu.

Trên chuyến tàu Hà Nội - Lào Cai, nhân viên Đào Văn Linh đã cho chúng tôi số điện thoại để nếu chúng tôi nói có nhu cầu quay về luôn thì Linh sẽ sắp xếp chỗ cho ở đoàn tàu SP4 khởi hành tối ngày 7/9/2013. Khoảng 13h cùng ngày, tôi liên lạc với Linh nhờ Linh mua vé giúp thì Linh nói không cần mua vé, phòng ngủ của nhân viên có chỗ cho 2 người nằm và Linh “bảo kê” luôn, giá là 800.000 đồng cho 2 người. Nhưng sau đó, Linh tỏ vẻ sợ sệt liên tục nhắn tin dặn dò là “hôm qua em đưa chị đi không báo tổ tàu nên chị cũng đừng nói với ai sáng nay đưa tiền cho em nhé”.

Tưởng mọi chuyện đúng như sự sắp đặt của Linh, nhưng đến 16h cậu ta nhắn tin là tàu không còn chỗ, tất cả vé bán ra cũng hết luôn. Lo lắng vì lỡ chuyến về Hà Nội hôm ấy, chúng tôi gọi điện thoại cho Linh nhưng Linh một mực nói đã hết chỗ cho chúng tôi.

19h30 ngày 7/9/2013 tại ga Lao Cai, cảnh tượng bảo vệ nhà ga “cộng tác” cùng phe vé chào mời khách đi tàu diễn ra công khai trước mắt mọi người. Nhân viên bảo vệ đeo phù hiệu tên Nguyễn Văn Giang cùng 1 nhân viên bảo vệ nhà ga nữa túc trực tại quầy bán vé. Họ đứng chắn ngay cửa bán vé, bất kỳ ai muốn vào mua vé đều qua “cửa kiểm soát” bất đắc dĩ này. Nhân viên Giang còn nói, hết vé rồi, chỉ có “vé tập thể” để đi cùng tổ tàu. Chúng tôi đoán rằng vì tàu hết chỗ, muốn đi thì phải ở cùng tổ tàu, Linh lo sợ việc “đánh bắt nhỏ lẻ” khi trước sẽ bị bại lộ nên đành từ chối "bảo kê" cho chúng tôi.

Bảo vệ Nguyễn Văn Giang.

Nhân viên Giang cùng đội phe vé đã chiếm lĩnh ưu thế lúc này vì không có cửa bán vé nào mở nữa. Giang cùng 1 người tên là Hà bán cho chúng tôi 2 tấm vé ghi là vé "đi tàu tập thể", kèm theo 2 tấm vé đón tiễn để vào trong sân ga. Dường như cái phù hiệu cùng bộ quần áo đồng phục bảo vệ nhà ga là “thương hiệu” bảo lãnh tích cực cho Giang và những người cùng tham gia. Cứ mời được 1 khách “mua vé” xong là họ chia nhau tiền ngay trước mắt chúng tôi.

Buồng chỉ huy toa 1A cho thêm hàng hóa và xe máy.

Lên tàu, chúng tôi được sắp xếp chỗ nằm ở “buồng chỉ huy” toa 1A, là toa cuối cùng của đoàn tàu. Sau khi nhân viên kiểm soát nhìn tấm vé của chúng tôi, họ đã thu lại và đưa cho chúng tôi 2 cuống vé của tháng trước (tấm vé ghi ngày đi tàu là 3/8/2013) để qua cửa soát vé ga Hà Nội.

Nhân viên Đào Văn Linh.

Khi chúng tôi hỏi dùng vé cũ này liệu có gặp rắc rối gì không thì nhân viên đeo phù hiệu tên Việt trả lời tỉnh queo: “Bọn anh đã đánh dấu rồi, nhân viên nhà ga biết mà em”. Sau khi tàu chuyển bánh được ít phút, tại buồng chỉ huy chỉ có 4 giường nằm nhưng chúng tôi bị nhồi nhét cùng 9 hành khách khác. Những hành khách này cho biết, họ đi du lịch Sa Pa nhưng bị nhỡ tàu về nên chấp nhận đi cùng tổ tàu. Giá bao sân cho 9 người về ga Hà Nội là 1.800.000 đồng. Tất cả đều biết rõ là đã được nhân viên đường sắt "bảo kê” nên cho dù có chen chúc chật chội cũng yên tâm ngả lưng cho hết hành trình.

Nhân viên sắp xếp hành khách tại buồng chỉ huy.

Ai cũng biết ngành đường sắt là doanh nghiệp Nhà nước, nhân viên đường sắt được ăn lương Nhà nước. Và điều đương nhiên là hành khách đi bất kỳ hành trình dù ngắn hay dài đều phải mua vé. Đó chính là đóng góp vào doanh thu của doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó "những con sâu" trong ngành đường sắt làm sai quy định để trục lợi cho cá nhân mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đến độc giả những thông tin mới nhất về vụ việc này.
Theo Trí thức trẻ

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây