Dân biết, quan lại không

Thứ bảy - 10/06/2017 18:17
60.000 người dân ném gần 2.000 tỷ đồng cho công ty lừa đảo Liên kết Việt, người dân Kon Tum mua quần lót của TNMU với giá 10,7 triệu đồng, hàng chục biệt thự không phép ở Ba Vì... tất cả các "quan" đều không biết. Vậy tiền thuế của dân để làm gì?

Trong khi hơn 60.000 người dân ở 27 địa phương đang sống dở, chết dở khi ném tiền cho Công ty đa cấp Liên kết Việt với số tiền khủng là trên 1.900 tỷ đồng, thì cơn bão đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) lại đổ bộ xuống bản làng xa xôi của tỉnh Kon Tum.

Các công ty đa cấp vẫn đang tủa vòi đi khắp các bản làng xa xôi khiến bao người dân lao đao. Ảnh minh họa

Vẫn là chiêu thức “mua càng nhiều hàng sẽ càng thu nhiều tiền, không làm mà tiền vẫn về”, khiến bà con đồng bào dân tộc thiểu số cả tin, dốc tiền ra mua.

Không thể tin nổi, bà con mình lại có thể mua một bộ áo ngực nam với giá 5,2 triệu đồng, bộ nồi cơn điện, bếp từ với giá 8,8 triệu đồng,… một người dân ở xã Đắk Pét mua chiếc quần lót với giá 10,7 triệu đồng, hai chiếc nồi áp suất giá 11,7 triệu đồng và theo lời quảng bá thì tương lai sẽ nhận được 75 triệu đồng. 

Hợp đồng mua hàng và thẻ thành viên của vợ chồng Y Dinh với Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Nguồn ảnh: Báo giao thông

Một gói trà và bốn gói cà phê cũng có giá tới 36,6 triệu đồng. Người dân hồ hởi khi được tặng một thẻ VIP và lời hứa 9 tháng sau sẽ nhận được 99 triệu đồng tiền lời và cả vốn ban đầu. Ai mà chẳng mê? Nhất là với những bà con vùng sâu vùng xa, khi ánh sáng của văn minh, của công nghệ vẫn còn xa thăm thẳm.

Không thể tính được số người dân đã và sẽ bị thiệt hại về cơn bão đa cấp. Bán hàng đa cấp len lỏi đến từng nhà, từng ngõ, từng ngách. Và xem chừng vẫn chưa có biện pháp nào để giúp người dân thoát khỏi trò lừa đảo này, khi mà người dân ai cũng hay, cũng biết nhưng chính quyền gần dân nhất và cơ quan quản lý nhà nước vẫn… không biết, không thấy, không nghe. 

Dư luận trách dân tham, sao lại có thể đổ cả đống tiền để mua mấy món hàng mà có lẽ cả đời không dùng đến. Nhưng trách dân một thì trách những vị có danh, có tiếng, những cơ quan nhà nước có trách nhiệm mười. 

Hàng loạt sĩ quan về hưu với những tấm huân chương treo đầy ngực, bộ quân phục xuất hiện tại những hội nghị, hội thảo, quảng bá rầm rộ như “quân xuất trận” của Liên kết Việt; những vị giáo, tiến sĩ “thật” tham gia HĐQT, điều hành hoạt động… thì cớ sao dân không tin? 

Đến cả ông Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, khi Liên kết Việt vỡ lở, vẫn ngượng nghịu trả lời về sự vào cuộc muộn màng rằng “đã làm hết trách nhiệm”, trong khi ông có quyền thu hồi giấy phép thì ông lại “áp” chuyện phạt tiền “cho tồn tại”?

Người dân ở Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) ai cũng biết chuyện xây biệt thự ở khu resost. Xe chở vật liệu chạy ngày đêm như mắc cửi, mấy năm trời chứ đâu ít, vả lại nhà xây thì chẳng có phép, thế mà biệt thự cứ mọc lên như nấm, rao bán công khai trên mạng, cả khu nghỉ dưỡng, sinh thái “khủng” trên cao độ 600 mét ở vườn quốc gia Ba Vì không phép… lại cũng chẳng “quan to, quan nhỏ” nào hay biết. 

Nhiều người dân địa phương cho biết, các căn biệt thự ở Ba Vì được chủ đầu tư bắt đầu xây dựng từ năm 2008. Ảnh: Báo giao thông

Để rồi khi “trình ình” trên phương tiện truyền thông, thì “quan to, quan nhỏ” mới lôi nhau ra xem lỗi từ đâu. Lại họp bàn, lại kiến nghị hình thức xử lý, kiểm điểm trách nhiệm. Trong khi người dân than rằng, chỉ xây thêm một cái tum, thêm một tầng là “quan” có mặt, nào phạt, nào tháo dỡ, nào quyết định đình chỉ thi công. Nhà không phép muốn được tồn tại thì phong bì dầy bao nhiêu, hoàn thiện nhanh bấy nhiêu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh lên tiếng “Sẵn sàng chịu trách nhiệm trong vụ Liên kết Việt”. “Sẵn sàng” của vị thứ trưởng nghe sao nhẹ như lông hồng, khi hơn 60.000 người dân đã sập bẫy Liên kết Việt, ném vào đó gần 2.000 tỷ đồng chứ đâu ít. 

Nhận trách nhiệm nhưng có vị nào dám sẵn sàng từ chức khi không làm tròn nhiệm vụ, gây hậu quả nghiêm trọng? Bộ Công Thương có dám giáng chức ông Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - nơi cấp phép và có trách nhiệm “quản” công ty hoạt động đa cấp, khi đã không báo cáo cho lãnh đạo bộ, dẫn đến việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều bất cập?

Ông Trần Quốc Khánh kêu gọi người dân phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào vi phạm Nghị định 42 thì gọi đến đường dây nóng Cục Quản lý cạnh tranh. Xin thưa với thứ trưởng, người dân ở vùng sâu vùng xa đang bị cơn bão đa cấp đổ bộ hoành hành tìm đâu được đường dây nóng của Cục Quản lý cạnh tranh để mà gọi.

Thay vì kêu gọi người dân, kêu gọi báo chí thì ông hãy “mệnh lệnh” cho các cơ quan cấp dưới gần dân, có trách nhiệm với dân hơn nữa.

Ăn lương nhà nước từ tiền thuế của dân mà không làm tròn nhiệm vụ thì chỉ có “đuổi”,  may ra… mới thấy hết trách nhiệm của mình.

Theo Lê Nguyễn Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây