Hà Tĩnh: Sâu lắng một tình yêu nguồn cội

Thứ ba - 04/07/2017 11:46
(Hatinhnews) - Trong không khí thiêng liêng của lần thứ 65 cả dân tộc ta làm giỗ những người con trung hiếu anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, những tấm lòng tri ân đã tìm về với nhiều địa danh lịch sử. Mỗi người bằng cách riêng của mình đã tìm được con đường riêng để trở về. Và nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng đã về lại giữa Đồng Lộc bằng một cuộc triển lãm ảnh lắng sâu, xúc động.
Tháp chuông Ngã Ba Đồng Lộc

Sau thành công của triển lãm “Chân dung mẹ” năm 1995, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng vẫn tiếp tục rong ruổi trên mọi miền đất nước, tìm gặp và ghi lại những khoảnh khắc xúc động, đáng quý của các bà mẹ Việt. Với tấm lòng của người con xa xứ, Trần Hồng đã nhiều lần trở về quê nhà Hà Tĩnh và có được nhiều bức ảnh đáng quý về mẹ và quê hương. Và nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ, 44 năm chiến thắng Đồng Lộc,Trần Hồng đã thực hiện được nguyện vọng tha thiết của mình là mở cuộc triển lãm ảnh “Đồng Lộc, mẹ và quê hương” ngay chính trên địa danh lịch sử này. Tại cuộc triển lãm, công chúng được gặp lại những khoảnh khắc xúc động về các hoạt động tri ân diễn ra tại ngã ba Đồng Lộc. Thông qua những bức ảnh này, Trần Hồng cùng cộng sự là nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Chiến muốn tô đậm thêm biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khẳng định sự tri ân sâu sắc của nhân dân cả nước đối với những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc anh hùng. Đã từng là người lính, đi qua những gian khổ, hiểm nguy của cuộc chiến tranh, hơn ai hết Trần Hồng cảm nhận được giá trị của hòa bình. Và những khoảnh khắc ông ghi lại ở Đồng Lộc giữa thời bình chính là nén tâm nhang ông gửi tới các anh hùng liệt sỹ. Cũng tại triển lãm này, người ta còn thấy sức trỗi dậy mãnh liệt của mảnh đất một thời đạn bom tàn phá. Công chúng đã tìm được sợi dây vô hình kết nối quá khứ và tương lai trong từng tác phẩm được tác giả thực hiện bằng nghệ thuật tả thực. Anh Dương Đình Cường – một du khách về thăm Đồng Lộc cho biết: “là người con của Hà Tĩnh tôi rất tự hào khi về quê hương mình và những bức ảnh trong cuộc triển lãm này khiến tôi vô cùng xúc động”

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu từng bức ảnh với quan khách

Có một dấu lặng giữa hai đề tài Đồng Lộc và quê hương trong cuộc triển lãm này đó là những bức chân dung về mẹ. Ngoài những bà mẹ của quê hương Hà Tĩnh, nghệ sỹ Trần Hồng còn trưng bày nhiều bức ảnh về các bà mẹ khắp đất nước. Với ông mẹ chính là dòng sữa và lời ru - cội nguồn sức mạnh làm nên mọi chiến thắng. Đất nước này có những người con anh hùng chính là bắt nguồn từ sự hy sinh cao cả của những người mẹ. Với tâm tư ấy, Trần Hồng đã rong ruổi đi tìm “chân dung mẹ” khắp nẻo miền đất nước. Nhân vật của ông có khi là những bà mẹ đã được phong tặng danh hiệu anh hùng nhưng lắm khi đó chỉ là những bà mẹ rất bình dị. Bằng sự nhạy cảm của người nghệ sỹ, bằng sự mẫn cảm của một người lính, ông đều đã tìm ra ở các mẹ những phẩm chất, tình cảm cần được tôn vinh và nhận được sự đồng cảm của đông đảo độc giả. Mỗi lần nói về “chân dung mẹ”, Trần Hồng đều khẳng định: “Tôi không gọi đó là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bởi với tôi tất cả các bà mẹ trên dải đất này xét về một góc độ nào đó đều là những bà mẹ anh hùng".

Mẹ Trần Thị Truật ở Đức Vịnh (Đức Thọ) với nỗi chờ đợi đằng đẵng

Suốt hơn 40 năm làm nghề, Trần Hồng luôn trung thành với nghệ thuật tả thực mà ông đã chọn. Những bức ảnh của ông không hề có sự can thiệp của kỹ xảo, rất ít khi sắp đặt nhưng những khoảnh khắc ông nắm bắt được đều là những khoảnh khắc rất đáng quý. Hầu hết những bức ảnh của ông đều không có tên cụ thể, chỉ có vài dòng ghi chú. Dường như ông muốn tạo ra không gian rộng lớn cho sự cảm nhận của độc giả. Trong các bức ảnh về mẹ, dù cho người mẹ ấy có mất 8 hay 9 đứa con, độc giả cũng không tìm thấy giọt nước mắt nào của mẹ. Có lẽ nỗi đau trong lòng mẹ đã nén chặt cùng năm tháng. Tại cuộc triển lãm này, độc giả được gặp lại mẹ Trần Thị Thứ cô quạnh bên mâm cơm 9 đôi đũa gác trên 9 bát cơm. Tưởng như ở bức ảnh này có sự sắp đặt nhưng đó hoàn toàn là hình ảnh thực mà ông ghi lại được khi mẹ Thứ còn sống. Xúc động nhất vẫn là bức ảnh mẹ Cả Tám ở Bắc Ninh trong ngày đón hài cốt con về. Bình dị trong nước ảnh đen trắng nhưng khuôn hình đã ghi lại trọn vẹn những cung bậc tình cảm cuả một bà mẹ Việt trong chiến tranh. Từ bức ảnh ấy người ta tìm thấy phẩm chất anh hùng, nỗi đau đớn khôn nguôi, lòng kiên trung của một bà mẹ Việt trước nỗi đau mất con và tâm thế bình thản, an định của mẹ khi biết con mình hy sinh vì Tổ quốc.

Mẹ cả Tám ở Bắc Ninh trong ngày đón hài cốt con về – một bức ảnh đầy xúc động

Hòa bình đã trở lại trên đất nước Việt Nam, ngàn nỗi đắng cay đã chìm lắng trong muôn sâu lòng mẹ và mẹ lại cùng cháu con vui sống đời thanh bình. Trong nhiều bức ảnh về mẹ của Trần Hồng, công chúng cũng bắt gặp nụ cười nhưng dường như đó cũng chỉ là nụ cười giữa chừng những nỗi đau chưa dứt. Bắt được những khoảnh khắc ấy không dễ và đó là thành công riêng của nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng.

Trả lời câu hỏi mất bao lâu để có được bộ sưu tập này của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng nói: “Đây là tâm huyết và sự nghiệp của cả cuộc đời tôi”. Phải, mất cả cuộc đời, bằng những trải nghiệm tình cảm cá nhân, bằng cách khám phá độc đáo, thông qua những bức ảnh tả thực, Trần Hồng đã mang đến cho người xem những nỗi xúc động sâu xa về một dân tộc anh hùng với những người con anh hùng và đặc biệt là những bà mẹ vĩ đại.

Theo Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây