Trong một chuyến đi tìm lại “dấu xưa” của những gì liên quan đến con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, tôi đã đến xã Nam Thượng (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Thời kỳ chống Mỹ, Nam Thượng và Truông Bồn trên tuyến đường 30 thuộc vùng II nằm trong mắt xích liên hoàn với đường 15 từ Rào Gang (huyện Thanh Chương) đến Nam Đàn, đường 49 từ Nam Đàn đến cầu Mượu (huyện Hưng Nguyên), đường 28 từ Nam Đàn đến Linh Cảm (Đức Thọ, Hà Tĩnh),...
Khi phà Nam Đàn bị đánh phá thì khu vực Nam Thượng là một trong những đầu mối chính vận chuyển hàng qua sông Lam... Tưởng chừng như sẽ không còn gì để lưu dấu sau mấy chục năm, nhưng thật bất ngờ, nơi đây vẫn còn nhiều dấu tích đáng để nhớ. Khi tôi đến xóm 5 (xã Nam Thượng) tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Duyên. Khi tôi hỏi thăm, chị Duyên bật kêu lên: “Ô, có hầm ở trên núi ngay sau nhà tui”. Chị Duyên và anh Thái Văn Quang - nguyên xóm trưởng xóm 5 đưa tôi lên núi Eo Cổ Ngựa xem hầm. Có 2 căn hầm đã bị đất núi và cây bụi lấp mất cửa.
Anh Quang cho biết, người dân nơi đây gọi 2 căn hầm bị lấp là H1 và H2. 2 căn hầm này dài chừng 200m được đào sâu vào lòng núi. Riêng căn hầm số 3 thì vẫn còn. Sau một hồi vạch cây bụi và cỏ dại chúng tôi đã tìm được lối vào căn hầm số 3. Cửa hầm bằng bê tông hiện ra, trông còn gần như nguyên vẹn. Chúng tôi phải dùng đèn pin mới chui được vào hầm. Anh Quang cho biết, căn hầm này dài khoảng 250m, hồi xưa là nơi bộ đội và dân công dùng để chứa hàng trước khi vận chuyển qua sông hoặc cất hàng vào những thời điểm Mỹ đánh phá ác liệt. Anh vẫn nhớ như in, vào thời điểm 1967-1968, khi ấy anh 10 tuổi. Anh đã chứng kiến nhiều trận bom rơi trên quê mình, nhưng cứ hễ ngớt tiếng bom là các cô các chú bộ đội, dân công lại tức tốc vận chuyển hàng qua sông không kể ngày đêm.
Cách núi Eo Cổ Ngựa không xe là bến Bàu Bàng trên sông Lam. Từ núi Eo Cổ Ngựa, sau khi hàng được tập kết sẽ đưa xuống bến Bàu Bàng, rồi vận chuyển sang bến Trầm Một dưới dãy núi Thiên Nhẫn bên kia sông. Bà Chiên - xóm 4 (xã Nam Thượng) kể: Thời chiến tranh, giặc Mỹ trút xuống nơi đây không biết bao nhiêu trận bom nhưng không hề đánh trúng được cây đa bên bến Bàu Bàng và ngôi đền Trầm Một phía bên kia sông. Nghe kể đền Trầm Một thiêng lắm, còn cây đa vẫn sống lừng lững tận hôm nay dù quanh đó có rất nhiều cây bàng đã chết. Những buổi chăn trâu bọn trẻ ở Nam Thượng lại rủ nhau túm tụm dưới gốc cây tránh nắng hoặc trèo lên cây hái quả.
Ngày xưa trên khu vực này là những hố bom còn bây giờ là cánh đồng bắp (ngô), đậu phộng,... Dưới bến sông ngày xưa là mồ hôi, xương máu để đưa từng chuyến hàng sang sông dưới bầu trời mờ khói bom... giờ thật thanh bình. Khi tôi xuống bến có mấy người dân đang tắm cho trâu, bò. Tôi hỏi: “Các anh, các chị còn nhớ bến sông này vào thời điểm Mỹ ném bom không?”. Cả mấy người bất ngờ cười rất tươi, bảo: “Chuyện đánh nhau qua lâu rồi mà, chú hỏi mần chi rứa? (làm gì thế)”. Nói rồi họ lại cười. Cả bến sông bình yên đến lạ. Nhưng để có sự bình yên như hôm nay, trên bến sông này đã có một thời máu lửa...
Theo sggp.org.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn