Thảo luận tại tổ chiều 25/05, các ĐBQH cho rằng đã đến lúc cần tuyên chiến với nạn “cát tặc” đang hoành hành khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam. ĐB Nguyễn Văn Pha, đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, cho rằng hiện tượng sạt lở ở ĐBSCL những năm gần đây là nghiêm trọng hơn. Trong những nguyên nhân được chỉ ra còn có nguyên nhân do tác hại từ khai thác cát tràn lan.
“Tôi đã tìm hiểu và thấy khai thác cát đem lại siêu lợi nhuận, chúng ta không phải không biết. Việc chặn khai thác cát trái phép là hoàn toàn có thể làm được. Khai thác cát tràn lan như hiện nay, lợi nhuận rơi vào túi ai thì các đồng chí cũng biết cả. Chính phủ cũng biết chuyện đó và cũng đã làm, nhưng cần phải làm quyết liệt hơn nữa,” ĐB Nguyễn Văn Pha nói.
ĐB Nguyễn Văn Pha, đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Việc chặn khai thác cát trái phép là hoàn toàn có thể làm được. |
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng nêu tình trạng các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang,… đều có hiện tượng sạt lở hàng chục ngôi nhà, thiệt hại rất lớn. Sông Thu Bồn ở miền Trung, rồi các con sông ở miền Bắc cũng có hiện tượng sạt lở đều có nguyên nhân từ việc khai thác kiệt quệ nguồn tài nguyên này.
Câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc khai thác cát trái phép hay khai thác có giấy phép. Vấn đề là việc khai thác quá mức cho phép có liên quan đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Xử lý về khai thác cát, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh đã bị các đối tượng nhắn tin đe dọa.
“Tôi không tưởng tượng nổi là tình hình an ninh trật tự đã nghiêm trọng như thế,” Đại biểu Nguyễn Bá Sơn bức xúc. “Đầu nguồn chặn dòng, lượng phù sa về thấp hơn 50%, bù vào hạ du bị thiếu, lại thêm cát tặc nữa. Dòng sông chảy từ đầu nguồn đến cuối nguồn liên hệ mật thiết với nhau. Địa phương này phản ánh thì địa phương kia phản ứng, rất buồn cười. Ai cấp phép? Ai cho phép việc khai thác đó?”
Theo ông Nguyễn Mai Bộ, Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, nạn “cát tặc” đã cùng với hàng loạt vụ việc xảy ra gần đây như tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm; gây rối ở Nghệ An, Hà Tĩnh;... đã tạo sức nóng cho tâm lý xã hội. Ông Bộ cho rằng “sức căng” của tâm lý xã hội “đã chạm đến ngưỡng”.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. |
“Quản lý xã hội hình như có sự chống lưng đâu đó, chứ mấy ông cát tặc có phải là đông đâu. Chứng tỏ có một lực lượng bảo kê cho việc đó,” ĐBQH Nguyễn Mai Bộ nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, cho rằng tình trạng “cát tặc” và phá rừng phòng hộ đang hoành hành, nhưng gây ra tình trạng này chỉ là một nhóm người, việc xử lý hoàn toàn nằm trong tầm tay của chính quyền.
“Cát tặc, rồi phá rừng phòng hộ, cái này chỉ là một nhóm người. Nhà nước xử lý trong tầm tay chứ có gì đâu. Đụng tới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là không được, xâm phạm này là có liên quan đến chính quyền, người dân nào dám làm,” ông Nguyễn Văn Giàu khẳng định.