Điểm danh những loại súng cận chiến đỉnh cao nhất
Thứ bảy - 03/06/2017 19:11
Phương thức chiến tranh dần thay đổi, đó là lý do để những loại súng cận chiến như Uzi, TAR-21 của Israel và MP5 của Đức trở nên phổ biến.
Hơn 3 thập niên đã trôi qua, nhưng đoạn phim ghi lại cảnh Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bị ám sát vào ngày 30.3.1981 vẫn luôn thu hút người xem.
Đơn giản, vì đây là đoạn phim mô tả thực tế nhất về khả năng phản ứng của lực lượng mật vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ.
Trong đó, hình ảnh một mật vụ khi vừa nghe tiếng súng đã nhanh chóng rút khẩu Uzi trở thành minh chứng cho sự tiện dụng của dòng tiểu liên danh tiếng này.
Hàng độc của Israel
Được sản xuất chủ đạo bởi Công ty công nghiệpvũ khí Israel (IWI), Uzi trở thành sự chọn lựa hàng đầu của nhiều lực lượng mật vụ, đặc nhiệm trên thế giới trong những thập niên qua.
Đến nay, một số đơn vị khác cũng tham gia sản xuất Uzi và loại súng này đã có mặt tại khoảng 60 quốc gia với tổng số lượng hàng triệu khẩu.
Theo trang mạng của IWI, vào năm 1949 khi chiến tranh Trung Đông vừa kết thúc, Lực lượng phòng vệ Israel hiểu rằng họ cần được trang bị một loại súng tiểu liên mới. Sau đó, mẫu thiết kế Uzi mang tên của nhà thiết kế ra nó là Uziel Gal, một sĩ quan quân đội Israel, đã được chọn.
Đến năm 1954, lô hàng 100 khẩu tiểu liên Uzi đầu tiên được chuyển giao cho Lực lượng phòng vệ Israel. Vào tháng 3.1954, quân đội Israel đặt hàng trang bị 8.000 khẩu Uzi cùng 80.000 hộp tiếp đạn tương ứng.
|
Bộ đội Việt Nam bắn kiểm tra với Uzi Micro - Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân |
Tính hiệu quả của loại tiểu liên này nhanh chóng được chứng minh nhờ vào những ưu thế như nhỏ gọn, tiện dụng, linh hoạt trong tác chiến, độ chính xác cao.
Đặc biệt, vào năm 1959, tập đoàn sản xuất vũ khí Đức Heckler & Koch (HK) mua lại bản quyền sản xuất Uzi để trang bị cho quân đội nước này.
Đây là sự kiện mang dấu ấn quan trọng cho tiểu liên Uzi vì Đức luôn được biết đến như một nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển mạnh mẽ và rất “kén cá chọn canh” về vũ khí.
Ban đầu, HK sản xuất biến thể Uzi mang tên MP2 và loại này hiện được phát triển sang biến thể mới là MP7.
Hơn nửa thế kỷ qua, Uzi tiếp tục chinh phục hàng chục quốc gia khác và được phát triển thêm các biến thể khác là tiểu liên Uzi Mini và Uzi Micro có kích thước nhỏ gọn, chẳng lớn hơn súng ngắn là bao. Ngoài ra, Uzi còn có phiên bản súng ngắn dân sự bán tự động.
|
Đặc nhiệm hải quân Mỹ SEAL cũng dùng MP5 |
Không chỉ ghi dấu ấn với Uzi, IWI còn cung cấp nhiều mẫu súng nổi tiếng khác để khẳng định là nhà sản xuất súng cá nhân hàng đầu thế giới. Gần đây, loại TAR-21 của IWI cũng được biết đến rộng rãi và đi tiên phong trong nhóm súng trường tấn công có hộp tiếp đạn phía sau tay nắm.
Sau khi kết thúc xung đột giữa Israel và Li Băng vào năm 1982, Israel đặt ra mục tiêu cấp bách hơn nữa trong việc phát triển các loại súng cận chiến cơ động nhưng hỏa lực mạnh.
Tập đoàn công nghiệp quân sự Israel (IMI) bắt tay vào nghiên cứu và mất 20 năm để chính thức cho ra đời súng trường tấn công TAR-21 được đặt theo tên của núi Tavor ở nước này. Sau đó, IWI đảm nhiệm việc sản xuất TAR-21 và loại súng này chính thức được trang bị cho bộ binh Israel từ năm 2006.
Khác với các loại súng trường tấn công truyền thống, TAR-21 được thiết kế hộp đạn phía sau. Nhờ đó, dù kích thước súng ngắn hơn nhưng vẫn đảm bảo độ dài của nòng súng để có khả năng công phá cao lẫn tầm bắn xa. Loại súng này dài từ 59 - 72 cm nhưng có tầm bắn đến 550 m, ngang ngửa với loại M-16 của Mỹ có chiều dài gần 1 m.
|
Lực lượng tinh nhuệ Ấn Độ với súng trường TAR-21 |
Vì thế, TAR-21 đặc biệt phát huy hiệu quả trong tác chiến đổ bộ, cần tính linh hoạt cao. Với ưu thế trên, dù mới xuất hiện chưa được 7 năm nhưng TAR-21 nhanh chóng trở thành sự lựa chọn của hơn 10 quốc gia.
Đặc biệt, lực lượng đặc nhiệm hải quân của một số nước cũng bắt đầu lựa chọn TAR-21 thay cho những loại súng trường quen thuộc xưa nay.
Tiểu liên cực nhanh của Đức
Chẳng bao lâu sau khi sản xuất tiểu liên MP2 dựa trên Uzi, tập đoàn vũ khí Đức Heckler & Koch từ năm 1964 bắt tay vào nghiên cứu phát triển loại tiểu liên có tính cận chiến cao và cho ra đời mẫu tiểu liên MP5.
Đến năm 1966, Cảnh sát liên bang Đức chính thức được trang bị tiểu liên MP5. Theo Viện Nghiên cứu chính sách thế giới, MP5 hiện trở thành loại vũ khí cá nhân rất phổ biến trong lực lượng đặc nhiệm của nhiều nước trên thế giới như: Lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh SWAT, Đặc nhiệm hải quân SEAL của Mỹ, Lực lượng đặc nhiệm không quân Anh (SAS)…
Đó là vì MP5 có ưu điểm gọn nhẹ và tốc độ bắn cực nhanh, độ giật thấp.
Theo trang mạng của HK, tập đoàn này hiện sản xuất 3 dòng sản phẩm chính của MP5 là: MP5, MP5SD và MP5K. Cả 3 dòng đều có tốc độ tối đa lên đến 900 viên đạn mỗi phút và âm thanh phát ra khá nhỏ nên thuận tiện trong nhiều chiến dịch đặc biệt.
Trong đó, MP5K được tinh giản tối đa, không có báng súng, trọng lượng chưa đến 2 kg và chỉ dài khoảng 32 cm nên rất dễ dàng mang theo. Một ưu điểm khác không thể bỏ qua của tiểu liên MP5 là có thể gắn thêm những bộ phận phụ trợ như kính ngắm laser, ống hãm thanh, tay nắm chống giật.
Đến nay, HK đã nhượng quyền sản xuất MP5 cho nhiều nước trên thế giới có trên 100 biến thể khác nhau như: HK54, MP5K2, KP5…
Theo Thanh Niên
Nguồn tin: hatinhnews.com